Loại bỏ dần thói quen tiêu dùng tiền mặt

Không riêng gì ở Vĩnh Phúc, người dân ở vùng nông thôn, miền núi nói chung hầu như vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt là phổ biến. Thậm chí, nhiều lao động khu vực nông thôn đang làm việc trong các doanh nghiệp dù được trả tiền lương vào tài khoản nhưng chủ yếu vẫn trả tiền điện, nước qua ngân hàng còn phần lớn chủ thẻ vẫn rút hết tiền mặt để chi tiêu hằng ngày bởi thói quen tiêu dùng tiền mặt đã ăn sâu vào tâm thức người dân và vẫn khá phổ biến; họ có tâm lý e ngại tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán điện tử, ngân hàng, sợ rủi ro, mất an toàn trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chính vì vậy, để hạn chế dần thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở vùng nông thôn, miền núi, thời gian qua, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân thực hiện thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí cho các dịch vụ thường xuyên, định kỳ, như: Điện, nước, điện thoại, Internet, truyền hình cáp... 

Đặc biệt, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã đã triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo hình thức quét mã QRcode để phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhất là liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Đồng thời, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng đã đã tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thanh toán ở trung tâm các xã, thị trấn, khu vực miền núi, nông thôn; đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn về các hình thức thanh toán; đa dạng hóa và gia tăng tiện ích các dịch vụ thanh toán bảo đảm an toàn, nhanh chóng, bảo mật thông tin. 

Theo đó, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người dân khu vực nông thôn, miền núi, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã chủ động phát triển thêm tài khoản thẻ; phối hợp với các đơn vị như ngành điện, bảo hiểm, các trường học, các cửa hàng, siêu thị thực phẩm, đồ dùng thiết yếu… đưa hình thức thanh toán qua mã QRcode, máy POS vào giao dịch, từng bước giúp khách hàng tiếp cận, làm quen với thanh toán trực tuyến thay vì dùng tiền mặt. 

Với sự tuyên truyền tích cực cùng sự đầu tư cơ ở hạ tầng đồng bộ, nhờ đó đến nay, toàn tỉnh đang có gần 240 máy ATM; hơn 890 POS được lắp đặt tại các cơ sở kinh doanh, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế,… đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán không sử dụng tiền mặt. Điều đáng mừng là, tại khu vực nông thôn, miền núi nhiều người dân đã dần thay đổi thói quen, chủ động sử dụng các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt.

Lập Thạch là 1 huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc, tuy nhiên, hiện nay, khi đến Lập Thạch ai ai cũng phải ngạc nhiên bởi khi bước vào bất cứ 1 cửa hàng kinh doanh, dịch vụ nào trong thị trấn thì đều có sẵn mã VietQR cho khách chuyển tiền. 

W-cho-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-1.jpg
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người dân khu vực nông thôn, miền núi, các ngân hàng, tổ chức tín dụng ở Vĩnh Phúc đã chủ động phát triển thêm tài khoản thẻ, đưa hình thức thanh toán qua mã QRcode, quét mã VN-PAY... 

Không riêng gì thị trấn, đến xã Đồng Ích, hầu hết các cửa hàng kinh doanh trong xã đều thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc quét mã VN-PAY, QRcode.

UBND xã Đồng Ích cho biết, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, thời gian qua, xã đã phối hợp với các tổ chức tín dụng mở tài khoản giao dịch cho người dân nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện thanh toán các lệ phí khi giao dịch tại Bộ phận một cửa của xã, cũng như thanh toán các loại hàng hóa, dịch vụ khi mua sắm. Nhờ đó đã góp phần thay đổi thói quen thanh toán truyền thống của người dân, đặc biệt là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. 

Theo UBND xã, hiện nay, nhiều người dân địa phương đã thực hiện gửi hồ sơ qua mạng và thanh toán lệ phí giao dịch không dùng tiền mặt; 100% cửa hàng trên địa bàn xã đã cho phép người dân thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc quét mã VN-PAY, QRcode; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở nên có tài khoản ngân hàng điện tử đạt hơn 70%. 

Hay như ở xã Hướng Đạo (huyện Tam Dương), sau tời gian vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhất là các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, quán ăn trên địa bàn triển khai cung cấp mã QRcode để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay, trên địa bàn xã có hơn 60% cửa hàng ứng dụng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc quét mã VN-PAY, QRcode; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở nên có tài khoản ngân hàng điện tử đạt hơn 55%.

Năm 2025, phấn đấu người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng đạt trên 80%

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ; Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ, đa dạng hóa và gia tăng dịch vụ thanh toán mới theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ nhằm phục vụ thanh toán điện tử. Hiện toàn tỉnh có 242 máy ATM, 900 POS được lắp đặt tại các cơ sở kinh doanh, cơ sở y tế, trường học… phân bổ từ khu vực thành thị đến khu vực nông thôn, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn và thanh toán của người dân, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi.

Theo đó, trong năm 2022, số lượng giao dịch qua máy POS đạt 5 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt 900 tỷ đồng; số lượng giao dịch qua ATM đạt 7,3 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt 930 tỷ đồng; số lượng thẻ giao dịch đạt 2,1 triệu thẻ. Giá trị thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 31.000 tỷ đồng với 5.000 món. Trong 6 tháng năm 2023, giá trị thanh toán điện tử liên ngân hàng toàn tỉnh đã đạt hơn 12.500 tỷ đồng (đạt hơn 50% so với kế hoạch).

Với mục tiêu của tinh Vĩnh Phúc là đến năm 2025, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng đạt trên 80%, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành Ngân hàng, chính quyền các địa phương tiếp mở rộng hạ tầng số đến với người dân; tăng cường tuyên truyền về tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt. 

Đồng thời, nghiên cứu triển khai, từng bước mở rộng hoạt động đại lý thanh toán; mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động ở khu vực nông thôn gắn với việc triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn với người dân nông thôn, miền núi.

Tuấn Anh và nhóm PV, BTV