Mới đây, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã có văn bản gửi tới các nhà mạng về việc đảm bảo chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến. 

Theo đó, nhằm đảm bảo chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và các dịch vụ trực tuyến, Cục Viễn thông đề nghị các nhà mạng phải tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng băng rộng. 

{keywords}
Nhu cầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong nước đang tăng mạnh. Ảnh: Trọng Đạt

Bên cạnh đó, các nhà mạng còn được yêu cầu phải mở rộng băng thông kết nối Internet trong nước thông qua kết nối trực tiếp ngang hàng và kết nối tới trạm trung chuyển quốc gia VNIX. Cùng với đó, Cục Viễn thông cũng yêu cầu nhà mạng trong nước phải mở rộng khả năng kết nối Internet tới các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. 

Các nhà mạng cũng nhận được yêu cầu phải tăng vùng phủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến của người dân. Ngoài ra, các đơn vị này cũng phải lên phương án nâng băng thông đường truyền Internet với mức giá cước không đổi. 

Những yêu cầu này được Cục Viễn thông đưa ra trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Chính vì thế, nhu cầu sử dụng của người dân đối với các dịch vụ trực tuyến như học online, video call hay mua sắm online đang ngày càng nở rộ. Điều này khiến lưu lượng lưu chuyển qua trạm trung chuyển Internet quốc gia đã tăng tới 40% chỉ trong ít ngày qua. 

{keywords}
Do việc tụ tập đông người bị hạn chế, trường học đóng cửa cùng nguy cơ bùng phát của dịch bệnh, người tiêu dùng đang có xu hướng sử dụng nhiều hơn các dịch vụ trực tuyến trên nền tảng Internet. Ảnh: Trọng Đạt

Đề nghị tăng băng thông với mức giá không đổi được dự đoán sẽ tạo nên cuộc chiến mới về tốc độ giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Điều này hứa hẹn mang tới nhiều lợi ích cho người tiêu dùng trong bối cảnh nhu cầu về các dịch vụ trực tuyến trong nước đang tăng mạnh.

Cùng với Chính phủ và Bộ TT&TT, nhà mạng và các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang trở thành một lực lượng quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, trong thời gian qua, các nhà mạng đã gửi đi 13 tỷ tin nhắn tuyên truyền về việc phòng, chống dịch Covid-19 tới từng thuê bao di động. 

Sở dĩ có lượng tin nhắn lớn như vậy bởi Việt Nam vẫn còn nhiều người sử dụng điện thoại phổ thông (feature phone). Do giới hạn về số lượng ký tự, các tin nhắn tuyên truyền về dịch bệnh được gửi đi thậm chí đã phải chia ra thành 3, 4 tin nhắn nhỏ. 

Tại buổi họp giao ban Quý 1/2020 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ quay lại với việc lập kế hoạch phát triển các lĩnh vực của ngành, nhất là hạ tầng viễn thông, hạ tầng số và đặc biệt là làm với cấp sở. 2020 cũng là năm đầu Bộ TT&TT tiến hành triển khai hệ thống đo đạc các chỉ số phát triển ngành từ cấp sở đến cấp bộ. 

Cuộc chiến về tốc độ Internet giữa các nhà cung cấp dịch vụ mạng sẽ giúp đẩy băng thông truy cập Internet tối thiểu tại Việt Nam lên mức cao hơn. Do đó, nếu các nhà mạng đồng ý với đề nghị của Cục Viễn thông, các chỉ số phát triển ngành TT&TT cũng sẽ được cải thiện lên trông thấy.

Bên cạnh đó, hưởng ứng đề nghị của Bộ Thông tin & Truyền thông, các nhà mạng trong nước cũng đã đồng loạt nhắn tin kêu gọi người dùng ủng hộ chương trình “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.

Trọng Đạt

Nhà mạng giải thích việc đường truyền kém, vào Facebook chập chờn

Nhà mạng giải thích việc đường truyền kém, vào Facebook chập chờn

 Sau những phàn nàn của người dùng về tình trạng truy cập Internet khó khăn, các nhà mạng Việt Nam cuối cùng cũng đã chính thức lên tiếng.