Tại Trường Tiểu học An Lư (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), sau khi thực hiện bước tìm, đếm số hình và ghép số, học sinh lớp 1 lên bảng chia sẻ về bài của mình. Các em còn yêu cầu các bạn trong lớp nhận xét về bài làm của mình.

Cô Lê Thị Thảo (giáo viên Trường Tiểu học An Lư) cho hay, theo chương trình phổ thông mới, các hoạt động này được cô tổ chức cho học sinh thực hiện thường xuyên trong lớp. Mục tiêu chính của bài học là để học sinh nhận biết, ôn lại các hình học phẳng. Nhưng khác với thường lệ cô hỏi trò đáp, cô Thảo đã xây dựng bài học theo trò chơi.

“Ở tiết học đó, tôi đã thay thế việc cho trẻ ngồi làm bài tập bằng hình thức tổ chức trò chơi. Bởi trẻ lớp 1 rất thích những hoạt động trò chơi và cần tạo hứng thú học tập. Tôi tổ chức hoạt động này nhằm giúp các học sinh không chỉ nắm được kiến thức mà còn tự tin, tự chủ trong các hoạt động, thể hiện được năng lực cũng như cá tính của bản thân”.

Cô Thảo cho hay, hoạt động này đã được cô cũng như các giáo viên của Trường Tiểu học An Lư linh hoạt “thay thế” so với sách giáo khoa cho phù hợp với đặc điểm của từng lớp.

Bởi hoạt động này thực tế cũng không có trong sách giáo khoa. Cô Thảo cho hay đó là một điểm tích cực của chương trình phổ thông mới khi trao quyền tự chủ cho giáo viên và sách giáo khoa chỉ là một tài liệu để tham khảo.

“Trong sách giáo khoa đang dạy thì đó là một bài tập (yêu cầu học sinh quan sát và tìm hình). Thay vì để học sinh ngồi quan sát và tìm trong sách, tôi đã thay thế bằng hoạt động trò chơi. Với học sinh mới vào lớp 1 khoảng 2 tháng thì hoạt động trò chơi là hoạt động mà có thể kích thích sự hứng thú, vui vẻ trong học tập của các em”, cô Thảo nói.

{keywords}
Học sinh Trường Tiểu học An Lư (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) hào hứng trong một giờ học ở chương trình phổ thông mới. Ảnh: Thanh Hùng

Theo cô Thảo, điểm khác biệt thấy rõ là sự tương tác giữa học sinh và giáo viên, giữa chính các học sinh với nhau. 

“Tôi cảm giác các học sinh khi tham gia các hoạt động này thì năng động và tích cực hơn trong quá trình học tập”, cô Thảo nói.

Để có những tiết học như thế, cô Thảo phải tham khảo thêm các kênh tài liệu, thậm chí cả về công nghệ thông tin. 

Cô Đào Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lư cho rằng, khi vận dụng chương trình mới, ban lãnh đạo nhà trường cũng phải rất linh hoạt.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các tổ khối bộ môn, đặc biệt giáo viên khối lớp 1 xây dựng chương trình dạy học của 35 tuần, trong đó chủ được động điều chỉnh, sao cho phù hợp với đặc điểm của nhà trường, địa phương mà vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung chương trình trong năm học”, cô Tuyết chia sẻ. 

Cơ hội để giáo viên được thể hiện khả năng

Cũng ở bài học này, ở Trường Tiểu học Ngọc Sơn (quận Kiến An, TP Hải Phòng), cô Vũ Thanh Phương lại chọn cách tổ chức cho các học sinh học thông qua chơi trò chơi “Tiếp sức”. 

Trong trò chơi này, cô Phương đặt những mẫu hình (tròn, vuông, chữ nhật, tam giác) hỗn độn trên bảng và chia lớp học thành 2 đội. Ở mỗi lượt chơi, học sinh của 2 dãy sẽ liên tục thay phiên nhau chạy lên phía bảng để nhận biết và tìm hình theo yêu cầu của giáo viên. Kết thúc nhóm nào cài được nhiều hình đúng và nhanh hơn sẽ giành chiến thắng.

Theo cô Phương, trò chơi này giúp trẻ nhận diện và củng cố lại về các hình đã được học gồm vuông, tròn, tam giác, chữ nhật, rèn cho học sinh phản xạ quan sát nhanh đối với các hình. Ngoài ra còn cho các em biết cách chia sẻ, giúp đỡ, tinh thần đoàn kết, đồng đội để giải quyết vấn đề, giúp nhóm của mình đạt kết quả tốt trong trò chơi.

Cô Phương cho hay, trong chương trình trước đây, mỗi hình sẽ được học trong một bài. Nhưng trong chương trình phổ thông mới này, trẻ sẽ được học nhiều hình trong một bài. Do đó, cần có trò chơi để hấp dẫn, lôi cuốn các học sinh hơn.

Vì thế, theo cô Phương, vai trò của mình giờ đây như là “một học sinh lớn” - là người khơi gợi cảm hứng cho học sinh tìm ra kiến thức và giúp các em tự tin thể hiện mình, biết chia sẻ, phối hợp với các bạn và giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ bài học.

{keywords}
Giờ học Toán sôi động của các học sinh Trường Tiểu học Ngọc Sơn, quận Kiến An, TP Hải Phòng. Ảnh: Thanh Hùng

Cô Phương cho hay, độ "mở" của chương trình mới giúp các giáo viên ngày nào cũng có thể tổ chức cho học sinh các hoạt động, trò chơi để tạo hứng khởi hơn với bài học. Mặt khác cũng cho giáo viên được sáng tạo, linh hoạt để tìm ra những cách thức để hướng dẫn học sinh học tập tốt hơn.

Song, cô Phương cũng thừa nhận, giáo viên cũng phải đầu tư thêm thời gian và tâm huyết nếu muốn học sinh của mình tiến bộ.

“Đòi hỏi giáo viên phải có sự đầu tư thêm thời gian nghiên cứu. Phải thật sự vào cuộc thì mới làm được và đòi hỏi chính chúng tôi phải nỗ lực và sáng tạo”, cô Phương nói.

{keywords}
Ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng. Ảnh: Thanh Hùng

Ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng cho hay, sau gần 2 tháng triển khai theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, nhận thấy các học sinh tự tin hơn, nhanh nhẹn và tiếp thu kiến thức cũng rất tốt.

“Hiện nay, một bộ phận phụ huynh học sinh băn khăn, lo lắng khi thực hiện chương trình phổ thông mới liệu rằng có thể đồng hành được với các con không. Thực ra đây là tâm lý chung và cũng hết sức bình thường. Tuy nhiên, phụ huynh cần yên tâm rằng hoàn toàn có thể đồng hành được với các con khi chương trình phổ thông mới theo hướng giảm tính hàn lâm và tăng tính thực hành. Chúng tôi cũng chỉ đạo làm sao để học sinh được phát biểu ý kiến và được thực hành nhiều, tránh lối dạy học một chiều như trước đây là cô đọc, trò chép. Hiện, qua đánh giá, các học sinh lớp 1 tiếp thu rất tốt, nhanh nhẹn, tự tin hơn. Đặc biệt sự giao tiếp, tương tác với các bạn được đánh giá rất tốt”, ông Trà nói.

Thanh Hùng

Bộ GD-ĐT lý giải về việc thực nghiệm sách giáo khoa mới

Bộ GD-ĐT lý giải về việc thực nghiệm sách giáo khoa mới

'Trước đây, các nhà xuất bản phối hợp với tác giả đi thực nghiệm. Nhưng tới đây sẽ có sự tham gia của Bộ GD-ĐT trong việc phối hợp chỉ đạo cùng các nhà xuất bản thì sẽ hiệu quả hơn' - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay.