Những ngày qua dư luận xôn xao trước việc một vệt đất dài, rộng lấn ra sông Hàn (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) nằm trong Dự án Bất động sản và bến du thuyền (tên thương mại là Marina Complex) do công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư đang trong quá trình san lấp, xây dựng.

Dự án nằm dưới chân cầu Thuận Phước thuộc cửa sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng có diện tích 11,7ha. Dự án gồm 128 căn nhà phố liền kề kinh doanh, 78 căn biệt thự mặt tiền sông Hàn với diện tích từ 240m2. Giai đoạn 1 triển khai từ năm 2016.

Từ tháng 3/2017, giai đoạn 2 dự án triển khai: xây kè bao gần 1.000m, san nền 1ha mặt nước sông Hàn để làm dãy biệt thự, công viên, trung tâm thương mại với 128 căn nhà phố liền kề, 78 căn biệt thự mặt tiền sông Hàn; 2 tòa tháp căn hộ, khách sạn và bến du thuyền với hơn 1ha mặt sông và diện tích mặt nước rộng lớn; bãi đỗ xe 1ha, hệ thống nhà hàng...

{keywords}
Dự án Marina Complex lấn bờ tây sông Hàn với diện tích lớn ngay cửa sông đang xây dựng.

Việc san lấp mặt bằng phần đất lấn từ bờ giáp đường Lê Văn Duyệt ra phía lòng sông Hàn được tích cực thi công cả ngày lẫn đêm. Bất cứ ai cũng sẽ khó chịu, tức mắt khi nhìn vào vệt đất này. Nhiều người dân lo ngại việc đổ đất, san nền lấn ra sông sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy, nhất là vào mùa mùa mưa lũ và nguy cơ người dân không tiếp cận được bờ sông Hàn đoạn dọc theo đường Lê Văn Duyệt.

Sở Xây dựng nói không ảnh hưởng

Liên quan đến dự án này, mới đây, Sở Xây dựng Đà Nẵng thông tin, dự án Bất động sản và Bến du thuyền được UBND TP phê duyệt Sơ đồ ranh giới tại quyết định số 6652/QĐ-UBND ngày 28/8/2009, diện tích dự án 175.012m 2 , trong đó diện tích sử dụng đất phần đất liền: 105.520m 2, diện tích sử dụng đất phần mặt nước: 69.492m 2, giao Tập đoàn VinaCapital nghiên cứu dự án.

Ranh giới phía sông của dự án theo Sơ đồ ranh giới được duyệt bám theo hướng tuyến quy hoạch tuyến đê, kè Mân Quang đoạn nối tiếp đê, kè Bạch Đằng Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tại quyết định số 8644 ngày 20/10/2008.

Năm 2011, UBND TP phê duyệt quy hoạch lần đầu tại quyết định số 906 ngày 26/01/2011, phần ranh giới dự án được tính từ mép trong công trình đê, kè Mân Quang trở vào trong; khu vực phía sông quy hoạch 13 khối tháp cao tầng (từ 16-33 tầng) và các công trình bảo dưỡng du thuyền...

Sau đó, Tập đoàn VinaCapital đã chuyển nhượng cổ phần của công ty TNHH Bất Động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng cho công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện.

Cũng theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, dự án đã được điều chỉnh quy hoạch nhiều lần vào năm 2015, năm 2017 và gần đây nhất là tại quyết định số 5197/QĐ-UBND ngày 15/9/2017.

Sở này khẳng định dự án được điều chỉnh quy hoạch theo hướng tốt hơn. Theo đó, tổng diện tích dự án điều chỉnh giảm còn 117.311m 2 , trong đó diện tích đất phần đất liền: 107.311m 2 , diện tích phần đất mặt nước, cầu tàu giảm từ 63.003m 2 còn 10.000m 2.

“Ranh giới mặt nước cách luồng tàu chạy (do Cảng vụ Đà Nẵng quản lý) tăng từ 30m lên 60-200m hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông đường thủy; Tăng diện tích công viên, cây xanh từ 7.065m 2 thành 24.415m 2 ; Khu vực phía sông điều chỉnh từ 13 khối tháp cao tầng còn 02 khối tháp (chiều cao từ 16 - 33 tầng) và 57 căn biệt thự, góp phần giảm áp lực về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tại khu vực; bố trí lối đi công cộng ven sông rộng 8m, không xây dựng tường rào và cổng vào khu vực phía sông tạo thuận tiện cho mọi người dân tiếp cận không gian dọc bờ sông” – Sở Xây dựng lý giải.

Dự án đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá đánh gía tác động môi trường tại quyết định số 6039 ngày 27/10/2017.

Theo Sở này, tuyến đê, kè Mân Quang được Sở NN&NT TP Đà Nẵng tổ chức lập quy hoạch trên cơ sở khảo sát địa hình địa chất, nghiên cứu dòng chảy sông Hàn, đảm bảo an toàn cho các khu dân cư đô thị Mân Quang, khu dân cư Làng cá Nại Hiên Đông, chống sạt lở bờ sông và cơ sở hạ tầng khu vực ven sông, Bộ NN&PTNT cũng đã có ý kiến thống nhất.

{keywords}
UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo cơ quan chức năng  làm việc với Nhà đầu tư tạm dừng triển khai dự án để kiếm tra, rà soát hồ sơ phảp lý. 

Được biết, đây không phải lần đầu tiên dư luận và người dân Đà Nẵng dấy lên lo ngại về dự án này.

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, ngay từ năm 2016, người dân Đà Nẵng đã gửi phản ánh trên hệ thống chính quyền điện tử thành phố, với lo lắng dự án đổ đất lấn sông ở vị trí cửa sông Hàn sẽ gây ảnh hưởng đến dòng chảy, đặc biệt là mùa mưa lũ.

Sở Xây dựng sau đó có văn bản trả lời, khẳng định “dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là trong mùa lũ”.

Theo Sở này, trước khi đồng ý cho nhà đầu tư xây dựng bờ kè và làm dự án, thành phố đã khảo sát điều kiện địa chất, nghiên cứu dòng chảy và lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Việc làm tuyến đê, kè này nhằm mục đích “đảm bảo an toàn cho khoảng 500.000 người dân tại các khu đô thị Mân Quang, khu dân cư làng cá Nại Hiên Đông, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ các công trình kiến trúc.., cở sở hạ tầng”.

Chuyên gia cảnh báo

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều chuyên gia đưa ra cảnh báo, phản bác lại lập luận trên của Sở Xây dựng Đà Nẵng.

Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và Dải biển Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng Hồ Duy Diệm cho rằng, việc thu hẹp lòng sông Hàn sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy.

Ông Diệm phân tích: Giờ hai bên cửa sông Hàn đều kè bê tông cả thì sẽ phá ở dưới lòng sông. Mặt đất trên bờ sông chỉ dày khoảng 2-3m thôi nên nó cứng, nhưng dưới đáy là bùn và đất cát. Lượng nước mạnh sẽ cuốn trôi lớp bùn, cát dưới lòng sông đi dần dần tạo thành những hầm sâu dưới lòng sông. Đến một ngày nào đó mưa gió làm cho đất ở trên mềm và công trình xây dựng ở trên đất nặng thì nó sẽ sập xuống...

"Nếu ai đó nói không ảnh hưởng gì tới dòng sông thì đôi lúc họ chỉ mới thấy những gì ở trên mặt sông thôi, chứ chưa hiểu nó đang phá ngầm ở dưới đáy sông và xung quanh hai bờ sông” - ông Diệm cảnh báo.

“Một dòng sông đang êm đềm và đẹp như thế, anh làm chỗ này lồi một ít, chỗ kia lồi thêm một ít khiến dòng sông không còn như xưa nữa, cảnh quan xấu đi. Nếu nói dự án phù hợp với quy hoạch thì phù hợp như thế nào?" - ông Diệm thẳng thắn đặt vấn đề.

Trao đổi về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng hiện nay đang bị ngập lụt tức là cốt nền thấp. Chính vì vậy việc xử lý bất kỳ vấn đề gì can thiệp đến sông Hàn đều phải được tính toán rất kỹ lưỡng, có tầm nhìn xa rộng chứ không chỉ đơn thuần là trong vài mươi năm.

“Vấn đề quan trọng là phải đảm bảo dòng chảy của sông Hàn, không để ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ của thành phố. Đà Nẵng đang đứng trước phải đối phó với biến đổi khí hậu rất phức tạp. Trận lụt năm 2018 đang cảnh báo một vấn đề rằng chúng ta chưa có kịch bản tốt để ứng phó biến đổi khí hậu mà cụ thể là giải quyết ngập lụt của thành phố chỉ có 1 triệu dân. Thành phố hiện nay đang xây dựng với dự án khoảng 2.000 tỷ để trở thành đô thị thông minh thì chúng ta hãy làm thông minh ngay ở dự án này” – ông Tùng nhấn mạnh.

Theo vị Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và Dải biển Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng nên tổ chức hội thảo khoa học để các nhà khoa học phân tích, hiểu cho đúng rồi mới tiếp tục triển khai dự án.

"Nếu không hội thảo khoa học, không nghe góp ý…thì mai kia bờ sông sụp xuống thì ai chịu trách nhiệm? Thành phố phải nhìn vào thực tiễn, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhà chuyên môn, các nhà khoa học - ông Diệm nói.

Tạm dừng triển khai dự án

Chiều ngày 19/4, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP liên quan đến dự án này. Trong đó Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan làm việc với Nhà đầu tư tạm dừng triển khai dự án để kiếm tra, rà soát hồ sơ phảp lý.

Lãnh đạo UBND TP cũng yêu cầu tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và cảc Bộ, ngành Trung ương có liên quan đến việc triển khai xây dựng dự ản Bất động sản và Bến dù thuyền Đà Nẵng (Marina Complex).

Kết quả báo cáo về UBND thành phố trước ngày 03/05/2019 để bảo cảo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành uỷ.

Thanh tra Chính phủ: Dự án giao đất không thông qua đấu giá

Theo Thông báo số 354/TB-TTCP do do ông Bùi Ngọc Lam - Phó tổng Thanh tra Chính phủ ký ngày 18/3/2019 “Kết luận thanh tra việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn Đà Nẵng”, dự án này được chính quyền thành phố giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, vi phạm Điều 58, Luật Đất đai 2003.

Dự án cũng chưa kịp thời xác định bổ sung tiền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm do điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết. Cụ thể, dự án tăng thêm 1.047m2 đất ở.

N.Hiền- Y. Bình- H.Khanh

Kiến nghị xử lý cựu quan chức Đà Nẵng liên quan đến Vũ 'nhôm'

Kiến nghị xử lý cựu quan chức Đà Nẵng liên quan đến Vũ 'nhôm'

 Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chuyển đổi nhà đất công sản từ năm 2010 - 2016.