Ra mắt hồi ký, Thiếu tướng Trần Kinh Chi mong muốn cung cấp thêm những tư liệu, góc nhìn về những sự kiện lịch sử của đất nước qua lăng kính của một người trong cuộc.


Thiếu tướng Trần Kinh Chi, tên thật là Nguyễn Văn Hợp, sinh ngày 20/5/1927 tại làng Thượng Hiệp, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông đến với cách mạng từ những năm mười tám đôi mươi, và sau đó là chuỗi ngày gắn bó cuộc đời của mình với lý tưởng cách mạng.

Đặc biệt, ông có vinh dự trở thành cận vệ của Bác Hồ trong nhiều chuyến công tác của Người. Niềm vinh dự này cùng với cuộc đời hoạt động cách mạng được Thiếu tướng Trần Kinh Chi chia sẻ một cách chân thực và sinh động trong cuốn Hồi ký Trần Kinh Chi do nhà báo Đào Trung Uyên chấp bút.

Cuốn hồi ký ghi lại những diễn biến trong cuộc đời của Thiếu tướng Trần Kinh Chi từ thuở ấu thơ hồn nhiên đến nay - khi đã ở tuổi 90 chân yếu, mắt lòa. Cuốn sách cung cấp thêm những tư liệu, góc nhìn về những sự kiện lịch sử của đất nước qua lăng kính của một người trong cuộc. Các sự kiện lịch sử này vốn được đề cập trong nhiều tư liệu song không phải khía cạnh nào, góc khuất nào cũng được sử sách ghi chép.

Tác giả đã nỗ lực kể lại chuyện đời mình một cách cụ thể, tỉ mỉ, chính xác hết sức có thể dựa theo những gì ký ức còn lưu giữ với thái độ trung thực, khách quan nhất với kỳ vọng thế hệ trẻ nói chung có thể tiếp thu được những bài học giá trị để thêm chủ động, tự tin khi lựa chọn thái độ sống, làm việc và cống hiến cho đời, bớt vấp phải những sai lầm đáng tiếc.

Ông cho biết: “Hồi ký là lịch sử, mà lịch sử thì luôn nên là sự thật, vậy nên, cuốn hồi ký này không tô hồng hay bôi đen, không vo tròn hay bóp méo bất cứ sự kiện nào mà tác giả từng trải qua hay chứng kiến để đảm bảo mỗi dòng chữ, mỗi trang sách này đều được soi rọi bởi ánh sáng của sự thật”.

{keywords}
Sách Hồi ký Trần Kim Chi - chuyện vị tướng cận vệ của Bác Hồ.

Bước ngoặt đến với cuộc đời Thiếu tướng Trần Kinh Chi vào năm 16 tuổi, đó là được gặp gỡ cách mạng sau những năm tháng ấu thơ “phần khổ nhiều hơn phần sung sướng, phần u buồn nhiều hơn phần vui tươi”. Ông tâm sự: “Khoảng tháng 6/1943, khi tôi ở tuổi 16, tôi chính thức đặt chân đến với cách mạng, khiến cả chặng đời sau của tôi hoàn toàn đổi thay theo chiều hướng tôi không bao giờ ngờ đến”.

Đến với cách mạng, dù phải trải qua cuộc sống kham khổ, thiếu ăn, “có thể bị bỏ tù, tra tấn, xử tử bất cứ lúc nào” nhưng Trần Kinh Chi và các đồng chí khác không mảy may nghĩ đến những điều ấy mà chỉ dồn hết trí lực vào hoạt động.

“Chúng tôi không hề nghĩ đến việc nếu bị bắt thì ứng phó ra sao, khai báo thế nào, thái độ đối với chính quyền ra sao, các phương án trốn tù… Tôi cũng chẳng còn nghĩ ngợi gì đến chuyện yêu đương, ăn diện, hưởng thụ, ngay cả những người ruột thịt tôi cũng không quan tâm được nhiều. Tôi chỉ tập trung dấn thân vào các hoạt động cách mạng cho thỏa chí làm trai thời loạn lạc và thực hiện lý tưởng cách mạng”, ông viết.

Nhờ ý chí, bản lĩnh và sự tài trí, chưa chạm ngõ 20 tuổi nhưng Trần Kinh Chi đã có tiếng trong cả tỉnh Sơn Tây. Đầu năm 1946, khi cả nước diễn ra bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng Nhân dân, Trần Kinh Chi tự tin ứng cử Hội đồng Nhân dân và trúng cử. Lúc ấy, tờ báo Tiếng Xứ Đoài có đăng một bài viết về ông, và gọi ông là “một thanh niên anh hùng của tỉnh nhà”.

Năm 1950, từ Nha Công an Trung ương, Trần Kinh Chi được biệt phái sang Bộ Quốc phòng để tăng cường cho quân đội. Cũng từ đây, ông bắt đầu khoác áo lính, bắt đầu một hành trình sự nghiệp mới vô cùng sôi động và có nhiều sự kiện đáng nhớ gắn với những trang sử chói lọi của dân tộc cũng như vị lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại mà ông kính yêu như người Cha. Đây cũng chính là giai đoạn quan trọng nhất trong sự nghiệp của Trần Kinh Chi.

Trong cuốn hồi ký của mình, Thiếu tướng Trần Kinh Chi dành nhiều tình cảm cho Bác Hồ. Tháng 1/1951, Thiếu tướng Trần Kinh Chi nhận được nhiệm vụ quan trọng: bảo vệ Bác Hồ trong sáu ngày Bác đi làm việc với các đơn vị bộ đội. Chuyến công tác Việt Bắc sáu ngày với Bác đã trở thành “ký ức vô cùng đẹp đẽ, đặc biệt” trong lòng Trần Kinh Chi. Bởi từ chuyến công tác này, ông đã học được ở Bác những bài học về lối sống, lý tưởng cách mạng, đạo đức của người chiến sĩ một cách sinh động.

Bạn đọc sẽ không tránh khỏi xúc động trước những trang văn mà ở đó chất chứa rất nhiều tình cảm mà Thiếu tướng Trần Kinh Chi dành cho Bác, nhất là thời điểm Bác mất. Ông kể: “Ngày 2/9/1969, như nhiều đồng chí khác, tôi trải qua cú sốc mất đi người Cha kính yêu. Những kỷ niệm ấm áp bên Bác ùa về trong lòng tôi như dòng suối ấm vỗ về trái tim đang trải qua cơn xúc động mạnh. Ngày 2/9/1969 vĩnh viễn lưu dấu trong lòng tôi bởi sự ra đi của người Cha, người thầy cách mạng tôi trọn lòng thương mến”.

Đặc biệt, cũng trong cuốn hồi ký này, Thiếu tướng Trần Kinh Chi đã cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hấp dẫn mà hầu như từ trước tới nay rất ít tài liệu nhắc đến. Bởi lẽ, những thông tin này không phải ai cũng được biết. Sở dĩ Thiếu tướng Trần Kinh Chi có được là do đặc thù công việc của ông lúc đó trên cương vị là Cục trưởng Cục Bảo vệ quân đội.

Bạn đọc sẽ tìm thấy trong Hồi ký Trần Kinh Chi này những thông tin thú vị về quá trình xây dựng công trình để gìn giữ và bảo quản thi hài của Bác Hồ hay những cuộc hành quân di chuyển thi hài Bác lên Ba Vì hay bên kia sông Đà, để phòng tránh những hậu quả mà chiến tranh có thể mang lại. Chính từ những cuộc hành quân này, bạn đọc càng hiểu thêm về những tình cảm mà nhân dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hồi ký Trần Kinh Chi được viết giản dị, gần gũi; thông qua câu chuyện về cuộc đời của mình, Thiếu tướng Trần Kinh Chi mong muốn gửi gắm tới bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ thông điệp: “Ngay cả trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất, tôi cũng không bao giờ bất mãn, bỏ cuộc, xao lãng công việc. Thay vì để nghịch cảnh quật ngã mình, tôi quyết tâm làm việc chăm chỉ hơn, hiệu quả hơn để không hổ thẹn với chính bản thân. Thay vì mơ mộng có một sự nghiệp luôn “thuận buồm xuôi gió”, người trẻ hãy chuẩn bị tinh thần cho những kịch bản xấu nhất và xác định rõ thái độ cần có để nâng cao giá trị bản thân”.  

Theo Zing