- Cùng nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhưng có trường huy động được phòng máy tính, sân thể chất, nhà vệ sinh; có trường chỉ có thể vận động gia đình đóng góp vài cân gạo mỗi tháng để bữa cơm của các con có thêm miếng thịt.

Nhà vệ sinh ‘selfie'

{keywords}
Dàn chậu hoa ấn tượng được bố trí ở khu vực rửa tay của nhà vệ sinh Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Đông Triều, Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thảo

“Nếu có ai hỏi về điểm ấn tượng nhất của trường, học sinh của chúng tôi sẽ khoe nhà vệ sinh, chứ không khoe thành tích” – cô Cao Thị Kim Thoa, phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Đông Triều, Quảng Ninh) cười chia sẻ.

Nhà vệ sinh mà cô Thoa nói đến là công trình được xây lại trên nền nhà vệ sinh cũ từ năm 2017.

Điểm nhấn của công trình vệ sinh này là dàn chậu cây xanh được bố trí bên ngoài khu vực rửa tay. Không gian của khu vệ sinh khiến người ta liên tưởng đến những quán cà phê xinh xắn.

Nhưng có lẽ điểm gây ấn tượng khiến tất cả học sinh ngôi trường này tự hào nhất về công trình vệ sinh là mỗi khi có người bước chân vào phía cửa, đèn sẽ tự động bật và nhạc tự động nổi lên.

“Nhà vệ sinh mới của trường mình có thể được đánh giá 5 sao” – nhiều học sinh đã ví von như vậy.

Cô Thoa cho biết, trước kia, khu vệ sinh này rất xuống cấp, nặng mùi, học sinh sợ không dám đi vào. Bây giờ thì khác, trong khi đi vệ sinh, các em tha hồ “selfie”, ngắm vuốt, nghe nhạc thay vì nhanh nhanh chóng chóng cho xong để thoát khỏi khu vực này.

“Hệ thống đã xây quá lâu, từ năm 1993 đến giờ. Nếu không cải thiện thì các em không sử dụng được. Chính vì thế, nhà trường đã mạnh dạn kêu gọi phụ huynh, doanh nghiệp, các cựu học sinh thành đạt cùng chung tay” – cô hiệu phó cho biết.

Khu nhà vệ sinh này được xây mới với tổng kinh phí khoảng hơn 300 triệu, trong đó phụ huynh đóng góp được 300 triệu, còn lại là phần của doanh nghiệp và cựu học sinh.

Chung tay xây bể bơi, điều hoà, sân cỏ      

{keywords}
Sân cỏ nhân tạo của Trường THCS Hồng Thái Tây (Đông Triều, Quảng Ninh) thu hút học sinh mỗi giờ giải lao. Ảnh: Nguyễn Thảo

Chia sẻ về công tác xã hội hoá giáo dục, bà Lê Thu Trà – Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Đông Triều cho biết, về điều kiện kinh tế - xã hội, Đông Triều không phải là địa phương có nhiều thuận lợi như Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này, trước tiên phải làm đúng theo quy định và phải được sự đồng thuận của phụ huynh và người dân.

“Trên địa bàn Đông Triều từ trước tới nay có 2 nội dung xã hội hoá. Thứ nhất là xã hội hoá cho công tác bán trú để các em có bếp ăn, khu nghỉ trưa tốt hơn. Thứ hai là những năm gần đây, Đông Triều cũng là địa phương tiên phong trong việc kêu gọi ủng hộ giáo dục bằng các chương trình như “Bể bơi cho em”, “Điều hoà cho em”, “Sân cỏ nhân tạo cho em” – bà Trà cho biết.

Đến nay, toàn bộ 21 xã, phương trên địa bàn thị xã đều đã có bể bơi lắp ghép di động trị giá khoảng 350 triệu đồng/ bể, 80% học sinh biết bơi. 50% trường mầm non và 40% trường tiểu học được lắp đặt điều hoà.

{keywords}
Học sinh Trường THCS Hồng Thái Tây tha hồ chơi đá bóng, đuổi bắt, nô đùa ở sân cỏ nhân tạo. Ảnh: Nguyễn Thảo

Năm 2018, ngân sách thị xã đã cấp hơn 5 tỷ cho các địa phương cộng với nguồn xã hội hoá để xây sân cỏ nhân tạo. Đến nay, Đông Triều đã hoàn thiện được 7 sân, còn hơn 10 sân nữa từ nay đến hết học kỳ 1 sẽ hoàn thành.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Thái Tây chia sẻ: “Từ khi có sân thể chất, các con rất phấn khởi. Giờ ra chơi không đủ thời gian chơi đá bóng, các con cũng chạy vào đó nô đùa. Còn sau 16 giờ 30 trở đi được vào sân đá bóng thì hầu như ngày nào cũng kín sân”.

Cách Đông Triều 80 km, Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) cũng là ngôi trường được đánh giá là làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục.

Vào một buổi chiều mưa tầm tã, ở sân thể chất có mái che của trường vẫn đang có 2 nhóm học sinh hăng say tập cầu lông. Giáo viên dạy thể chất của trường cho biết, các em đang tập cho một cuộc thi và mới sử dụng sân được 2 ngày.

Sau vòng 6 năm, Trường Tiểu học Lê Lợi xã hội hoá được gần 900 triệu để chi cho việc sơn sửa lại dãy nhà 8 phòng học, làm lại khuôn viên trường, làm phòng thư viện, phòng vi tính, xây sân thể chất, nhà ăn… Toàn bộ số tiền này là do doanh nghiệp trên địa bàn huyện đóng góp, ủng hộ.

Trong lễ khai giảng năm nay, đại diện 3 doanh nghiệp sẽ bàn giao sân thể chất trị giá 380 triệu cho trường.

Trong năm học này, Tiểu học Lê Lợi thực hiện sáp nhập điểm lẻ ở thôn Đè E về điểm trường Yên Mỹ. Dự kiến trong học kỳ 1, tại điểm Yên Mỹ sẽ xây thêm một dãy nhà học 2 tầng gồm 6 phòng học, 1 phòng chờ giáo viên, 1 khu nhà đa năng, 1 nhà ăn. Kinh phí xây công trình này có 1,8 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp giáo dục và 1 tỷ xã hội hoá từ một doanh nghiệp cho huyện.

Chỉ xã hội hoá được vài cân gạo

{keywords}
Học sinh Trường Tiểu học Đông Ngũ 2 những ngày trước thềm năm học mới. Ảnh: Nguyễn Thảo

Giống như Hoành Bồ, Đông Triều, nhiều địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh có cơ hội để thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục nhờ sự phát triển của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với những trường vùng sâu vùng xa, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc huyện miền núi Tiên Yên thì xã hội hoá giáo dục là một câu chuyện khó.

Cô Nguyễn Mai Khanh – hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ngũ 2 – cho biết, có 2 thứ mà nhà trường xã hội hoá được ở đây, đó là kêu gọi phụ huynh ủng hộ sức lao động khi sửa sang lại khuôn viên trường. Thứ hai là vài cân gạo đóng góp hàng tháng cho trẻ ăn bán trú để số tiền 520 nghìn hỗ trợ của Nhà nước sẽ được giữ nguyên để mua thức ăn, mắm muối.

“Học sinh đến trường đã mừng lắm rồi”.

Mơ ước của cô Khanh là được xây thêm một nhà vệ sinh dành cho giáo viên. Hiện tại, cả giáo viên và học sinh đều đi chung một nhà vệ sinh có 6 phòng chia thành 2 khu nam, nữ. “Ở trường khác có thể làm được rồi, nhưng ở đây chỉ mong các cháu đi học, ăn no ngủ kỹ là mừng, phải đóng thêm tiền thì rất khó. Các nhà hảo tâm thường chỉ hỗ trợ quần áo, chăn màn, chứ cũng chưa có khoản nào lớn. Thiếu gì thì thiếu, chứ thiếu nhà vệ sinh thì thực sự buồn. Nhiều khi cô trò chào nhau trong nhà vệ sinh” – cô Khanh kể.

Chia sẻ về tình hình xã hội hoá giáo dục của các trường trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Văn Ty – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tiên Yên cho biết, do điều kiện kinh tế của huyện còn nhiều khó khăn nên công tác xã hội hoá rất hạn chế.

“Năm học trước một số trang báo đưa tin về tình trạng lạm thu của một số trường học ở đâu đó, nên ở đây nhân dân cứ nhìn thấy khoản thu nào thêm là người ta nói lạm thu. Đó cũng là một cái vướng cho chúng tôi. Chỉ cần xã hội hoá một chút thôi là người dân cũng ý kiến rồi” – vị trưởng phòng chia sẻ.

Xây dựng nhà vệ sinh trường học nói riêng và công tác xã hội hoá giáo dục nói chung là vấn đề được các lãnh đạo cấp trung ương đặc biệt quan tâm. Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã hiến kế cho các trường: Hãy lập một địa chỉ cụ thể để các trường chụp lại ảnh nhà vệ sinh của trường mình, gửi lên để toàn xã hội cùng thấy, cùng chung tay.

Phản hồi ý kiến của một lãnh đạo Sở, ông Đam cho rằng, Thông tư của Bộ GD-ĐT vô hình chung do quản lý không tốt đã chặn hết nguồn xã hội hóa một cách đúng đắn, biến thành cào bằng trên danh nghĩa hội phụ huynh. Như vậy là không đúng tính chất và gây bức xúc.

Hiện nay Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện Nghị định về cơ chế quản lý các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó sẽ giải quyết vấn đề: một mặt ngăn không cho lợi dụng danh nghĩa của tất cả mọi tổ chức cơ quan để “bổ” đầu người, bắt phụ huynh đóng một cách “tự nguyện”, mặt khác phải mở kênh để toàn xã hội tùy theo năng lực, tấm lòng của mình đóng góp cho giáo dục.

Nguyễn Thảo

Lạm thu tiền trường: "Cào bằng gây ra bức xúc"

Lạm thu tiền trường: "Cào bằng gây ra bức xúc"

Hiệu trưởng viết thư kêu gọi tài trợ số tiền lên đến trên 900 triệu đồng, lớp 1 cần khoảng 55 triệu đồng và chia đều cho mỗi phụ huynh đóng 1,3 triệu...Các hiện tượng lạm thu đầu năm đang gây bức xúc.

Hà Nội thay mới nhà vệ sinh, trồng 28.000 cây xanh trong trường

Hà Nội thay mới nhà vệ sinh, trồng 28.000 cây xanh trong trường

Năm học 2016-2017 các trường học trên địa bàn Hà Nội sẽ được đầu tư hệ thống nhà vệ sinh mới để giải quyết bài toán “học sinh không dám đi vệ sinh”.

Sợ nhà vệ sinh trường bẩn, con nhịn tiểu, nhịn luôn cả uống nước

Sợ nhà vệ sinh trường bẩn, con nhịn tiểu, nhịn luôn cả uống nước

Nhiều phụ huynh thực sự lo lắng trước thực tế con nhịn tiểu ở trường, thậm chí nhịn luôn cả uống nước chỉ bởi khiếp đảm nhà vệ sinh ở trường quá bẩn và hôi thối.

Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hà Nội lo nhà vệ sinh cho trẻ

Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hà Nội lo nhà vệ sinh cho trẻ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ thực tế ở nhiều trường, phòng hiệu trưởng rất sạch sẽ nhưng ngược lại nhà vệ sinh của các em học sinh bẩn kinh khủng.

"Nhà vệ sinh của cô giáo thơm lắm mẹ ạ!"

"Nhà vệ sinh của cô giáo thơm lắm mẹ ạ!"

Hậu họp phụ huynh cuối kì 1, chị Yến (Hà Nội) chưa hết ấm ức "Nhà vệ sinh bẩn của các con tồn tại nhiều năm nay...". Chị rất kỳ vọng nhà trường sẽ sớm giải quyết vấn đề nhà vệ sinh cho các con.