Đã đến lúc chúng ta phải ngừng nghĩ rằng người già là những người ngoài cuộc trong thời đại của Internet.

Nếu những người sinh sau năm 1990 được coi là người “bản xứ” trong không gian kỹ thuật số, thì người cao tuổi thường bị thế hệ trẻ coi là những người “tị nạn”. Người già thường bị coi là bảo thủ, không thể hoặc không muốn chạy theo những tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật số, hoặc tệ hơn, dễ dàng bị thu hút bởi mọi tin đồn và những trò lừa đảo qua mạng.

{keywords}

Người cao tuổi ở Trung Quốc ngày càng quen thuộc hơn với cuộc sống trên mạng.

Ở Trung Quốc, sự khác biệt về công nghệ và hành vi đã thúc đẩy sự gia tăng xung đột giữa các thế hệ. Theo dữ liệu từ cuộc điều tra dân số năm ngoái, Trung Quốc là nơi sinh sống của 260 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Trong số này, chỉ 110 triệu người - hoặc chưa đến 1/3 - tự mô tả mình là “người trực tuyến”.

Tuy nhiên, nếu để ý, bạn sẽ thấy ngạc nhiên về nhóm này. Không chỉ nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc đam mê và thành thạo công nghệ kỹ thuật số, họ còn tìm ra cách để Internet trở nên thú vị và thậm chí là có ý nghĩa hơn. Từ năm 2018 đến năm 2020, nhóm nghiên cứu của tôi đã phỏng vấn gần 200 người trên khắp Trung Quốc, tất cả đều 60 tuổi trở lên. Chúng tôi nhận thấy mức độ hạnh phúc ở những người lớn tuổi sử dụng internet cao hơn đáng kể so với những người không sử dụng.

Đối với nhiều người, động lực ban đầu để họ lên mạng xuất phát từ con cái. Con cái có chủ đích muốn giữ liên lạc với bố mẹ, hoặc vì họ đang thừa một chiếc điện thoại cũ. Nhưng khi truy cập Internet, họ lại thấy mình có nhiều cơ hội để giao lưu và giúp đỡ người khác. Thậm chí, họ thấy tác động tích cực đáng kể của nó đối với sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống. 

Người cao niên thường có một cuộc sống chậm rãi sau khi nghỉ hưu, với nhiều thời gian giải trí hơn và mong muốn tương tác nhiều hơn với mọi người. Không gian trực tuyến cho phép họ duy trì và mở rộng các tương tác xã hội của mình theo những cách mới, đôi khi là độc đáo.

Lấy ví dụ như WeChat - ứng dụng được sử dụng nhiều nhất ở Trung Quốc. Những người trẻ tuổi dùng nó cho mọi thứ, từ công việc đến tán gẫu với bạn bè. Những người cao niên cũng vậy, WeChat trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội của họ, nhưng theo những cách khác nhau.

Ở Trung Quốc, người cao tuổi thường chuyển đến các thành phố để sống với con cái và giúp các con chăm cháu. Với họ, WeChat vừa là nơi để giữ liên lạc với những người bạn cũ đang sống cùng con rải rác trên khắp đất nước, vừa là một cách để mở rộng mạng lưới xã hội trong cộng đồng mới của mình.

Người cao tuổi sẽ trò chuyện nhóm và tổ chức các cuộc gặp gỡ với những người ở cùng độ tuổi của họ. Họ rủ nhau đưa cháu đi dạo, thông báo cho nhau về giá cả hàng hoá hay trao đổi các mẹo về nuôi dạy trẻ. Những kết nối này có thể giúp họ thích nghi với cuộc sống thành phố nhanh chóng hơn.

Không giống như tình bạn “dựa trên lượt thích” mà nhiều người trẻ có trên phương tiện truyền thông xã hội, người cao tuổi thường có mối quan hệ chặt chẽ giống như trong xã hội nông thôn. Trong khi danh sách bạn bè của những người trẻ tuổi đầy những người lạ mà họ hầu như không biết, thì người cao niên nói chung có thể cho bạn biết về hầu như tất cả quê quán, gia đình và lịch sử công việc của những người bạn trên WeChat của họ.

Điều này là do các mối quan hệ trực tuyến của họ được phát triển dựa trên thế giới thực. Người cao tuổi sử dụng công nghệ kỹ thuật số để duy trì mối quan hệ và tổ chức các hoạt động thực tế, do đó tăng cơ hội giao tiếp trong đời thực chứ không phải ngược lại.

{keywords}

Người cao tuổi thường có mối quan hệ sâu sắc với bạn trên mạng.

Chúng tôi nhận thấy rằng một số người cao tuổi ở Trung Quốc thậm chí còn nhiệt tình lên mạng hơn những người trẻ tuổi. Ví dụ, một người dùng mạng 64 tuổi tên Xu nói với chúng tôi rằng ông để ý đến bất kỳ ứng dụng hoặc công nghệ mới “thời thượng” nào mà ông ấy thấy những người trẻ đang sử dụng.

Ông xem các ứng dụng video ngắn, chỉnh sửa ảnh và chơi game mỗi ngày - thậm chí ông còn là người đầu tiên trong gia đình sử dụng ứng dụng mua sắm phổ biến hiện nay Pinduoduo. Ông Xu nói: “Trong thời đại kỹ thuật số, lướt Internet là điều cơ bản giống như biết đọc, biết viết. Nếu bạn không học hỏi, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau”.

Với những người cao niên như ông Xu, học hỏi điều mới trên Internet là một nguồn vui sống của họ. Thói quen này không chỉ thách thức những định kiến ​​của nhiều người trẻ về người cao tuổi, mà còn mang lại cho người cao niên sự tự tin và cởi mở khi trò chuyện với các thành viên trong gia đình cũng như người quen của họ về các sự kiện đang diễn ra hàng ngày.

Ông Fu, 63 tuổi, nói với chúng tôi: “Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, tôi đã giao tiếp với các con mình nhiều hơn. Chúng nhận ra tôi biết nhiều như thế nào, từ đó khiến chúng sẵn sàng chia sẻ với tôi hơn”.

Khi quen thuộc hơn với công nghệ kỹ thuật số, người cao tuổi có thể truy cập vào một loạt các lợi ích giúp họ mở rộng cuộc sống sau khi nghỉ hưu. Quan trọng hơn, nếu gặp sự cố, họ có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ gia đình hoặc bạn bè bằng cách gửi tin nhắn thoại hoặc ảnh. Trong các cuộc phỏng vấn của chúng tôi, nhiều người đã ví điện thoại thông minh như một vệ sĩ riêng.

Tất nhiên, những tiện ích này không làm giảm đi các vấn đề thực tế của cuộc sống trên mạng. Đối với những người online quá nhiều, họ có nguy cơ thiếu đi sự kết nối xã hội thực tế và có nguy cơ phụ thuộc vào Internet lâu dài vì họ coi nó như là cách để giảm bớt sự cô đơn.

Lừa đảo trực tuyến hay tin giả nhằm vào người cao tuổi cũng là những vấn đề phổ biến. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, truy cập Internet là một điều tích cực đối với người cao niên. Nó mở ra một thế giới mới, cho phép họ tìm bạn, tiếp cận các hỗ trợ tinh thần, tìm kiếm thông tin đa dạng và có cuộc sống hạnh phúc hơn.

Đã đến lúc ngừng coi người cao tuổi là người “tị nạn” kỹ thuật số. Thế giới kỹ thuật số cũng dành cho họ, nhiều như bất kỳ ai khác.

Bài viết của tác giả Jiang Qiaolei - Phó giáo sư Trường Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc

Đăng Dương (Theo Sixth Tone)

Khi người cao tuổi muốn tiếp tục làm việc

Khi người cao tuổi muốn tiếp tục làm việc

Người già chưa có nhiều cơ hội việc làm và chưa có nhiều chính sách, kênh thông tin hỗ trợ.