- Hậu họp phụ huynh cuối kì 1, chị Yến (Hà Nội) chưa hết ấm ức "Nhà vệ sinh bẩn của các con tồn tại nhiều năm nay...". Chị rất kỳ vọng nhà trường sẽ sớm giải quyết vấn đề nhà vệ sinh cho các con. 

{keywords}
Nhà vệ sinh sạch sẽ, khang trang là niềm mơ ước của nhiều học sinh Việt. Ảnh minh họa

Chị Yến kể lại, suốt buổi họp không một ai băn khoăn, thắc mắc về kết quả học tập của các con hay các khoản thu chi của quỹ phụ huynh - mà chủ đề chính khiến nhiều phụ huynh “nóng mặt” là nhà vệ sinh bẩn của các con đề cập mà chưa có cách giải quyết. 

Như các buổi họp phụ huynh khác, cô giáo thông báo tình hình học tập của các con, nhận xét thái độ học tập của các con trên lớp, rồi đến các khoản đóng góp. Sau đó, vị trưởng ban đại diện phụ huynh công bố các khoản thu chi quỹ phụ huynh.

Chị Yến cho biết, tổng chi trong một kỳ học lớp con chị vào khoảng hơn 20 triệu đồng, nhưng tất cả phụ huynh không ai thắc mắc một khoản nào. Tuy nhiên, câu chuyện trở nên căng thẳng và nóng rẫy khi các phụ huynh nhận được thông báo năm nay nhà trường thu thêm 15 nghìn tiền vệ sinh mỗi cháu trong một kỳ học.

“15 nghìn hay nhiều hơn nữa, phụ huynh cũng sẵn sàng đóng góp, nhưng vấn đề là tình trạng nhà vệ sinh bẩn thỉu, hỏng hóc đã tồn tại vài năm nay, phụ huynh đã góp ý nhiều nhưng vẫn không có gì thay đổi”. Chị kể, đi vệ sinh ở trường với các cháu bây giờ là “ác mộng”. Riêng con chị vì không dám đi vệ sinh ở trường nên nhịn “tè” suốt. “Bây giờ cháu mắc chứng không còn cảm giác buồn “tè” nữa và có thể “tè” dầm bất cứ lúc nào”.

Một phụ huynh khác thì kể, một lần bé nhà chị sau khi ăn trưa xong, vào nhà vệ sinh thì nôn hết ra vì mùi… kinh quá.

Anh Lâm – ông bố có con học cùng lớp con chị Yến cũng chia sẻ mỗi lần tan học, hỏi con có muốn đi ăn uống gì không thì con nhất quyết không la cà, mà đòi về nhà ngay. “Về đến nhà là con lao ngay vào nhà vệ sinh”.

“Cả trường có 2 nhà vệ sinh nam nữ riêng, mỗi bên có chục phòng, mà mỗi lần giờ ra chơi hoặc ăn trưa xong là các cháu đồng loạt ùa ra nhà vệ sinh thì không thể phục vụ kịp nhu cầu của gần 2.000 đứa trẻ. Chưa kể, có 10 phòng thì đến 3 phòng là hỏng hóc, không sử dụng được. Thậm chí nhà vệ sinh còn thường xuyên mất nước” – chị Yến kể.

Ngay hôm họp phụ huynh, một ông bố vừa dùng nhà vệ sinh nam của các cháu cho biết anh đã phải “bịt mũi” khi vào. “Thật kinh khủng khi bắt các cháu phải dùng những nhà vệ sinh bẩn thỉu này. Nhà vệ sinh thế này thì học hành còn ý nghĩa gì nữa” – ông bố này nhận xét.

Chị Yến và nhiều phụ huynh khác đều đồng tình rằng nếu nói cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, chật chội thì phụ huynh sẵn sàng thông cảm và chia sẻ, nhưng đến nhu cầu tối thiểu nhất là cái nhà vệ sinh sạch sẽ mà nhà trường không đảm bảo được thì thật khó chấp nhận. “Phụ huynh sẵn sàng đóng góp để nhà trường tu sửa, thuê người dọn dẹp nhà vệ sinh sạch sẽ để các con sử dụng” – bà mẹ này cho hay.

Nói đến chuyện lao công dọn dẹp, chị Yến còn cho biết, bé nhà chị về kể cô lao công rất khó tính, hay quát mắng các con, mỗi lần các con xin giấy đi vệ sinh thì tỏ ra khó chịu nên các con đã sợ nhà vệ sinh bẩn lại càng ngại không muốn đi vệ sinh hơn.

Trả lời thắc mắc của phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm chỉ nói “phụ huynh thông cảm với nhà trường, nhà vệ sinh dùng chung cũng không thể nào sạch sẽ như nhà vệ sinh gia đình được. Hơn nữa, các cháu còn nhỏ, nhiều cháu lại không có ý thức giữ gìn. Có cháu đi vệ sinh xong, nghịch ngợm còn nhét cả cuộn giấy vào bồn cầu. Có cháu còn trèo lên bồn cầu để ngó sang phòng bên trêu bạn… thì chuyện hỏng hóc là điều tất nhiên. Còn chuyện giấy vệ sinh có thể do lý do này kia các cháu không dám xin thì cô giáo đã mua sẵn giấy để trong ngăn kéo bàn nhưng có thể nhiều bạn chưa biết”.

Nhiều phụ huynh cho hay họ cũng hiểu được sự hiếu động của trẻ con. Tuy nhiên, chị Yến lại thấy có phần hụt hẫng bấy nhiêu khi một lần con rỉ tai mẹ: “Mẹ ơi, hôm trước con đi trộm nhà vệ sinh của cô giáo. Nhà vệ sinh của cô thơm lắm, sạch lắm mẹ ạ!”

Dù biết nhà trường có nhiều cái khó riêng, nhưng chị Yến và nhiều phụ huynh khác rất kỳ vọng nhà trường sẽ sớm giải quyết vấn đề nhà vệ sinh cho các con. Với những chỗ hỏng hóc thì sửa ngay và thuê người thường xuyên dọn dẹp để các con không còn sợ hãi khi nghĩ đến nhà vệ sinh và để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

  • Nguyễn Thảo

Xem thêm: