Trưa 4/11 trên kênh VTV1, tiêu điểm chương trình Chuyển động 24h chủ đề "Trục lợi từ bản quyền các tác phẩm nghệ thuật trên nền tảng số" xoay quanh vụ lùm xùm bản quyền có liên quan đến công ty BH Media. 

Người dẫn bản tin nói: "Không chỉ các tác phẩm bị sở hữu trái phép, một số tác phẩm dân gian hoặc của Nhà nước cũng đang bị khai thác trái phép. Điển hình như ca khúc Tiến quân ca - quốc ca được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân, Tổ quốc lại bị BH Media xác nhận sở hữu bản quyền". 

Báo điện tử VTV News của Đài truyền hình Việt Nam cũng đăng tải nội dung tương tự trong bài viết có tiêu đề "Chiếc gậy" của BH Media, nhận vơ và sự trục lợi bản quyền các tác phẩm trên nền tảng số.

{keywords}
BH Media bị VTV "gọi tên".

Trả lời VietNamNet, BH Media đưa ra các phản hồi chính thức thông tin trên với 3 quan điểm.

Đầu tiên, công ty này cho biết từ "chiếc gậy" trong bài viết "Chiếc gậy" của BH Media, nhận vơ và sự trục lợi bản quyền các tác phẩm trên nền tảng số phản ánh không đúng bản chất vấn đề. Đó là thư thông báo xác nhận tự động của YouTube khi phát hiện sự trùng khớp của bản ghi chứ không phải “đánh gậy bản quyền”.

Thứ hai, BH Media yêu cầu VTV cung cấp thông tin về nguồn gốc bức ảnh chụp màn hình và video được sử dụng trong bản tin thuộc kênh YouTube nào của VTV. 

BH Media cho hay qua hệ thống, họ phát hiện ảnh chụp màn hình thông báo xác nhận bản quyền từ YouTube được sử dụng trong bài viết của Báo điện tử VTV News là từ một video lậu giả danh VTV1, sử dụng bản Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio không xin phép. Đó là lý do video này bị YouTube khiếu nại về bản quyền.

Thứ ba, BH Media nhấn mạnh cố nhạc sĩ Văn Cao là tác giả của bài Tiến quân ca, luôn có quyền tác giả đối với tác phẩm của mình. Quyền tác giả của nhạc sĩ Văn Cao quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (SĐ, BS năm 2019).

Trường hợp cá nhân, pháp nhân, tổ chức bỏ thời gian, công sức, kỹ thuật, tiền bạc sản xuất bản ghi Tiến quân ca thì cá nhân, pháp nhân, tổ chức đó có quyền liên quan đến quyền tác giả, cụ thể là quyền của nhà sản xuất bản ghi âm ghi hình theo Điều 30 luật này.

Hồ Gươm Audio sản xuất và là chủ sở hữu bản ghi Tiến quân ca. Hồ Gươm Audio ủy quyền cho BH Media quản lý, khai thác bản ghi này trên YouTube. Đồng nghĩa khi BH Media đưa bản ghi Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio lên YouTube, nếu có kênh đăng tải video sử dụng bản ghi này sẽ bị YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền. Nếu các kênh tự sản xuất bản ghi Tiến quân ca của riêng mình sẽ không bị YouTube nhận diện bản quyền.

"Chúng tôi chỉ là công ty được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác bản ghi Tiến quân ca. Do đó việc nói “BH Media nhận sở hữu bản quyền cả ca khúc Tiến quân ca” trên fanpage là chưa hiểu về Luật Sở hữu trí tuệ. Chúng tôi sẽ có công văn gửi tới Đài Truyền hình Việt Nam để làm rõ vụ việc này", BH Media thông tin. 

Công ty này nói thêm, Hồ Gươm Audio khi sản xuất album có bản ghi Tiến quân ca đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với cơ quan cấp phép. Khi Hồ Gươm Audio ủy quyền cho BH Media quản lý và khai thác bản ghi Tiến quân ca trên YouTube, công ty này không hề bật nút kiếm tiền, quảng cáo để đảm bảo tính tôn nghiêm cho tác phẩm, người dân được nghe miễn phí.

BH Media đưa ra dẫn chứng quốc ca một số nước trên thế giới có nhiều bản ghi khác nhau do các hãng đĩa sản xuất. Các hãng đĩa Gothic, Universal Music Group,... là chủ sở hữu hợp pháp bản ghi bài quốc ca Mỹ The star-spangled banner do mình sản xuất. Bất cứ cá nhân, tổ chức nào muốn sử dụng phải xin phép các hãng này. 

Gia Bảo

'Chiếc gậy' của BH Media, nhận vơ và sự trục lợi bản quyền các tác phẩm trên nền tảng số

'Chiếc gậy' của BH Media, nhận vơ và sự trục lợi bản quyền các tác phẩm trên nền tảng số

Từ các ca khúc nhạc sĩ sáng tác, tự bỏ tiền ra sản xuất cho đến Quốc ca, nhạc dân gian, các vở tuồng cải lương… rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đang...