Bài viết là quan điểm của tác giả Kate O'Flaherty từ Forbes.
Trong mọi chi tiết mà Apple tiết lộ vào buổi ra mắt của WWDC 2020, họ làm rất rõ một điều: Apple sẽ mạnh tay với những ứng dụng theo dõi người dùng, và điều đó sẽ ảnh hưởng tới nhiều công ty.
iOS 14 sẽ ngày càng minh bạch hơn về thu thập dữ liệu, và đó là tin buồn với Facebook, Google. Ảnh: Apple. |
iOS 14 khiến ai lo ngại?
Có lẽ những công ty bị thiệt hại nhiều nhất chính là các công ty theo dõi người dùng thông qua mạng. Apple đã chỉ rõ rằng để theo dõi thói quen của người dùng, các ứng dụng như Facebook, Google phải đưa ra thông báo và yêu cầu người dùng cấp quyền,
Apple đã dần dần thắt chặt các chính sách để hạn chế những dịch vụ theo dõi người dùng trong vài phiên bản iOS gần nhất. Ở iOS 13, Apple đã thay đổi một số cài đặt bảo mật như chế độ VoIP, khiến các ứng dụng mạng xã hội không thể hoạt động ngầm, nhưng tùy chọn tắt hẳn theo dõi lại nằm sâu trong phần cài đặt.
iOS 14 còn mạnh tay hơn trong việc kiểm soát các ứng dụng bên thứ ba. Các ứng dụng muốn sử dụng dữ liệu của người dùng sẽ phải khai báo rõ những gì họ đang dùng, và thông báo cũng sẽ hiện ra nếu ứng dụng liên tục ngầm thu thập một dạng dữ liệu nào đó.
"Ứng dụng X muốn bạn cho phép để thu thập dữ liệu giữa các ứng dụng và website của cac sbene khác. Dữ liệu của bạn sẽ được sử dụng để đưa ra quảng cáo tùy biến phù hợp", thông báo này sẽ buộc các ứng dụng phải minh bạch với người dùng.
Quan trọng hơn, Apple sẽ đưa tới người dùng tùy chọn cho phép ứng dụng theo dõi tiếp, hoặc buộc ứng dụng ngừng theo dõi. Đây là tin mừng cho những người dùng không muốn bị theo dõi, nhưng chắc chắn là một ác mộng với Facebook hay Google.
Đây là sự khác biệt của Apple
Sự khác biệt của Apple là họ không sử dụng dữ liệu của người dùng để kinh doanh. Mô hình kinh doanh của Apple là bán phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Năm ngoái, Apple còn nghĩ ra câu "chuyện gì xảy ra trên iPhone, sẽ ở lại trên iPhone".
Nói cách khác, Apple không cần dữ liệu của bạn, và họ cũng biết rằng bạn lo ngại dữ liệu sẽ rơi vào tay những công ty như Facebook, Google. Đây là một trong những lý do mà người dùng có thể bỏ qua những chiếc điện thoại Android và lựa chọn iPhone.
Bảo vệ dữ liệu người dùng vẫn luôn là điểm được Apple nhấn mạnh. Ảnh: Apple. |
Sau nước đi của Apple, Google cũng bắt đầu thể hiện rằng họ quan tâm đến sự riêng tư của người dùng. Android 11 mang nhiều cải thiện về mặt riêng tư, và Google cũng công bố trao quyền quản lý dữ liệu tốt hơn cho người dùng.
Tuy nhiên, đây vẫn không phải là điểm mạnh nhất của Google. Người dùng thiết bị Android lựa chọn hệ điều hành này vì khả năng tùy biến của nó, chứ không phải vì bảo mật như iPhone.
iOS 13 ra đời năm 2019 mới chỉ là khởi đầu cho cơn ác mộng của Facebook, Google khi bắt đầu siết chặt quyền thu thập dữ liệu. Với iOS 14, cùng với việc Safari có thể chặn quyền của Google Analytics, Apple đã đi thêm một đòn hiểm.
Có thể đây không phải "dấu chấm hết" cho Facebook, Google. Không phải người dùng nào cũng sẽ yêu cầu các ứng dụng này ngừng theo dõi họ. Số lượng người dùng thiết bị iOS cũng nhỏ hơn rất nhiều so với thế giới Android. Tuy nhiên, hai gã khổng lồ đã bắt đầu nhận thấy cuộc sống ngày càng khó khăn.
Theo Zing
Cách cập nhật lên iOS 14 beta và macOS Big Sur mới ngay hôm nay
Apple vừa giới thiệu hệ điều hành iOS 14, iPadOS 14, watchOS 7, macOS Big Sur với những nâng cấp giúp cải thiện hiệu năng của thiết bị và một số tính năng mới khá hấp dẫn.