Đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 4 cả nước về tăng trưởng
Tháng 9 và 9 tháng năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt các tỉnh phía Nam và thành phố Hà Nội. Do vậy, để bảo an toàn cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, với sự chủ động ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập từ bên ngoài, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ dịch bùng phát ở bên trong, tỉnh Vĩnh Phúc luôn duy trì, tăng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả để vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc phấn đấu là “Vùng Xanh” trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc 9 tháng năm 2021 ước tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó: Ngành công nghiệp - xây dựng tăng 15,17%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,79%; ngành dịch vụ tăng 2,81%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 6,37% so cùng kỳ năm 2020.
Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, với kết quả tăng trưởng GRDP như trên, tỉnh đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 4 cả nước về tăng trưởng sau Hà Nam, Gia Lai, Hải Phòng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc 9 tháng năm 2021 ước tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2020. ảnh Vinhphuc.gov.vn |
Nỗ lực tháo điểm nghẽn, gỡ vướng cho doanh nghiệp
Tháng 9 năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc sau 2 tháng sụt giảm liên tiếp đã tăng trở lại với mức tăng ước đạt 9,01% so với tháng trước và tăng 1,02% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,55% so với cùng kỳ năm trước.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, có tới 17/24 ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 25,75%; ngành sản xuất xe có động cơ tăng 10,72%, ngành sản xuất kim loại tăng 17,12%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,31%, ngành sản xuất trang phục tăng 11,03% và ngành sản xuất giày da tăng 18,81%...
Sản lượng sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong đó, xe ô tô các loại tăng 10,72%; doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng 25,75%; giày, dép thể thao tăng 18,81%; thức ăn gia súc tăng 2,64%; quần áo các loại tăng 10,82% so với cùng kỳ.
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; năng suất lúa vụ Mùa ước đạt 56,03 tạ/ha, tăng 1,67 tạ/ha; sản lượng ước đạt gần 133,5 nghìn tấn, tăng 3,14 nghìn tấn so với cùng kỳ; được đánh giá là vụ Mùa được mùa nhất trong mười năm trở lại đây.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm mặc dù xuất hiện một số ổ dịch nhưng đã được kiểm soát kịp thời. Chăn nuôi lợn phục hồi tốt trong những tháng đầu năm nhưng có xu hướng chậm lại trong Quý III do giá lợn hơi liện tục giảm gây khó khăn trong việc duy trì và mở rộng đàn.
Sản lượng chăn nuôi chủ yếu như thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, sữa bò… đều tăng khá so với cùng kỳ, trong đó thịt trâu hơi tăng 1,52%, thịt bò hơi tăng 2,21%, sữa bò tương tăng 21,24%, lợn hơi tăng 11,95%, thịt gia cầm tăng 4,98%, trứng gia cầm tăng 8,16%... Sản xuất thủy sản ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, vận tải trên địa bàn tỉnh chịu tác động không nhỏ của dịch bệnh Covid-19. Song, hi tình hình dịch bệnh trong tỉnh sớm được kiểm soát, các đơn vị kinh doanh thương mại cũng chủ động điều chỉnh mô hình, chiến lược kinh doanh, thích ứng nhanh với tình hình mới, đa dạng hóa các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do đó, lượng hàng hóa lưu thông vẫn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm ước đạt 40.017,5 tỷ đồng, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm trước.
Các lĩnh vực văn hóa được tổ chức thực hiện tốt, phù hợp với điều kiện diễn biến tình hình dịch bệnh. Công tác giáo dục và đào tạo được triển khai phù hợp đảm bảo vừa phòng, chống dịch, vừa tổ chức dạy học có hiệu quả.. Các chính sách giảm nghèo, chính sách người có công tiếp tục được triển khai kịp thời.
Sở dĩ tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2021 tăng cao do những nỗ lực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND trong việc chỉ đạo tháo gỡ những điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp duy trì sản xuất, không bị đứt gãy các chuỗi cung ứng, hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp dừng sản xuất, công nhân mất việc làm.
Mặt khác, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch covid 19 hiệu quả, kịp thời, huy động cả hệ thống chính trị dập dịch, sớm ổn định đời sống nhân dân.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, những tháng cuối năm tới cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp các ngành, sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ của nhân dân nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Lan