Đây là một sự kiện nằm trong tuần tưởng nhớ 31 năm ngày hai nhà thơ tài hoa mãi mãi đi xa, do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đứng ra tổ chức.
Bà Đông Mai và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tại buổi trò chuyện. |
Mở đầu buổi trò chuyện, chị gái của nữ sĩ Xuân Quỳnh ngậm ngùi rằng: “Ngày hôm nay, được ngồi trò chuyện với mọi người về em gái và em rể của tôi, tôi vừa bất hạnh, lại vừa hạnh phúc. Bất hạnh bởi 31 năm trước, nếu Quỳnh không mãi mãi ra đi trong chuyến xe định mệnh ấy… thì bây giờ Quỳnh đã ngồi đây để nói chuyện với mọi người chứ không phải là tôi.
Theo quy luật, tuổi của tôi là phải đi trước Quỳnh chứ không phải Quỳnh đi trước. Nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc bởi 31 năm rồi, mọi người vẫn nhớ đến Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, nhớ đến những vần thơ của họ”.
Bà Đông Mai kể, nữ sĩ Xuân Quỳnh rất thương quý chị nên thường hỏi ý kiến bà về nhiều việc và luôn làm theo lời khuyên của bà. Tuy nhiên, có một chuyện bà không nghe lời chị gái đó là khi đến với nhà thơ Lưu Quang Vũ.
“Tôi khóc biết bao nhiêu là nước mắt, Quỳnh cũng khóc. Tôi không đồng ý vì lúc đó trông Vũ rất thất thểu, bất cần đời. Không có công ăn việc làm, lại ít tuổi hơn em gái mình. Quỳnh bảo, do chị không hiểu Vũ nên chị nghĩ thế. Chị có ghét em thì em cũng đành chịu. Em thấy Vũ được… thế là Quỳnh nhất quyết lấy Vũ.
Mặc dù đã lớn tuổi nhưng khi kể về em gái và em rể, bà Đông Mai vẫn không thể giấu nổi sự xúc động. |
Thậm chí Quỳnh còn viết thơ khi giận chị thế này: “Em đã viết những điều em đã sống/ Mà trước chị em lại thường im lặng/ Nên chẳng bao giờ chị hiểu em/ Ai nói gì về em chị cũng không tin/ Vì chị nghĩ chị hiểu em hơn tất cả”.
Khi ấy, tôi cũng không có con mắt tinh đời, nhìn ra được Vũ như Quỳnh. Bạn bè khi ấy cũng thấy đôi này chênh lệch. Anh Chế Lan Viên nói với tôi, anh cũng thương và lo cho Quỳnh lắm. Sau này, Quỳnh với Vũ sống với nhau rồi, khi vào Sài Gòn, anh có nói với tôi “Thôi cũng mừng cho chúng nó… Thế mà cũng được”, bà Đông Mai nhớ lại.
Vũ từng nói với Quỳnh, đại ý, ngày xưa anh như cái giẻ rách, có ai nhặt đâu mà Quỳnh nhặt. Cho nên, trong bài, Vũ viết “Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài/ Chỉ một người ở lại với anh thôi/ Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi/ Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới…/ Khi những điều giả dối vây quanh/ Bàn tay ấy chở che và gìn giữ/ Biết ơn em, em từ miền gió cát/ Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng/ Anh thành người có ích cũng nhờ em/ Anh biết sống vững vàng không sợ hãi…” là vì thế.
Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Ảnh tư liệu. |
Về tin đồn rạn nứt trong chuyện tình cảm của em gái, bà Đông Mai nói thêm: “Tôi có nghe đồn cô này thích Vũ, Vũ có cảm tình với cô kia. Tôi cũng chả hiểu Quỳnh nói với Vũ điều đó hay ai nói với Vũ mà sau đó, Vũ có viết cho tôi một lá thư đến giờ tôi vẫn còn giữ. Vũ nói, chị ơi, người ta đồn như thế nhưng chúng em đang sống rất hạnh phúc, đang vun đắp gia đình”.
Bà Đông Mai chia sẻ: “Đúng là Lưu Quang Vũ được nhiều người thích nhưng Vũ cũng ý thức được Vũ không thể nào xa được Quỳnh. Khi đọc bài gần như là cuối cùng của Vũ “Thơ viết cho Quỳnh viết trên máy bay”, rõ ràng đó là tình cảm chân thật của Vũ. Khi Quỳnh bị bệnh tim phải nhập viện, tôi ra thăm em, Quỳnh còn khoe với tôi Vũ vừa tặng Quỳnh bài thơ này, rồi đọc cho tôi nghe với vẻ mặt rạng rỡ hạnh phúc”.
Trong buổi trò chuyện bà Đông Mai cũng kể, khi mẹ mất, bố đi bước nữa, Xuân Quỳnh còn nhỏ nên được về ở với bà, được bà che chở. Bà thương cháu nhưng cũng tằn tiện, chỉ ăn rau hái bờ ruộng.
Hôm nào sang lắm thì có đậu phụ. Bà Đông Mai lớn hơn nên được ở với bố và dì để phụ nấu cơm, làm việc nhà và vẫn được học hành. Còn Xuân Quỳnh chỉ được học hết tiểu học rồi vào văn công. Quỳnh đi học từ làng ra Hà Đông là 3km, đi chân đất đội nón mưa nắng đi về mỗi ngày.
Nữ sĩ Xuân Quỳnh thời trẻ. Ảnh tư liệu. |
Khi trở thành cô giáo dạy văn, bà Đông Mai thường mang sách văn học về cho em gái đọc, bởi vậy Xuân Quỳnh am hiểu văn học và văn chương.
Quãng đời làm văn công là quãng đời hạnh phúc của Xuân Quỳnh, được đi đây đi đó, có rất nhiều người yêu mến và theo đuổi, chỉ có nỗi buồn là nhớ nhà. Nhớ nhà nhưng thực ra là hai chị em làm gì có nhà đúng nghĩa, cứ đến giao thừa là hai người lại ngồi ôm nhau khóc.
“Sau này khi Vũ nổi tiếng rồi, gia cảnh cũng có khá hơn nhưng không hẳn sung túc vì nhuận bút thời đó không được như bây giờ. Về cuối đời, vợ chồng Vũ - Quỳnh có được phân một căn phòng ở Ngọc Khánh, Quỳnh vui lắm, bảo em nhất định phải mua một cái giường, lâu lắm rồi không được nằm giường vì nhà ở phố Huế chỉ nằm đất. Nhưng chưa kịp nằm giường thì gặp tai nạn. Vậy là cả cuộc đời lấy Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh chưa bao giờ được ngủ trên một chiếc giường”, bà Đông Mai kể.
Từ khi người em gái qua đời, bà Đông Mai như một người mộng du, không biết mình đang đi đâu, làm gì. Đối với bà, chồng có thể bỏ chứ em gái thì không, vậy mà người thân thiết nhất trên đời đã ra đi, bà đã nén đau thương để viết cuốn sách “Xuân Quỳnh - Một nửa cuộc đời tôi”.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, bà Đông Mai và con trai riêng của nữ sĩ Xuân Quỳnh. |
Những người bạn và những người yêu mến hai tâm hồn thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ đến dự buổi trò chuyện với bà Đông Mai. |
Trong đó, có đoạn bà viết: “Trời đày em xuống trần gian để sống cho người khác, như người trồng cây, cây đơm hoa kết trái thì Trời gọi em về, để lại cho đời hoa thơm và trái ngọt. Còn tôi, trời đã trừng phạt tôi, cho tôi sống để tôi phải chứng kiến cái chết và nhìn nắm xương tàn của Quỳnh!
Quỳnh đã ra đi thật rồi! Người tôi thương nhất, người hiểu tôi nhất chẳng còn thì cuộc sống của tôi từ nay còn ý nghĩa gì? Người ta bảo thời gian sẽ chữa lành các vết thương lòng, nhưng với tôi, thời gian chỉ làm cho vết thương càng thêm rỉ máu. Bởi vì Xuân Quỳnh đã là một nửa cuộc đời tôi”.
Theo Dân trí
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ kể áp lực là con trai Cục trưởng Cục Điện ảnh
Đạo diễn sinh năm 1989 lần đầu nói về những áp lực và tin đồn khiến anh sốc thời điểm làm phim khi mẹ còn làm Cục trưởng Cục Điện ảnh.