Từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2023, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 50 văn bản quy phạm pháp luật nhằm triển khai Quyết định số 407 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. 

Trong đó, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 17 nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 33 quyết định, với nhiều chính sách có tác động lớn đến xã hội như: Chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 - 2030; Một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025;  Kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 sang năm 2023; Quy định diện tích nhà ở tối thiểu để công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Tiêu chí ưu tiên, lựa chọn đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quy định mức hỗ trợ người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc...

Công tác truyền thông chính sách được chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm triển khai.

Sau khi xây dựng kế hoạch, nội dung truyền thông, các cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo chính sách đã triển khai đa dạng hình thức truyền thông như: Gửi dự thảo chính sách đến các cơ quan, đơn vị liên quan; Đăng tải thông tin nội dung dự thảo chính sách trên các cổng/trang thông tin điện tử, hoặc qua Phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Giới thiệu dự thảo chính sách tại các hội nghị, cuộc họp giao ban... 

100% các chính sách có tác động lớn đến xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được các cơ quan, đơn vị tổ chức truyền thông lấy ý kiến ngay từ khi xây dựng dự thảo; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi theo đúng quy định để đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện dự thảo.

100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh được đăng tải toàn văn trên Cổng thông tin điện tử tỉnh trong thời hạn ít nhất 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.

Các cơ quan truyền thông đại chúng như Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã chủ động, linh hoạt tổ chức truyền thông dự thảo chính sách bằng hình thức phù hợp như đăng tải, phát sóng hàng trăm lượt tin, bài, phóng sự tuyên truyền các chính sách có tác động lớn đến xã hội của Trung ương, của tỉnh; xây dựng và duy trì nhiều chuyên trang, chuyên mục lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo văn bản để phục vụ cho các hoạt động truyền thông chính sách. 

Với những nỗ lực nêu trên, công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Thu Hằng và nhóm PV, BTV