Tọa lạc tại Khóm 2, phường Láng Tròn (TX Giá Rai, Bạc Liêu), nghĩa trang từ thiện đã giúp không ít hoàn cảnh khó khăn tìm được nơi an nghỉ vào lúc cuối đời ...
Nghĩa trang rộng 9000 m2 được ông Phạm Văn Công còn gọi là Ba Công (66 tuổi) gây dựng từ năm 2008. Lúc đầu, nơi đây chỉ toàn ao tù, nước đọng. Sau 3 năm cố gắng cải tạo, nghĩa trang đã hình thành.
Ông bà Ba Công. |
Bắt đầu thực hiện từ năm 2011, đến nay nghĩa trang đã có khoảng 30 mộ được chôn cất.
Nếu không có tấm biển nghĩa trang từ thiện và nếu không ai nhắc tới nghĩa cử cao đẹp này, ít có ai nghĩ rằng những người nằm dưới lòng đất kia là những mảnh đời bất hạnh.
Ông Ba Công kể, mảnh đất này ông mua với giá 150 triệu đồng và ông phải bỏ ra gấp 4 lần số tiền đó mới có được nghĩa trang như hôm nay. Sắp tới nếu có điều kiện ông sẽ tiếp tục mở rộng thêm để xây lò thiêu. 'Ai muốn chôn mình cho chôn, muốn thiêu thì cũng sẵn sàng'.
Cỏ lau mọc nhiều ở phía trước nghĩa trang từ thiện. |
'Hiện nay, ngoài phần đất đã chôn cất, cỏ lau mọc đầy. Dự định của chúng tôi là sẽ tráng xi măng tất cả vào dịp thanh minh để nghĩa trang có cảnh quang thoáng đẹp hơn. Đã có hơn 100 người chọn được cho mình nơi an nghỉ và được tôi đồng ý', ông nói.
Những người nghèo không nơi cư trú, không tiền chữa bệnh, vất vả chạy ăn từng bữa đều được ông Ba Công quan tâm. Không những giúp đất chôn, ông còn giúp cả áo quan, xây mộ phần.
Bằng khen của Thủ tướng dành tặng ông Công. |
'Tôi không cầm lòng được khi thấy nhiều người quá khó khăn đang cần sự giúp đỡ. Có gì tôi giúp nấy. Tôi có một quá khứ không may mắn nên giờ đây không muốn ai cũng phải lâm vào cảnh khổ mà không có lối thoát', ông Công bộc bạch.
Năm ông 11 tuổi, gia đình quá nghèo ông phải đi ở đợ lấy tiền về giúp gia đình. Rồi bà cố của ông mất. Mộ bà chỉ có nấm đất nên khi ông có điều kiện trở lại tìm thì mộ đã bị xóa dấu tích. Từ đó, ý tưởng giúp người nghèo có nấm mồ đã nảy sinh nhưng ông vẫn chưa có điều kiện thực hiện.
Ông Ba Công cho biết, khoảng 30 mộ đã được chôn tại đây. |
Cả tuổi thơ dành cho việc mưu sinh nên ông chỉ được đi học đến lớp 2. Đến năm 19 tuổi ông đi bắt heo cho những người kinh doanh thịt. Lúc nàyi ông phải lo cho cả gia đình gồm cha mẹ và 5 anh em.
Trong khoảng thời gian này, ông gặp bà Lâm Thị Nương. Cả hai phải lòng nhau và kết nghĩa phu thê đến tận bây giờ.
Từ khi có vợ, ông làm việc nhiều hơn để có đủ điều kiện lo cho gia đình.
Hàng ngày hai vợ chồng ông chèo xuồng vào tận những vùng xa xôi để bán khoai lang, bán mía và những thứ bà con cần. Được vài năm, nhiều người bạn của ông thông cảm nỗi khổ giúp ông bà có điều kiện mua gỗ để đóng thuyền.
'Thú thật' - ông giãi bày với chúng tôi - 'Tôi có biết tính toán gì đâu. Chỉ biết tính theo phép tính đơn giản mà hàng ngày mình vẫn dùng để cho ra con số. Khi biết đóng chiếc xuồng đó có lời bao nhiêu, tôi mới bắt tay vào làm'.
Cỏ dại trong nghĩa trang sẽ được phát quang và tráng xi măng vào dịp thanh minh. |
'Có được chút ít, ông mở hãng nước đá rồi xây dựng công trình và làm đường giao thông. Cuộc sống dần ổn định. 4 đứa con lần lượt ra đời được ông cho ăn học thành tài và có việc làm ổn định.
'Từ lúc có được đồng ra đồng vào, tôi đã giúp nhiều người cùng khổ. Tôi quan niệm, nếu tôi có 2kg gạo tôi sẵn sàng chia 1kg cho những ai thiếu thốn. Với 1kg tôi vẫn sống được mà. Mình đã khổ, mình hiểu cảnh khổ. Mình sẵn sàng khi người khác cần.
Có một lần trời lạnh, tôi đi vào những làng mạc xa xôi thấy nhiều người già trẻ em co ro rất thảm. Tôi chạy về nhà vay mượn tiền để mua 100 chiếc mùng mền tặng bà con.
Tôi không bao giờ quên ơn những người đã cưu mang mình. Lúc vợ chồng tôi còn khổ, tôi phải về quê vợ mưu sinh. Bà con lúc đó giúp tôi rất nhiều nên khi đã khá rồi, tôi làm cầu, làm đường giao thông cho bà con đi lại.
Tôi cũng đã cất nhiều nhà để bà con nghèo có chỗ ở tươm tất hơn. Điều may mắn cho tôi, những việc làm từ thiện đều được cả gia đình đồng tình. Nhiều người cũng khuyên tôi đã có tuổi nên đi du lịch cho thoải mái. Tôi trả lời thẳng không gì thoải mái hơn sau khi mình làm được một việc nghĩa', ông Ba Công trải lòng.
Trả lời trên báo chí trước đó, ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Láng Tròn cho biết, ông Ba Công là một người có tấm lòng nhân ái. Ông luôn quan tâm, giúp đỡ những người nghèo khó.
Ngoài việc xây dựng nghĩa trang, tại phường Láng Tròn, ông đã xây dựng trên 30 căn nhà tình thương cho người nghèo. Ông còn bỏ ra số tiền lớn để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn ở những nơi điều kiện khó khăn nhằm giúp học sinh đến trường được thuận tiện, an toàn hơn.
Với tấm lòng rộng mở, ông Ba Công đã có những việc làm rất đáng được biểu dương. Thủ tướng chính phủ đã 2 lần tặng bằng bằng khen cho ông. Những mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh đang rất cần những người như ông...
Lực sĩ bán huy chương, cứu cô bé hàng xóm gặp nạn
Trước khi trao chiếc huy chương vàng đấu giá được 125 triệu đồng, anh Công đeo vào cổ bé Hương như muốn nói: 'Cháu gắng lên nhé'.
Trần Chánh Nghĩa