Bà NH được cấp năm 1975, Bà NG thì được cấp năm 1983 cùng vào ở chung (2 bà già độc thân làm cùng cơ quan).
- Hai bà hóa giá nhà theo nghị định 61, chủ sổ hồng đứng tên 2 bà.
- Năm 1996: Bà NG nhận nuôi tôi làm con nuôi (cháu ruột) và nhập khẩu tôi vào cùng hộ khẩu năm 1996.
- Năm 1987, Bà NH có đăng ký kết hôn với ông M (Ghi chú: trên giấy Đăng ký kết hôn, không có chữ ký của bà NH, chỉ có dấu thập; bà NH không biết chữ).
- Hai ông bà NH và M sau đó chỉ qua lại thăm hỏi lâu lâu, con riêng của ông lâu lâu có ghé thăm chút rồi về ngay, hai người lấy nhau không có con chung, ông M sống cùng 5 người con riêng của mình ở quận 1, bà NH vẫn sống nhà bà ở quận 10, lương ông ông sống, lương bà bà sống, bà NH tự chăm sóc, tự nấu nướng, độc lập nhau hoàn toàn, chỉ lâu lâu có việc bà NH ghé về thăm hỏi 1 đến 2 ngày như dựng vợ gả chồng cho con riêng của ông M...
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. |
Bà NG và bà NH cùng tôi sống chung với nhau thân thiết như 1 gia đình thực sự trên 40 năm nay, có quan tâm, chăm sóc nhau, những khi bà NH ốm đau có mẹ con tôi lo lắng, hỗ trợ chăm sóc hoặc hàng xóm làng giềng đến thăm. Bà NH bị bệnh lúc nào cũng tự đi bệnh viện, tự nấu ăn, tự lo cho bản thân,... hoàn toàn không có liên quan gì đến gia đình ông M và các con ông ấy hết.
Khoảng năm 2008, ông M mất, đến năm 2018 bà NH mất nhanh vì bệnh nặng, bà vào viện tôi đưa vào, sau đó con riêng của ông M vào bệnh viện chăm sóc bà NH được 5 ngày thì bà NH mất, các con riêng có nhảy vào lo đám ma cho bà NH.
(Tôi hiểu rõ động cơ của gia đình ông M cùng các con riêng là lấy bà NH, quan tâm chút để được 1/2 căn nhà của bà (1//2 căn nhà còn lại là của mẹ con tôi).
Vấn đề tôi muốn hỏi với tình trạng của bà NH nêu trên cùng các con riêng của ông M, các con riêng của ông M không nằm trong 3 hàng thừa kế theo luật, giờ chỉ có điều luật phụ chứng minh chăm sóc nuôi đưỡng bà NH như mẹ ruột. Các con riêng của ông M giờ ra sức, ráo riết tìm cách thuê luật sư, thu thập chứng cứ chứng minh được thừa kế.
Cho tôi hỏi các cong riêng của ông M, không sống chung với bà NH, chăm sóc nuôi dưỡng thì cũng chẳng thấy đáng kể, vậy họ có được thừa kế 1/2 căn nhà của bà NH không? Nếu có, thời gian để chứng minh có chăm sóc nuôi đưỡng là bao lâu ạ?? Gia đình tôi muốn biết rõ, để giải quyết nhanh căn nhà này ạ.
Luật sư tư vấn: Chào bạn! Cám ơn bạn đã tin tưởng và gởi câu hỏi đến cho chúng tôi. Vì bạn không nói rõ về bà NH: Trước khi bà chết có để lại di chúc hay không? Quan hệ nhân thân của bà như thế nào? Cha, mẹ bà còn hay mất? Bà còn anh, chị em ruột nào không?… Nên chúng tôi chia làm hai trường hợp dưới đây:
Nếu bà NH mất có để lại di chúc và di chúc đó được công nhận là hợp pháp thì tài sản của bà sẽ được chia theo di chúc. Còn nếu bà NH mất mà không để lại di chúc thì tài sản của bà sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Tôi xin gửi đến bạn về thừa kế được quy định tại điều 651 BLDS 2015 như sau:
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Ngoài ra bạn cũng nên tham khảo thêm những điều luật định về các mối quan hệ sau:
Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ
Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật dân sự 2015.
Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế
Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật dân sự 2015.
Với các quy định của pháp luật như đã nêu trên, bạn cần phải tìm hiểu thêm về các thừa kế khác của bà NH theo pháp luật để có thể sớm hoàn tất việc kê khai di sản thừa kế với phần tài sản của bà NH.
Tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Thị Nga, Quận Bình Thạnh, TP.HCM - Thuộc Cộng đồng Luật sư IURA.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc