Hiện nay, nhiều học sinh được bố mẹ cho phép sử dụng điện thoại thông minh để phục vụ liên lạc, học tập. Vợ chồng chị Nguyễn Vân Khánh ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là một ví dụ.
Chị Khánh có một con gái đang học lớp 3. Trước đòi hỏi của con muốn có một chiếc điện thoại thông minh để học thêm tiếng Anh, vợ chồng chị đã đồng ý.
Ban đầu, con gái chị Khánh chỉ sử dụng điện thoại vào buổi tối hoặc những ngày cuối tuần để học tập. Tuy nhiên, qua thời gian, tần suất sử dụng điện thoại ngày càng tăng nên chị và chồng nhiều lần nhắc nhở con tiết giảm thời gian sử dụng điện thoại.
Gần đây, con gái chị xin lập tài khoản Zalo, Facebook để liên lạc với các bạn. Vợ chồng chị đang cân nhắc có nên cho con sử dụng mạng xã hội sớm như vậy hay không?
Việc trẻ em ham thích khám phá, trải nghiệm trên môi trường Internet, mạng xã hội là điều rất bình thường. Bởi Internet, mạng xã hội chứa đựng kho thông tin khổng lồ với rất nhiều kiến thức bổ ích, nhiều tiện ích đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, môi trường mạng cũng là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ. Trong quá trình sử dụng Internet, nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, vô tình trẻ sẽ tiếp xúc với những thông tin độc hại trên môi trường mạng và có thể tác động xấu đến tâm sinh lý và hành động của trẻ. Trẻ có thể thu mình vào thế giới ảo rồi xa rời thực tế. Thậm chí, các em còn là đối tượng để kẻ xấu lôi kéo, trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại, bắt cóc…
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, từ đầu năm đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Công an tỉnh tổ chức một số hội nghị truyền thông về quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Qua đó, giúp các em nâng cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội; hướng dẫn trẻ cách tham gia môi trường mạng tốt nhất, giúp trẻ nhận biết được những rủi ro, cạm bẫy, kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng…
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, triệt phá và xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi phát tán những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội.
Đặc biệt, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương cần rà soát, tham gia ý kiến vào dự thảo các văn bản hoàn thiện chính sách, pháp luật; ban hành văn bản hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến kỹ năng về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng.
UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch, tham gia vào mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em, ngăn chặn dữ liệu, thông tin xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Trên cơ sở xác định hoạt động truyền thông và việc truyền tải các kỹ năng số cơ bản tới các bạn trẻ sẽ là điều cốt lõi trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; đưa ra những giải pháp ngăn chặn kịp thời những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội…
Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội phối hợp với Tỉnh Đoàn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xác định trẻ em làm trung tâm, có sự tham gia của trẻ em hoặc tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ trong xây dựng chính sách số về trẻ em…
Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng xác định, gia đình là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng. Cha mẹ cần tìm hiểu tâm lý của trẻ để góp ý, định hướng cho trẻ; chịu khó lắng nghe, chia sẻ với những mong muốn của trẻ; dành thời gian để gắn kết các thành viên trong gia đình; đồng hành và hướng dẫn trẻ kỹ năng sử dụng Internet một cách thông minh để trẻ tự bảo vệ mình trên môi trường mạng…
Thanh Minh