- Tranh luận về khẩu hiệu "Tiên học lễ..." đang nổi lên hai xu hướng: Bỏ hay không bỏ? Nếu bỏ chữ “lễ” và trọng chữ “văn” liệu có nên chăng? Nếu giữ nguyên cũng cần suy ngẫm cho hay, cho đúng, cho sâu về câu nói này để nó phát huy đúng những giá trị vẫn còn đang tiềm tàng. Còn nếu bỏ thì liệu sẽ có ngày “Trước bỏ lễ, hậu bỏ văn”?

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Không thể học xong “lễ” mới học “văn”

Ý kiến tham gia diễn đàn dường như đang quá câu nệ chữ nghĩa, lao vào bênh vực hay phản biện một câu nói như muôn vàn những câu nói khác mà quên đi nhiều vấn đề đáng quan tâm hơn rất nhiều.

Ảnh có tính chất minh họa

Chúng ta có phải đang soi xét quá chữ “ lễ” và chữ “văn” trong câu nói "Tiên học lễ, hậu học văn"? Theo tôi, có trước ắt phải có sau. Có “tiên” ắt sẽ có “hậu”. Và một con người chân chính ắt sẽ phải hội tụ cả “lễ” và “văn”. Như vậy, muốn là một người chân chính, ắt sẽ phải trau dồi cả lễ nghĩa và văn hóa.

Vậy thì chữ “tiên” và “hậu” muốn nhắc nhở ta điều gì? Đó là muốn con người ta sống tôn trọng, hòa nhã trong cư xử với mọi người, sống biết mình biết người. Sống hướng thiện và xa ác. Đó là điều quan trọng nhất để con người ta tồn tại trong xã hội từ ngàn đời nay.

Muốn “có danh gì với núi sông”- con người ta sẽ cố trau dồi thêm chữ “văn”. Đây là quá trình hoàn thiện bản thân. Tự khắc khi học chữ “lễ”, chữ “văn” sẽ vận vào mình và ngược lại. Đây là mối quan hệ qua lại và không tách biệt. Không thể học xong chữ “lễ” mới học chữ “văn”.

Từ “Tiên học lễ, hậu học văn”, bàn về một sự thật đáng lo của một nền giáo dục dân chủ…Vấn đề đáng lo ngại hiện nay đó là sức hút đầy ma lực của đồng tiền và danh vọng. Tiền tri phối quá nhiều suy nghĩ và hành động của mọi người trong cuộc sống. Danh vọng càng làm lu mờ lí trí của con người...

Hệ quả?

Tại sao các bạn học sinh hiện nay xa rời với ban khoa học xã hội? Một câu hỏi đang chờ một lời giải đáp.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT về hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm có trên 1,8 triệu nhưng, lượng hồ sơ dự thi khối C chỉ chiếm tỷ lệ 6,2% (trên 84.000 hồ sơ đăng ký). Năm 2011, tỷ lệ hồ sơ thi khối C chỉ chiếm 6,0%. Ở nhiều trường THPT số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ khối C chỉ đếm trên đầu ngón tay - đây là con số đáng suy ngẫm.

Những nhà giáo dục học lí giải hiện trạng trên một phần là do vốn kiến thức xã hội hạn hẹp cho nên học sinh không đủ tự tin theo học những ngành xã hội. Điều đó là đúng bởi ngày nay khi đang sống trong guồng quay hối hả của cuộc sống, khi nền văn minh công nghệ cao ngày càng phát triển, đã khiến con người ta sống gấp gáp hơn, đã thiếu đi những khoảng lặng, những phút nhìn lại mình. Nhưng nguyên nhân quan trọng có tác động trực tiếp đến các bạn học sinh khi quay đầu lại với khối C. Khối C có quá ít trường và ngành để lựa chọn. Và sau khi học xong cũng có quá ít chỗ xin việc và tiền lại càng ít.

Thiếu nhân tài liên quan đến những ngành xã hội, thừa những người học những ngành như tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin,… để rồi lại thừa và thiếu lao động, lại mất cân bằng trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Đời sống tâm hồn của con người nghiêng về máy móc và công nghê hơn là đời sống nội tâm, tình cảm.

Ta dễ dàng nhận thấy, Ban xã hội là một nửa nền văn hóa bên cạnh Ban tự nhiên. Vậy mà chỉ có hơn 6% thí sinh đăng kí dự thi vào những ngành xã hội. Một con số biết nói va đang rung lên những hồi chuông báo động.

Giải pháp

Trước mắt, cần xây dựng những giải pháp lâu dài. Đó là nâng cao nhận thức về những môn khoa học xã hội. Trang bị cho học sinh vốn hiểu biết sâu sắc về cuộc sống. Cần đổi mới trong phương pháp giảng dạy, tránh cách học nhàm chán, gây mất hứng thú. Nên tổ chức giao lưu, học nhóm và trao đổi trong các bài học, tránh tình trạng thầy đọc trò chép.

Rộng hơn một chút, các nhà trường từ tiểu học đến THPT cần xây dựng mô hình lớp học ban khoa học xã hội nhằm bồi dưỡng những học sinh có năng lực cao hơn, hoàn chỉnh hơn. Nên xây dựng những câu lạc bộ liên quan đến những môn Văn, Sử, Địa, những cuộc thi liên quan đến kiến thức xã hội để thu hút học sinh tham gia.

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hợp lí đối với những sinh viên tốt nghiệp những ngành xã hội. Những công ty nhà nước cần mở rộng cửa tuyển cho sinh viên tốt nghiệp. Những học sinh học khối C cũng cần được ưu tiên hơn như giảm học phí, cho vay vốn…

Song song, nên có chiến lược xây dựng môi trường giáo dục ĐH, CĐ đồng đều hơn giữa các khối. Học sinh không lựa chon theo học khối C một nguyên nhân không thể phủ nhận, đó là thiếu trường, thiếu ngành. Vậy thì nên đầu tư hơn vào những trường tuyển sinh khối C để học sinh có thêm những sự lựa chọn...

Giải pháp khác là nên hạ mức điểm chuẩn của các ngành khối C xuống một chút nhằm thu hút học sinh. Một phần học sinh “sợ” khối C là do điểm chuẩn khối C có phần hơi cao. Những ngành như Luật, Báo chí… vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều bạn có mong ước theo học.

Cuối cùng, nên đổi mới hơn trong hướng ra đề. Nên nghiêng về việc ra đề mở và học sinh có thể suy luận và làm được, tránh những câu hỏi đánh đố. Phần đáp án cũng cần linh hoạt hơn, tránh tình trạng cứ phải áp nguyên đáp án và cho điểm, học sinh không phải là cái máy nên khó lòng làm theo y nguyên đáp án.

Và, ngày đó sẽ không xa…

  • Bạn đọc Nhật Linh (Yên Bái)