- Thống kê của Hội đồng chức danh GS nhà nước (HĐCDGSNN) cho thấy, 278 ứng viên trong tổng số 703 tân GS, PGS năm 2016 có công bố khoa học quốc tế.

Số lượng công bố khoa học quốc tế của các GS, PGS năm nay là 2.431 bài báo (thuộc hệ thống ISI và Scopus), chiếm chưa tới 10% tổng số bài báo khoa học được tính điểm xét tiêu chuẩn của các GS, PGS năm nay (24.446 bài).

Theo GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước, đây là năm đầu tiên HĐCDGSNN có thống kê số lượng công bố quốc tế ISI, Scopus của 28 Hội đồng chức danh GS ngành/liên ngành.

{keywords}
Chỉ chưa tới 40% số GS, PGS năm 2016 có công bố khoa học quốc tế. Ảnh: Lê Văn.

Theo đó, có 2 trên 28 hội đồng ngành có 100% ứng viên GS và PGS có bài báo ISI, Scopus là ngành Cơ học và ngành Vật lý.

Ngành Cơ học năm nay có 1 GS và 4 PGS còn ngành Vật lí năm nay có 5 GS và 18 PGS.

Trong khi đó, có 4 hội đồng ngành, 100% ứng viên PGS có bài báo ISI, Scopus là ngành Cơ học, CN thông tin, Toán học và Vật lý.

Có 10 hội đồng ngành, 100% ứng viên GS có bài báo ISI, Scopus: Chăn nuôi-Thú y-Thủy sản, Cơ học, Điện-Điện tử-Tự động hóa, Hóa học-Công nghệ thực phẩm,Khoa học trái đất-Mỏ, Luyện kim, Nông nghiệp-Lâm nghiệp, Sinh học, Sử học-Khảo cổ học-Dân tộc học và Vật lý.

Có 4 trên 28 hội đồng ngành không có công bố quốc tế là Khoa học An ninh, Khoa học quân sự, Văn học và Văn hóa-Nghệ thuật-Thể dục thể thao.

Cũng theo thống kê của HĐCDGSNN, năm nay GS trẻ nhất là TS Trần Đình Thắng, ngành Hóa học, Trường ĐH Vinh có 75 bài báo quốc tế SCI và SCIE và tham gia biên tập hai tạp chí quốc tế có uy tín.

GS Sử học Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQGHN cũng có 10 công bố quốc tế, trong đó có 4 bài ISI và Scopus.

PGS trẻ nhất năm 2016, TS Trần Xuân Bách năm nay 32 tuổi, công tác tại Trường ĐH Y Hà Nội có 50 bài báo quốc tế SCI, SCIE, SSCI và Scoupus, chỉ số H=22. TS Bách cũng đồng thời tham gia biên tập 2 tạp chí quốc tế có uy tín.

GS được xét đặc cách năm nay là TS Đào Văn Lập, Trường Đại học Công nghệ Swinburne, Úc, ngành Vật lý cũng có tới 110 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

GS Trần Văn Nhung cũng cho rằng, khi thống kê các bài báo quốc tế, chúng ta còn cần phải lưu ý đến đặc thù các ngành và quan tâm đến số tác giả của bài báo và đóng góp của đồng tác giả trong bài báo.

Trong các ngành KHXH – NV, sách chuyên khảo được xem trọng hơn bài báo khoa học. Còn trong KHTN-CN thì ngược lại. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế thì sách chuyên khảo có giá trị cũng đều được viết ra từ các bài báo khoa học (trong nước và quốc tế) có giá trị.

Trong một số ngành, ví dụ Toán học, có thể một GS, PGS không viết thật nhiều bài báo ISI, Scopus, nhưng hầu hết các bài báo đều chỉ một hay hai tác giả. Nhưng có ngành, do đặc thù nghiên cứu nhóm và thực nghiệm, có bài báo có đến 5, 10, 20 hoặc nhiều hơn nữa đồng tác giả.

"Việc xem xét, đánh giá cụ thể thuộc về các HĐCDGS ngành/liên ngành. Thực tế những năm qua cho thấy vai trò thẩm định, sàng lọc khoa học của các HĐCDGS ngành/liên ngành là rất quan trọng và cần thiết" - GS Nhung lưu ý.

Chất lượng khoa học của các tạp chí Việt Nam còn thấp

GS Trần Văn Nhung cho biết, trong số 356 tạp chí khoa học của cả nước được HĐCDGSNN xem xét, tính điểm các bài báo hiện nay, mới chỉ có 1 tạp chí ISI và 2 Scopus của Viện Hàn lâm KH&CNVN và Hội Toán học Việt Nam. Chưa có một trường đại học nào của nước ta có tạp chí khoa học riêng của mình (hoặc phối hợp đại học) được kể đến trong ISI hoặc Scopus.

Trong tổng số 356 tạp chí, mới chỉ có 6,7% bằng tiếng Anh. Hai tạp chí khoa học của trường ĐHKTQD và ĐHKT TPHCM đã được xếp vào Danh mục trích dẫn ASEAN (ACI, Asean Citation Index).

{keywords}
GS Trần Văn Nhung cho rằng, chất lượng của các tạp chí khoa học trong nước còn thấp. Ảnh: Lê Văn.

"Nhìn chung, chất lượng khoa học của các tạp chí Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới" - GS Nhung khẳng định.

GS Nhung cũng cho biết, tới đây, HĐCDGSNN sẽ sớm xây dựng VCI (Vietnam Citation Index) để có cơ sở khoa học chính xác đánh giá, xếp loại và tính điểm các bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí Việt Nam.

"Cần phải rất nghiêm túc và quyết liệt trong việc này thì mới hy vọng bước đầu có được một ít tạp chí khoa học của Việt Nam có chất lượng, góp phần phát triển khoa học, giáo dục và kinh tế nước nhà, được khu vực và thế giới tôn trọng, trích dẫn" - GS Nhung nói.

GS Nhung cũng cho rằng, cần củng cố và xuất bản thêm báo, tạp chí khoa học, sách và các tài liệu tuyên truyền đại chúng bằng các thứ tiếng quốc tế, đặc biệt là tiếng Anh, để thông tin và trao đổi với thế giới, nhất là trong các lĩnh vực KHXH-NV, vì nó có vai trò rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.

"Thử hỏi trong những thời khắc thử thách khốc liệt trên Biển Đông, chúng ta đã có được bao nhiêu bài báo khoa học và bao nhiêu bài viết, bài nói đại chúng bằng tiếng Anh trên các diễn đàn khu vực và quốc tế để bảo vệ chân lý và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia?" - GS Nhung nêu câu hỏi.

Các gia đình GS, PGS của năm 2016

+ Chồng là tân GS Trần Quốc Thành và vợ là tân PGS Dương Hải Hưng người dân tộc Nùng, cả hai đều thuộc ngành Tâm lý học và cùng là giảng viên Trường ĐHSP HN.

+ Hai anh em ruột đều là tân PGS, Nguyễn Đăng Hào và em gái là Nguyễn Thị Minh Hà, cả hai đều thuộc ngành Kinh tế và giảng viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế.

+ Chồng là tân PGS Nguyễn Hoàng Giang, ngành Xây dựng, Trường ĐH Xây dựng, và vợ là tân PGS Vũ Thu Trang, ngành Công nghệ Thực phẩm, Trường ĐHBKHN.

+ Chồng là tân PGS Thái Minh Sâm và vợ là PGS Lê Anh Thư, cả hai đều là bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.

+ Tân PGS Nguyễn Thanh Hải ngành Nông nghiệp, giảng viên Học viện Nông nghiệp VN, là con của NGƯT Nguyễn Văn Thanh và NGƯT Bùi Thị Tho, cả hai đều được bổ nhiệm PGS năm 2007 ngành Thú y.

Lê Văn

Xem thêm