- Đại diện Bộ VHTTDL cho biết lý do phê duyệt cho một công ty vận tải thủy mua lại 65% cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam.

Trước thắc mắc của giới nghệ sĩ cũng như những người quan tâm tới Hãng phim truyện VN (VFS) liên quan đến việc Hãng bán cổ phần cho Công ty vận tải thủy chưa từng có kinh nghiệm làm phim, VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Uỷ viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ, Phó Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam thuộc Bộ VHTTDL để làm rõ sự việc. 

{keywords}

Hiện trạng Hãng phim truyện Việt Nam thời điểm cổ phần hóa. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Có duy nhất Tổng công ty vận tải thủy nộp hồ sơ!?

 - Như ông nói, cổ phần hóa các hãng phim đã là chủ trương từ lâu. Nhưng bản thân các nghệ sĩ và dư luận thắc mắc tại sao lại chọn đối tác bán cổ phần Hãng phim truyện VN cho Công ty vận tải Thủy vốn có hoạt không dính dáng gì đến hoạt động phim ảnh? Nhiều người lo lắng vậy sau khi cổ phần hóa, liệu công ty này có cam kết làm phim hay không hay hướng tới các hình thức kinh doanh khác?

Quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần của Công ty TNHH MTV Hãng Phim Truyện Việt Nam khi cổ phần hóa được thực hiện theo đúng quy định về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và mục tiêu phát triển của Công ty sau cổ phần hóa, VFS đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng Phương án cổ phần hóa, xây dựng tiêu chí và cam kết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Tiêu chí và cam kết này đã được lấy ý kiến thống nhất của tập thể Ban Lãnh đạo Công ty, cán bộ chủ chốt, tổ giúp việc Ban chỉ đạo cổ phần hoá tại doanh nghiệp và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt.

Tiêu chí này nhằm tìm kiếm tất cả các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, có khả năng hỗ trợ công ty sau cổ phần hóa và cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với Công ty sau cổ phần hóa để cùng phát triển kế hoạch sản xuất kinh doanh theo Phương án cổ phần hóa đã được Bộ VHTTDL phê duyệt. Trên cơ sở tiêu chí và những nội dung phải cam kết được Bộ phê duyệt, Công ty tiến hành công khai, đăng báo tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ, có duy nhất Tổng công ty vận tải thủy – Công ty Cổ phần nộp hồ sơ và đáp ứng đầy đủ tiêu chí và cam kết do Bộ phê duyệt. Do vậy, căn cứ đề xuất của Công ty và căn cứ theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Bộ VHTTDL phê duyệt Tổng công ty vận tải thủy – Công ty cổ phần là nhà đầu tư chiến lược của Công ty.

Theo Kế hoạch sản xuất kinh doanh và Phương án sử dụng nhà, đất của Công ty sau cổ phần hoá được phê duyệt tại Phương án cổ phần hoá thì Công ty cổ phần vẫn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phim (doanh thu sản xuất phim chiếm trên 90% tổng doanh thu của công ty) và sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất hiện có của công ty trong hoạt động sản xuất phim, các hoạt động dịch vụ văn hoá.

Với tư cách là nhà đầu tư chiến lược ngoài việc phải tuân thủ Phương án sản xuất kinh doanh của Công ty sau cổ phần hóa đã được Bộ VHTTDL phê duyệt thì nhà đầu tư chiến lược cam kết chấp thuận việc Công ty cổ phần dành tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu cho việc sản xuất phim và sử dụng cơ sở vật chất hiện có của Công ty cho lĩnh vực văn hóa điện ảnh.

Theo Phương án cổ phần hóa, tổng số tiền thu được từ việc phát hành thêm cổ phần , Công ty cổ phần sẽ dùng trả tiền nợ tiền thuê đất (khoảng 10 tỷ), trả các khoản nợ khác (2 tỷ), sửa chữa cơ sở vật chất hiện có và đầu tư máy móc cho việc sản xuất phim và dùng số tiền còn lại tương đương với 20% vốn chủ sở hữu (khoảng 10 tỷ) để làm vốn lưu động phục vụ cho hoạt động đấu thầu và thực hiện các dự án sản xuất phim.

- Ông nói Tổng công ty vận tải thủy cam kết sẽ làm phim nhưng vấn đề là làm sao giám sát việc mỗi năm họ có làm phim hay không? Và Bộ VHTTDL sẽ giám sát việc này?

Theo quy định của Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Công ty cổ phần trong đó có nhà đầu tư chiến lược phải tuân thủ phương án cổ phần hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Những cam kết của nhà đầu tư chiến lược sẽ được đưa vào Điều lệ Công ty cổ phần.

Trong vòng 5 năm kể từ ngày chính thức chuyển sang công ty cổ phần Bộ VHTTDL sẽ thực hiện giám sát việc thực hiện hoạt động của Công ty cổ phần theo Phương án cổ phần hóa đã được Bộ VHTTDL phê duyệt theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 49 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.

Nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Theo cam kết của nhà đầu tư chiến lược, mặc dù Bộ VHTTDL chỉ là đại diện chủ sở hữu của 20% vốn điều lệ trong công ty cổ phần nhưng Bộ VHTTDL có quyền cử 03 đại diện (01 đại diện trong Hội đồng quản trị, 01 đại diện trong Ban Kiểm soát, 01 đại diện trong Ban giám đốc) và họ sẽ là người trực tiếp  thực hiện chức năng giám sát và báo cáo Bộ khi Công ty cổ phần không thực hiện đúng cam kết.

Không thể nói là bán khu đất số 4 Thụy Khuê với giá rẻ 

Theo đại diện Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VHTTDL) thì tổng giá trị thực tế của Hãng phim truyện Việt Nam là 91,7 tỉ đồng (tại thời điểm 30/09/2014). Căn cứ quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về cách tính giá trị lợi thế kinh doanh của công ty thì giá trị lợi thế kinh doanh của Công ty là 0 đồng do trong vòng năm 5 tính đến thời điểm cổ phần hoá Công ty không có đầu tư cho hoạt động quảng cáo, đào tào… và  Công ty không có tỷ suất lợi nhuận trong vòng 3 năm trước thời điểm cổ phần hoá

- Khu đất số 4 Thụy Khuê lâu nay được cho là khu đất vàng, nhiều người lo ngại vì nó đã được bán với giá quá rẻ so với giá trị?

Theo Phương án sử dụng nhà, đất do VFS xây dựng trình Bộ VHTTDL lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính và UBND thành phố Hà Nội thì tất cả các khu đất do VFS đều được Bộ Tài chính và UBND thành phố thống nhất Phương án sử dụng đất với mục đích là sử dụng. Riêng đối với khu đất tại số 4 Thụy Khuê, VFS lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sau cổ phần hóa với mục đích sử dụng làm trụ sở chính của công ty, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và phát hành phim thì chưa được cấp có thẩm quyền thống nhất phê duyệt.

Việc xác định giá trị doanh nghiệp VFS để cổ phần hóa được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Do vậy, việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là xác định toàn bộ giá trị tài sản hiện có của Công ty tại thời điểm cổ phần hóa (30/9/2014). Vì công ty lựa chọn hình thức thuê đất là trả tiền đất hàng năm nên giá trị doanh nghiệp không bao gồm giá trị tiền thuê đất và giá trị lợi thế vị trí địa lý.

Do vậy, không thể nói là bán khu đất số 4 Thụy Khuê với giá rẻ bởi vì trong giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá là không tính giá trị quyền sử dụng đất theo quy định. Đến thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính và UBND thành phố Hà Nội chưa thống nhất với Phương án sử dụng nhà, đất của Công ty sau cổ phần hóa do Công ty chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và khu đất trên nằm trong quy hoạch khu chính trị Ba Đình. Vì vậy, Công ty cổ phần phải có trách nhiệm kế thừa khoản nợ tiền thuê nhà, thuê đất và làm việc với cơ quan nhà đất của UBND thành phố Hà Nội để được ký hợp đồng thuê đất hàng năm với mục đích làm trụ sở và cơ sở vật chất để sản xuất và phát hành phim.

{keywords}

Một góc kho đạo cụ của Hãng  Ảnh: Nguyễn Hoàng

- Sau khi tiến hành cổ phần hóa, Công ty vận tải Thủy mua lại 65% cổ phần với giá hơn 32 tỉ, vậy sau này họ có quyền xây dựng lại trên khu đất 4 Thụy Khuê?

Công ty cổ phần có trách nhiệm làm thủ tục với cơ quan nhà đất của UBND thành phố Hà Nội để ký hợp đồng thuê đất hàng năm với mục đích sử dụng đất là làm trụ sở và cải tạo cơ sở vật chất hiện có để phục vụ việc sản xuất và phát hành phim.

- Tức là sau khi cổ phần hóa, Hãng phim truyện sẽ phải tự bơi theo cơ chế thị trường?

Tất cả các doanh nghiệp đều hoạt động theo bình đẳng theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014.

- Có nghệ sĩ thắc mắc không tiến hành cổ phần hóa các hãng phim khác mà đầu tiên cứ phải là Hãng phim truyện Việt Nam với lịch sử lâu dài như vậy. Lãnh đạo Bộ trả lời câu hỏi này thế nào?

Căn cứ theo Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ VHTTDL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 2218/TTg-DMDN ngày 01/12/2011, tất cả các Hãng Phim đều thuộc đối tượng sắp xếp theo hình thức cổ phần hóa, chỉ có duy nhất Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương là thực hiện duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

{keywords}

Các quán hàng 'không liên quan' bủa vây Hãng phim trước thời điểm cổ phần hóa. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Tuy chỉ nắm 20% cổ phần trong hãng phim truyện Việt Nam nhưng Bộ VHTTDL cho hay vẫn cử đại diện tham gia vị trí quan trọng từ HĐQT, ban giám đốc, điều hành, ban giám sát, để đảm bảo có tiếng nói của Nhà nước trong Hãng phim sau cổ phần hóa. Công ty vận tải Thủy cũng phải cam kết trong 5 năm không được chuyển nhượng cổ phần cho bất cứ đơn vị nào, tuân thủ phương án cổ phần hóa công ty, tức là liên quan đến ngành nghề sản xuất phim cũng như dùng tối thiểu 20% vốn cho việc làm phim. Công ty này cũng phải cam kết sử dụng mảnh đất số 4 Thụy Khuê dành cho việc phát triển sản xuất phim và văn hóa điện ảnh.

B.Hạnh - H.Hoàng

Bài sau: Đất 'vàng' Hãng phim truyện Việt Nam giá bao nhiêu?

Nhiều tiền có thể cứu Hãng phim truyện Việt Nam?

Tại sao phải bán Hãng Phim truyện Việt Nam?