Cuộc hôn nhân không tình yêu
Phải mất khoảng 4 - 5 giờ, chén mủ mới đầy để anh đi thu gom. Trong khoảng thời gian đó, anh dọn dẹp quanh vườn, chặt bỏ những thứ không cần thiết, vun quén những chồi non có ích. Những lúc mệt, anh ngồi nghỉ dưới tán cây, đôi mắt lơ đãng nhìn xa xăm. Anh là Phạm Minh Ngọc, 27 tuổi, ngụ tại ấp 6 xã An Linh (H. Phú Giáo, Bình Dương).
Vườn cao su rộng chừng hơn 1ha với khoảng gần 500 gốc là phần tài sản mà cha mẹ đã chia cho anh cùng ngôi nhà đang ở. Đó cũng là nguồn sống chính của cả gia đình anh. Nhưng không như những người khác, anh không đủ khỏe mạnh để chu toàn cho mảnh vườn. Anh cũng không nhạy bén để có những đổi thay trong canh tác nhằm tăng sản lượng cây trồng.
Cạo mủ cao su, công việc hàng ngày để mưu sinh. |
Chúng tôi vượt gần 100km ngang qua những cánh rừng cao su bạt ngàn để đến thăm anh. Từ ngoài nhìn vào, trong căn nhà gạch cấp 4 ở vùng quê, một thanh niên đang cắm cúi lau nhà. Căn nhà ngăn nắp nhưng trống vắng. Thấy chúng tôi, anh ngưng công việc chạy ra chào và mời khách.
Ngọc có gương mặt phúc hậu. Người anh cường tráng, mạnh mẽ. Giọng nói hiền lành chân chất. Anh có nụ cười thật tươi và thể hiện một sức sống mãnh liệt. Vậy mà ...
Ông Phạm Ngọc Đôi, 47 tuổi, anh ruột của Ngọc cho biết, Ngọc có thể ngã xuống bất cứ lúc nào. Ông Đôi kể: 'Nhà tôi có 11 anh em. Ngọc là con út. Nó sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đến năm 2000, Ngọc phát bệnh, thường lên cơn co giật. Cả nhà đã chạy chữa cho Ngọc nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi.
Rồi cha mẹ mất, 10 anh em còn lại ai nấy có gia đình riêng cần cáng đáng. Chúng tôi mới họp bàn tìm cách cải thiện cuộc sống của Ngọc, tìm cho Ngọc một người vợ'.
'Bạn của ông chú tôi có đứa con gái được nhắm cho Ngọc. Cả hai bên đều thuận và cuối cùng đám cưới diễn ra. Cuộc sống của Ngọc cứ ngỡ sẽ đổi thay từ đó. Nhưng không phải...', nói đến đây, giọng ông Đôi chùng xuống. Nét mặt của Ngọc buồn rười rượi. Chúng tôi có cảm giác như không gian lắng đọng.
Vợ chồng Ngọc sinh được 2 con. Bé thứ hai ra đời, không may bị sa ruột phải chuyển gấp bệnh viện Nhi Đồng, Ngọc một mình chăm sóc cho bé. Thỉnh thoảng các anh chị phải tiếp sức phòng trường hợp Ngọc đổ bệnh.
Vợ của Ngọc sau khi vỡ món nợ gần 50 triệu đồng thì bỏ đi biệt tích. Từ đó, Ngọc một mình nuôi con cho đến tận hôm nay.
Tình cha ấm áp như vầng thái dương
'Vì tính cách khác biệt, trong suốt thời gian chung sống với nhau, chúng tôi không có được một ngày hạnh phúc', Ngọc cho chúng tôi biết.
'Không còn tình cảm với vợ nhưng với con tôi không thể bỏ được', Ngọc xác nhận với chúng tôi. 'Tôi đã từ chối lời yêu cầu của các anh chị là gửi 2 cháu vào trại cô nhi. Tôi nói, chỉ khi nào tôi chết thì ai muốn làm gì thì làm. Giờ dù trải qua khó khăn khổ nhọc đến mấy tôi vẫn vui vẻ kề cận bên 2 con'.
Ba cha con. |
Quả thật vậy, chúng tôi ôm bé Ngọc Hân vào lòng và hỏi bé, 'Con có thương cha không ?' 'Dạ có. Con thương ba con lắm. Đi học, nhiều bạn chọc con là con của ông Ngọc khùng nhưng con kệ. Con không cần. Con muốn hỏi ông, có ông cha khùng nào mà thương con như ba con không?'.
Câu hỏi quá bất ngờ làm chúng tôi nghẹn lòng. Đứa bé 8 tuổi mà có ý nghĩ như người lớn. Có lẽ những thiệt thòi, thiếu thốn về tình mẹ con đã khiến cho bé lớn hơn, vững vàng hơn.
'Hàng ngày ngoài những giờ đến trường, bé Ngọc Hân - lớp 2 và em nhỏ đang theo lớp lá vẫn phụ với ba trong công việc nhà. Tuy không bằng ai nhưng những việc làm của chúng, hi vọng sẽ giúp chúng trưởng thành hơn', Ngọc nói.
Mỗi ngày Ngọc dậy rất sớm cầm dụng cụ ra vườn cạo mủ. Mờ sáng, anh về nhà lo thức ăn sáng rồi gọi các con dậy. Làm vệ sinh, thay quần áo cho con xong, cả ba cha con ngồi vào bàn ăn sáng. Những câu chuyện ngây thơ của hai đứa trẻ được râm ran. 'Ba ơi, ba cố gắng uống thuốc cho hết bệnh nghen ba. Thằng bé cũng tham gia, hết lớp lá ba cho con học lớp 1 cùng trường với chị hai nghen ba ... ''. Mỗi câu nói của con làm cho Ngọc cảm thấy vui hơn.
Đưa 2 bé đến trường xong, Ngọc đi gom mủ và giao cho mối. Về nhà, những việc không tên ập đến. Quét nhà, giặt đồ, nấu cơm cứ thế đã nhiều năm nay Ngọc vừa làm cha vừa làm mẹ nhưng chưa ai nghe anh than thở một tiếng nào.
Nói về căn bệnh của mình, Ngọc cho biết chỉ khi nào đầu óc căng thẳng, thời tiết nóng hoặc gặp những chuyện rối rắm khó giải quyết, bệnh mới lên cơn. Vì thế để có điều kiện nuôi con tốt, anh đành cố gắng gạt bỏ mọi phiền hà chung quanh.
Bà Trần Thị Thanh Vân, Phó Chủ tịch UBND xã An Linh xác nhận trường hợp của gia đình anh Ngọc rất đáng thương. Xã đã tìm nhiều cách để giúp anh, trong đó có việc đưa anh đi trưng cầu giám định pháp y để có cơ sở cấp chế độ cho anh. Thế nhưng kết quả không như mong muốn', bà Vân nói.
Người đàn ông Bạc Liêu lập nghĩa trang 9000 m2 cho người nghèo
Nghĩa trang này chỉ dành cho người nghèo, những người khi chết không có đất để chôn, không có tiền mua quan tài và chôn xong không còn khả năng xây mộ.
Trần Chánh Nghĩa