Nhà văn Đỗ Bích Thúy vừa ra mắt bộ ấn phẩm Về gồm 4 cuốn: Người yêu ơi (tiểu thuyết), Thương nhau như người thân (tập tản văn), Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (tập truyện ngắn), Bóng của cây sồi (tiểu thuyết). Nhà văn Đỗ Bích Thúy cho biết, một phần tiền bán sách sẽ được chuyển thành quà tặng cho trẻ em miền núi còn khó khăn.

{keywords}
Nhà văn Đỗ Bích Thuý tại buổi ra mắt sách. 

Bốn cuốn sách ra mắt lần này do Nhà Xuất bản Văn học và Liên Việt ấn hành, vẫn theo mạch đề tài về dân tộc thiểu số và miền núi mà nhà văn Đỗ Bích Thúy gắn bó, ghi dấu ấn nhiều năm qua. 

Tiểu thuyết Người yêu ơi được viết sau khi tác giả hoàn thành kịch bản điện ảnh cùng tên. Tác giả chia sẻ, viết tiểu thuyết sau để thỏa mãn nhiều ý đồ khác mà kịch bản điện ảnh chưa thể hiện được. Cuốn tiểu thuyết này viết về tình yêu đượm nỗi buồn, nhưng không tuyệt vọng. 

Tập tản văn, tùy bút Thương nhau như người thân gồm nhiều bài viết được tác giả ghi lại sau những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, hoặc cảm nhận về cuộc sống với giọng văn giàu trải nghiệm và tràn đầy yêu thương. Cuốn sách này không chỉ có các bài viết mà còn in kèm nhiều ảnh đẹp do tác giả chụp. 

Tiếng đàn môi sau bờ rào đá là một trong những tập truyện ngắn của nhà văn Đỗ Bích Thúy được bạn đọc yêu thích nhất. Trong đó có truyện ngắn cùng tên được đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể thành kịch bản và dựng phim Chuyện của Pao, đoạt giải Cánh Diều Vàng năm 2005. 

Cuốn Bóng của cây sồi là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn lấy bối cảnh từ chính ngôi làng Tày mà chị sinh ra và lớn lên ở Hà Giang.

{keywords}
 

Với Đỗ Bích Thúy, viết về miền núi là một lợi thế khi không có quá nhiều người viết. Trên văn đàn hiện tại, số tác giả viết về miền núi để lại dấu ấn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi đây là một vùng văn hóa màu mỡ.

"Hạnh phúc nhất đối với một người cầm bút là được cày xới trên thửa ruộng rất ít người đã bước qua. Chọn viết về đề tài miền núi là may mắn trời cho. Và tôi đã chọn đúng ngay từ đầu. Tôi không phiêu lưu và mất thời gian vào những đề tài khác mà có thể chẳng có thành quả", nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ tại buổi ra mắt.

Với việc ra mắt cùng lúc bốn cuốn sách, Đỗ Bích Thúy nói rằng, cho đến giờ thì chị mong muốn bạn đọc không chỉ được đọc những cuốn sách là sản phẩm của lao động văn chương thực thụ, mà còn là những cuốn sách đẹp. Do đó, cả 4 cuốn lần này đều được hoạ sĩ Lê Thiết Cương chăm sóc về mỹ thuật, theo một tinh thần thống nhất với cuốn in trước đó - tập tản văn Tôi đã trở về trên núi cao, in năm 2019.

Tại buổi ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, Đỗ Bích Thúy là một cây bút đặc biệt về đề tài nông thôn, miền núi. Ở thành thị nhiều năm nhưng Đỗ Bích Thúy vẫn luôn sống trong những ký ức về nông thôn, miền núi và dồn tất cả vào những trang viết như cách để trở về với nơi mình sinh ra, nuôi lớn mình, để cân bằng với cuộc sống.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ: "Tôi không coi văn chương là món nợ. Văn chương là văn chương, cuộc sống là cuộc sống. Viết văn khiến tôi thấy hạnh phúc. Hưng phấn do việc lao động chữ nghĩa mang lại nó không giống bất kỳ thứ hưng phấn nào trên đời. Vì thấy hạnh phúc khi được lao động mà tôi cứ viết mãi, chưa từng nghĩ bao giờ thì mình dừng lại. Thậm chí tôi nghĩ, nếu như một ngày nào đó không viết gì nữa có lẽ là ngày buồn bã nhất trong cuộc đời mình". 

Tình Lê

Để trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh

Để trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh

Cuốn sách 'Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh' của tác giả người Nhật Yoshihiko Morotomi giúp bậc phụ huynh kéo con mình ra khỏi cơn nghiện điện thoại thông minh.