Tiết kiệm điện luôn là vấn đề gây băn khoăn cho các hộ gia đình vào mùa hè. Để giúp bạn giảm bớt gánh nặng tài chính mùa nóng bức này, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm ra những cách tiết kiệm điện tốt nhất cho máy lạnh, điều hòa và các thiết bị gia đình khác trong bài viết dưới đây.
1. Cách tiết kiệm điện điều hòa
Điều hòa là thiết bị không thể thiếu trong các gia đình vào mùa hè. Tuy đóng vai trò quan trọng nhưng đây lại là thiết bị chiếm phần lớn trong hóa đơn tiền điện nhà bạn. Dùng sai cách, máy không những hoạt động kém hiệu quả mà còn tiêu hao một lượng điện lớn để vận hành.
Với 5 cách tiết kiệm điện máy lạnh dưới đây sẽ gợi ý cho bạn cách tối ưu hóa được điện năng tiêu thụ vào mùa hè nắng nóng này:
- Không để nhiệt độ quá thấp vào ban đêm:
Ban đêm là thời điểm nhiệt độ giảm, do đó, nhu cầu sử dụng điều hòa làm mát không còn cao như ban ngày. Thay vì để 20 độ, hãy điều chỉnh máy lạnh lên tầm 25 - 29 độ khoảng 1 - 2 tiếng trước khi đi ngủ. Điều này giúp điều hòa hoạt động ít hơn, từ đó, giảm lượng điện năng tiêu thụ.
- Lựa chọn máy lạnh có công suất phù hợp:
Việc lựa chọn điều hòa có công suất tương ứng với diện tích phòng giúp máy đảm bảo khả năng làm mát. Một máy điều hòa đem lại hiệu quả không phải là mẫu máy to, khỏe, đó là mẫu máy có khả năng làm mát tốt cho phòng mà không cần điều chỉnh nhiệt độ quá thấp, bền và ổn định. Điều này giúp tối ưu lượng điện mà điều hòa tiêu thụ.
- Đóng cửa khi sử dụng máy lạnh:
Đóng cửa là quy tắc bất di bất dịch khi sử dụng điều hòa. Nếu bạn mở cửa khi sử dụng máy thì khí lạnh sẽ bị thoát ra ngoài. Lúc này, nhiệt độ ngoài trời sẽ tác động lớn đến nhiệt độ phòng và máy lạnh sẽ mất thêm thời gian cũng như phải hoạt động nhiều hơn để điều chỉnh về nhiệt độ làm mát mà bạn mong muốn.
Do đó, chớ quên đóng kín cửa phòng khi sử dụng để giúp máy tăng tuổi thọ và tiết kiệm hóa đơn tiền điện hằng tháng nhé. Ngoài ra, hãy sử dụng thêm rèm, vải để làm kín các khe hở cửa sổ để khí lạnh không có cơ hội thoát ra ngoài.
- Chọn chế độ “Dry”:
Dùng điều khiển để chuyển chế độ lạnh từ “Cool” (hơi lạnh, hình ảnh biểu thị là bông tuyết” sang chế độ “Dry” (trừ ẩm, hình ảnh biểu thị là giọt nước). Thao tác đơn giản trên sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa sẽ giảm đi 10 lần, hạn chế sốc nhiệt vì nhiệt độ phòng sẽ không thấp quá 23 độ C và không dao động lớn với nhiệt độ bên ngoài.
Việc chuyển chế độ như vậy vận dụng cơ chế hút hơi ẩm ra khỏi phòng và trả lại không khí khô ráo, trong lành hơn thay vì đẩy khí nóng ra bên ngoài như cách thức mà chế độ Cool hoạt động. Chế độ này tiêu thụ ít điện năng hơn làm mát mà vẫn đem lại hiệu quả tương tự.
- Không bật tắt máy liên tục, ngắt nguồn khi không sử dụng:
Nếu vẫn còn giữ thói quen bật điều hòa đến khi phòng mát rồi tắt máy lạnh và bật quạt, khi thấy nóng thì bật lại thì bạn hãy dừng lại ngay. Đây là một thói quen tai hại gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng máy cũng như gia tăng chi phí tiền điện rất nhanh. Bởi việc khởi động lại khiến điều hòa tốn nhiều điện năng để các bộ phận đi vào hoạt động như yêu cầu.
Theo các chuyên gia, bật/tắt máy trước khi ra ngoài 30 phút để gia tăng hiệu quả làm mát của máy. Đặc biệt, khi không có nhu cầu sử dụng, bên cạnh tắt bằng điều khiển, hãy nhớ ngắt luôn Aptomat. Vì thực tế, máy vẫn tiêu thụ điện ngầm cho dù bạn đã tắt bằng điều khiển.
2. Cách tiết kiệm điện tủ lạnh:
Không chỉ điều hòa, tủ lạnh cũng là thiết bị gây tiêu hao nhiều điện hơn cả bởi chúng phải hoạt động 24/24 để đảm bảo thực phẩm của bạn luôn tươi. Nếu muốn bớt đi mối lo lắng về hóa đơn tiền điện cuối tháng, hãy làm theo những cách sau:
- Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp:
Khi tủ lạnh không trữ quá nhiều thực phẩm, hãy cân nhắc điều chỉnh mức độ làm lạnh xuống thấp hơn để tiết kiệm điện. Thông thường, mức độ dao động nhiệt từ 7-8 độ cho buồng giữ lạnh là phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Trong khi đó, đối với ngăn đông, điều chỉnh nhiệt độ ở mức -18ºC thay cho -22º là vừa đủ.
- Hạn chế đóng mở cửa tủ:
Khí lạnh sẽ thoát hơi khi cửa tủ mở và tủ lạnh phải tốn nhiều điện hơn để làm lạnh lại từ đầu. Vậy nên người dùng không nên mở tủ lạnh quá lâu và nhớ đóng tủ thật sát, tránh để cửa tủ hở khiến máy gặp khí nóng bên ngoài, phải làm lạnh liên tục nhiều lần.
- Tránh để đồ ăn dựa sát thành tủ:
Việc để thực phẩm sát thành tủ là một sai lầm phổ biến của các hộ gia đình. Tiếp xúc với phía trong cùng của tủ vô hình chung khiến rau củ hỏng đồng thời cũng khiến tủ lạnh làm việc kém hiệu quả, dẫn đến tốn điện hơn. Hãy để thực phẩm của bạn cách phía trong tủ một khoảng nhất định, đừng quá nhồi nhét nhiều đồ khiến tủ chật kín, ép rau củ vào sát thành tủ.
- Đừng nhồi nhét quá nhiều thức ăn vào tủ:
Nên sắp xếp, tính toán một cách hợp lý lượng thực phẩm chứa trong tủ lạnh. Chừa cho tủ một số khoảng trống để khí lạnh đối lưu nhằm giúp lượng điện máy tiêu thụ giảm xuống. Không nên để thực phẩm bít kín “họng” thổi hơi lạnh ra hoặc ken kín các ngăn trong tủ. Các loại thịt, cá tươi sống... nên cho vào các hộp bằng thép hoặc inox thay thế cho hộp nhựa, bởi tính dẫn lạnh của kim loại nhanh hơn, thời gian làm lạnh rút ngắn, ít hao điện.
- Hạn chế tắt/bật tủ liên tục:
Trong quá trình sử dụng, lưu ý hạn chế ngắt tủ lạnh vì việc bật lại máy liên tục thường xuyên khiến tủ mất một lượng điện lớn để vận hành. Trong trường hợp lâu ngày không dùng đến tủ lạnh thì ngắt nguồn điện nhưng cần dọn sạch các vật dụng, thực phẩm có trong tủ, vệ sinh tủ và để tủ khô rồi mới đóng cửa, dùng vật phủ che bụi phủ lên trên.
Theo thoidaiplus.giadinh.net.vn
Mẹo làm đá đông tức thì, tiết kiệm cả triệu tiền điện mỗi năm
Mẹo này cực kỳ đơn giản nhưng hiệu quả bất ngờ.