Trong phiên sáng 26/7, số lượng cổ phiếu giảm giá trên cả 3 sàn chứng khoán áp đảo so với mã tăng. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index chính thức vượt ngưỡng 1.200 điểm, lần đầu tiên kể từ ngày 26/9/2022, nhờ cú bứt phá của cổ phiếu Vietcombank (VCB) và một số mã chủ chốt khác như Masan (MSN), FPT, Sabeco (SAB)…
“Anh cả” VCB bứt tốc giúp thị trường chứng khoán luôn ổn định ở mức điểm xanh trong phiên và tăng vào cuối phiên.
Chốt phiên 26/7, chỉ số VN-Index tăng 4,94 điểm (+0,41%) lên 1.200,84 điểm. Đây là lần đầu tiên trong 10 tháng qua, chỉ số này chinh phục lại thành công ngưỡng cản mang tính tâm lý.
Thanh khoản tiếp tục được duy trì ở mức cao, với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt khoảng 20.000 tỷ đồng trong phiên ngày 26/7. Một số mã có thanh khoản cao như: Sacombank (STB), VPBank (VPB), Hòa Phát (HPG), Novaland (NVL), DIC Corp. (DIG), VNDirect (VND), Gelex (GEX), MSB, HSG, POW…
Trong phiên hôm nay, VCB tăng 1.700 đồng, lên đỉnh cao lịch sử mới là 93.400 đồng/cp (theo giá điều chỉnh). VCB là ngân hàng duy nhất có vốn hóa vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng, ngoài VCB, chỉ có thêm BIDV (BID) là cùng tăng (+200 đồng/cp), lên 47.350 đồng/cp, các mã còn lại đều đứng giá hoặc giảm nhẹ.
Vietcombank là trụ kéo chính sau khi ngân hàng này chốt danh sách cổ đông vào ngày 26/7 để tiến hành chi trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại của năm 2019 và 2020. Vietcombank có kế hoạch phát hành khoảng 856,6 triệu cổ phiếu VCB với mục đích chi trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu VCB được thêm 181 cổ phiếu mới).
Vietcombank sẽ tăng vốn thêm khoảng 8.566 tỷ đồng, lên 55.891 tỷ đồng, vượt VietinBank và BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai trong hệ thống, đứng sau VPBank của ông Ngô Chí Dũng.
Việc tăng vốn giúp Vietcombank mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh. Vietcombank cũng đang triển khai kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước trước năm 2018, qua đó tăng vốn thêm khoảng 27.000 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác cũng có kế hoạch trả cổ tức như: SHB, MBB, HDBank, LPBank và Eximbank.
Nhiều ngân hàng được dự báo hoặc đã có kết quả kinh doanh trong quý II/2023 kém hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do lãi suất huy động tăng cao, trong cho vay tăng trưởng thấp trong nửa đầu năm 2023. Các doanh nghiệp và nền kinh tế khó hấp thụ vốn.
Techcombank là một trong số các ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý II. Lợi nhuận trước thuế giảm gần 23% so với cùng kỳ xuống còn 5.649 tỷ đồng.
Trong nhóm 30 cổ phiếu chủ chốt trên sàn, còn một số mã tăng mạnh như Masan (MSN) tăng 1.200 đồng lên 84.600 đồng/cp; Sabeco (SAB) tăng 3.600 đồng/cp lên 161.600 đồng/cp; FPT tăng 1.400 đồng lên 82.700 đồng/cp…
Masan hay một số cổ phiếu bán lẻ khác được đánh giá sẽ bứt phá trong nửa cuối năm 2023 nhờ việc Việt Nam đang đại diện cho câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng sôi động và đáng chú ý nhất trong khu vực châu Á. Với nền kinh tế phát triển nhanh, sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và gia tăng đô thị hóa, Việt Nam được xem là một trong những điểm nổi bật về tăng trưởng tiêu dùng trong khu vực.
Theo JP Morgan, cổ phiếu MSN có thể tăng lên ngưỡng 102.000 đồng vào tháng 12/2024, nhờ vào vị trí là doanh nghiệp hàng tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam, với danh mục sản phẩm tiêu dùng đa dạng và đang mở rộng mạng lưới bán lẻ hiện đại.
Theo Chứng khoán Maybank, thị trường chứng khoán tiếp tục lên và đối diện với áp lực chốt lời ở vùng cao trong phiên. Dù áp lực là cao nhưng trạng thái vẫn tích cực. Xu hướng trung hạn của chỉ số vẫn là tăng, điều này chưa có gì thay đổi.
Maybank dự báo, ngưỡng kháng cự tiếp theo sau 1.200 điểm là mốc 1.237 điểm. Hỗ trợ gần nhất của chỉ số tại 1.157 và xa hơn tại 1.126 điểm. Thanh khoản có thoái lùi nhẹ nhưng vẫn giữ cao hơn mức trung bình 20 ngày. Dòng tiền tại sàn HOSE vẫn trong pha mở rộng.
Gần đây, dòng tiền tham gia mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán do tâm lý nhà đầu tư được cải thiện trong bối cảnh kỳ vọng các doanh nghiệp đã qua thời kỳ khó khăn nhất. Nền kinh tế vẫn tăng trưởng cao hơn khu vực, tỷ giá ổn định và lạm phát thấp.
Trên thế giới, nhiều ngân hàng trung ương lớn, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có sự thận trọng và tính tới các chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước ngược dòng thế giới, nới lỏng chính sách tiền tệ với 4 lần hạ lãi suất điều hành. Qua đó đẩy mặt bằng lãi suất huy động xuống mạnh. Lãi suất cho vay giảm, giúp dòng tiền dịch chuyển ra khỏi ngân hàng.