Tình hình tội phạm mua bán người trên cả 4 tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia và tuyến biển phía Nam có những diễn biến phức tạp.

Các đối tượng tội phạm tìm mọi phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với các cơ quan chức năng. Nạn nhân hiện nay không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê...

Các nạn nhân trong một vụ án mua bán người.

Theo thông tin từ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 88 vụ/229 đối tượng phạm tội mua bán người theo các tội danh được quy định tại Điều 150, Điều 151, Bộ luật Hình sự; xác định có 224 nạn nhân trong các vụ án, tăng 55 vụ/154 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022 (mua bán người: 43 vụ/86 đối tượng, mua bán người dưới 16 tuổi: 45 vụ/143 đối tượng).

Lực lượng chức năng đã tiếp nhận, giải quyết 117 tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố liên đến tội phạm mua bán người. 

Các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đã tiếp nhận, xác minh 114 trường hợp; trong đó, xác định và hỗ trợ 82 trường hợp nạn nhân bị mua bán. 

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 59 vụ/153 bị cáo phạm các tội về mua bán người, tăng 10 vụ/35 bị cáo so với cùng kỳ năm 2022; đã đưa ra xét xử 43 vụ/107 bị cáo.

Phần lớn các đối tượng cư trú trong nội địa câu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới, đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân đưa ra nước ngoài hoặc trong nước nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật...

Thủ đoạn của các đối tượng có hành vi mua bán người đều được thực hiện thông qua các tài khoản mạng xã hội nên rất khó thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng. Bên cạnh đó, các loại tội phạm "nguồn" của mua bán người như tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, mang thai hộ với mục đích thương mại; mua bán bộ phận cơ thể người cũng có dấu hiệu gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người.

Thực hiện Chương trình Phòng chống mua bán người của Chính phủ, Bộ Quốc phòng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, hằng năm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đều triển khai kế hoạch phòng chống mua bán người nhằm cụ thể hóa các nội dung để chỉ đạo các đơn vị bộ đội biên phòng tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống mua bán người, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.

Theo đó, bộ đội biên phòng cùng các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều kế hoạch nhằm tấn công, trấn áp loại tội phạm này.

Bộ đội biên phòng và lực lượng công an tại các địa bàn đã thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, tập trung vào các khu vực trọng điểm, trọng yếu, các địa bàn, khu vực tuyển mộ, tập kết, vận chuyển, chuyển giao nạn nhân. Chủ động phát hiện, đấu tranh, trấn áp quyết liệt, không để tội phạm mua bán người cấu kết, hình thành đường dây hoạt động liên tỉnh, liên tuyến, xuyên quốc gia, từ đó, đề ra các phương án đấu tranh, triệt phá và điều tra, xử lý đạt hiệu quả cao nhất.

Báo cáo mới đây của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho thấy, từ tháng 6 năm 2022 đến nay, các đơn vị công an và bộ đội biên phòng đã phối hợp đấu tranh hàng chục chuyên án, phát hiện, điều tra, xử lý 65 vụ với 81 đối tượng, xác định 105 nạn nhân; đang điều tra, xác minh 57 vụ với 86 đối tượng nghi vấn mua bán 164 người.

Đặc biệt, từ tháng 7 đến tháng 9/2022, các đơn vị công an, bộ đội biên phòng phát hiện, điều tra 24 vụ với 17 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ 52 nạn nhân, tăng 13 vụ, 4 đối tượng và 30 nạn nhân so với cao điểm năm 2021.

Dự báo thời gian tới, tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong công tác phối hợp, hai lực lượng sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên công tác trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình, phối hợp tuần tra, kiểm soát biên giới, tập trung vào các khu vực trọng yếu, chủ động phát hiện, đấu tranh trấn áp. 

Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, tập trung nhóm có nguy cơ cao, quyết không để tội phạm mua bán người câu kết, hình thành đường dây hoạt động liên tỉnh, liên tuyến, liên quốc gia.

Đồng thời, hai lực lượng tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài trở về. Tổ chức điều tra để tạo nguồn xác lập chuyên án chung đấu tranh, triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người.

Hai bên phối hợp tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm hình sự nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng, đặc biệt là lực lượng công an cơ sở và các đồn biên phòng tại các tuyến, địa bàn trọng điểm...

Nguyễn Việt Dũng, Trần Quang Ninh