-Dù sống ở chung cư trên những tầng cao, người dân chưa kịp vui với niềm vui về căn hộ mới đã lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” khi gặp phải những sự cố về đường ống nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy…

Mới đây ngày 11/3, tại một chung cư trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã xảy ra sự cố khiến nước ngập hành lang, tràn vào căn hộ.

Sự cố xuất phát từ tầng số 23 đã khiến nước ngập hành lang và tràn căn hộ. Ngay lập tức, hình ảnh chủ các căn hộ lội bì bõm trên tầng cao chung cư, tay chổi tay, tay giẻ cùng nhân viên Ban quản lý tòa nhà dọn dẹp nhanh chóng được chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội trong nhiều diễn đàn chung cư.

Về sự cố này, bộ phận truyền thông của chủ đầu tư chung cư này cho biết, sự cố xảy ra khi Ban quản lý tòa nhà kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy dẫn tới rò rỉ nước.

“Đây là một sự cố nhỏ và Ban quản lý tòa nhà cùng người dân đã khắc phục. Ban Quản lý tòa nhà có trách nhiệm hoàn toàn để khắc phục hết cho người dân, bộ phận này có biên bản ghi nhận thiệt hại để các hộ dân thống kê, đăng ký. Biên bản này được Ban quản lý ký với từng hộ dân và qua đó cam kết khắc phục, đưa về nguyên trạng” - bộ phận truyền thông chủ đầu tư cho hay.

Theo nhiều thông tin quảng cáo, chung cư nằm trên đường Phạm Hùng được giới thiệu là chung cư cao cấp, các thiết bị điện nước cho hệ thống tòa nhà đều là hàng cao cấp tuy nhiên sự cố này khiến không ít người đặt ra lo lắng sự liệu hệ thống đã thực sự an toàn, ổn định, sự cố liệu có tái diễn?

Sự cố bất ngờ về nước cũng từng xảy ra tại khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ (Hà Nội), tại khu vực tầng 21 tòa nhà CT12B, nước bất ngờ phun mạnh từ thang máy ra ngoài sảnh khiến chỉ sau ít phút, nhiều căn hộ ngập trong nước. Người dân phải lấy xô, chậu múc nước ra cầu thang bộ.

{keywords}

Cư dân chung cư Kim Văn - Kim Lũ tát nước tại hành lang tầng 21.

Để tháo nước, cư dân đã phải tát ra khu vực cầu thang bộ để nước chảy xuống dưới. Do lượng nước khá nhiều nên phải hơn 1 giờ đồng hồ nước mới thoát hết.

Về nguyên nhân dẫn đến sự việc hy hữu này, theo cư dân, hệ thống ống nước đã bị vỡ ra tại tầng 22, sau đó nước men theo thang máy chảy xuống tầng 21 khiến khu vực này ngập nặng nhất tòa nhà. Nước sau đó tiếp tục chảy xuống tận tầng 1 của tòa nhà này.

Tại nhiều chung cư tại Hà Nội, ngay trong quá trình mới bàn giao đã xảy ra những sự cố về đường ống nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy… gây ra những bất tiện ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân.

Như tại dự án nhà ở xã hội Đại Kim (Đồng Mô, Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà ở xã hội số 5 (Hadinco 5) làm chủ đầu tư, cư dân chuyển về nhận nhà, sinh sống tại dự án từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, từ khi bắt đầu cuộc sống tại đây, người dân đã phản ánh về những bất cập liên quan áp lực nước.

Khoảng tháng 2 vừa qua, theo phản ánh của cư dân tại đây, sau khi bị mất nước, khi có nước trở lại thì do áp lực nước mạnh quá nên một số hộ dân tại đây đã bị bật nút ống xả của bình nóng lạnh khiến nước chảy ồ ạt. Do xảy ra tình trạng trên đúng vào lúc nhà vắng người, không ai ở nhà nên “trở tay không kịp”.

Theo quy định, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào sử dụng sau khi được chủ đầu tư nghiệm thu theo quy định về phòng chống cháy, nổ; an toàn môi trường; an toàn vận hành theo quy định và kết luận của cơ quan chuyên môn về xây dựng về việc kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế không ít công trình vẫn bàn giao đưa dân vào ở khi đang trong quá trình nghiệm thu các hạng mục. Vì vậy, có những sự cố bất ngờ xảy ra trong quá trình tiến hành kiểm tra nghiệm thu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của cư dân gây ra những cảnh “dở khóc dở cười” tại những chung cư cao tầng giữa lưng chừng trời.

Sau sự cố về áp lực nước lớn tại dự án nhà ở xã hội Đại Kim, nhiều hộ gia đình đã bảo nhau phòng xa bằng việc làm thêm bậc gờ cao tại cửa chính. “Phòng còn hơn chữa. Nếu xảy ra sự cố ban quan lý có hỗ trợ khắc phục thì trước hết chủ nhà vẫn bị ảnh hưởng đến cuộc sống trước tiên. Công sức làm nội thất đã rất vất vả, việc xử lý dọn dẹp những sự cố như thế còn vất vả hơn. Đây cũng là kinh nghiệm cho những dự án khác và tốt nhất cư dân cứ phòng xa cho đỡ vất vả” – một cư dân cho ý kiến.

Phong Vân