Nghiên cứu từ tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nhận định phụ nữ và trẻ em gái xứ kim chi là nạn nhân phổ biến của vấn nạn chia sẻ hình ảnh nhạy cảm không có sự cho phép, theo Independent.

Các nhà nghiên cứu thực hiện phỏng vấn với các nạn nhân và chuyên gia nghiên cứu về tội phạm tình dục trên mạng, phát hiện số vụ quay lén ở Hàn Quốc được truy tố tăng gấp 11 lần trong khoảng năm 2008-2017, từ 585 lên 6.615 vụ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp không được báo cáo.

phu nu han quoc khung hoang vi camera an anh 1

Một chiếc camera mini có thể lắp vào nhiều số thiết bị khác, đặt ở nơi công cộng hoặc nhà riêng. Ảnh: Vice.

Cụ thể, tình trạng nam giới đặt camera ẩn ở nhà vệ sinh, phòng thay đồ, khách sạn, các địa điểm công cộng, thậm chí trong chính nhà riêng, lén lút ghi hình phụ nữ vốn gây nhức nhối ở Hàn Quốc từ lâu. Các đoạn clip này có thể bị phát tán lên mạng, hoặc rao bán, hoặc dùng để uy hiếp nạn nhân.

Nghiên cứu cũng chỉ ra các video chứa nội dung khiêu dâm trả thù, deepfake cũng xuất hiện tràn lan ở xứ kim chi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của phái nữ.

"Nhiều phụ nữ, trẻ em gái nói rằng họ luôn tránh dùng nhà vệ sinh công cộng, thấy bất an về sự tồn tại của camera ẩn ở mọi nơi. Nhiều phụ nữ cảm thấy bất an, không dám đi vệ sinh trong chính nhà mình. Không ít nạn nhân đã có ý định tự sát vì hoảng loạn", Heather Barr, tác giả nghiên cứu, trả lời Independent.

Đáng nói, các hình ảnh chứa nội dung khiêu dâm trên có thể được lan truyền rộng rãi chỉ với thao tác chụp màn hình và vài từ khóa tìm kiếm.

"Những người sống sót từ các vụ tấn công tình dục kỹ thuật số phải ôm nỗi đau suốt phần đời còn lại, nhận được rất ít trợ giúp từ hệ thống pháp luật", cô Barr nhấn mạnh.

Nghiên cứu cho rằng giới chức tư pháp Hàn Quốc có xu hướng tỏ ra "không hiểu hoặc không coi các hành vi này là tội nghiêm trọng", khiến các nạn nhân phải một mình chịu đựng.

"Cảnh sát thường từ chối tiếp nhận khiếu nại, hoặc xử lý vụ việc theo cách giảm thiểu tối đa ảnh hưởng. Thậm chí, có nạn nhân còn bị đổ lỗi, hoặc bị chất vấn bởi những câu hỏi không phù hợp", các chuyên gia từ Human Rights Watch nói.

phu nu han quoc khung hoang vi camera an anh 2

Tổ chức HRW cho biết vấn nạn quay lén ở Hàn Quốc xuất phát từ quan điểm bất bình đẳng giới, dung túng cho các hành vi xấu với phụ nữ. Ảnh: Korea Bizwire.

Cô Barr cho biết căn nguyên của các tội phạm tình dục kỹ thuật số ở xứ kim chi bắt nguồn từ quan điểm bất bình đẳng về giới, sự dung túng hành vi bất công với phái nữ.

"Chính phủ Hàn Quốc đã điều chỉnh luật pháp, nhưng chưa gửi đi thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ rằng nam và nữ đều bình đẳng, không dung thứ cho hành vi sai trái như vậy".

Trước đó, vào tháng 2/2020, một người phụ nữ Hàn Quốc tố bị sếp của mình, người đã có gia đình, theo dõi bằng camera quay lén được gắn trong chiếc đồng hồ mà ông tặng cô.

Vào năm 2018, HRW cho biết trường hợp một phụ nữ khác bị quay lén 2 tuần qua cửa sổ nhà, cô chỉ phát hiện khi được cảnh sát thông báo.

Tháng 9/2019, 3 tháng trước đám cưới, một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm của bệnh viện đã tự sát sau khi biết rằng cô bị đồng nghiệp quay lén trong phòng thay đồ tại nơi làm việc.

Trả lời Human Rights Watch , cha nạn nhân cho biết thủ phạm chỉ bị kết án 10 tháng tù giam.

Theo Zing

Chồng đánh thuốc mê vợ rồi quay clip nhạy cảm, phát tán lên mạng

Chồng đánh thuốc mê vợ rồi quay clip nhạy cảm, phát tán lên mạng

"Sau khi xem đoạn clip, tôi cảm thấy buồn nôn kinh khủng. Gần một năm qua, cảm giác ấy vẫn cứ đeo bám tôi", Rachel, một phụ nữ người Canada, trải lòng với AFP.