PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trao đổi với VietNamNet về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD-ĐT vừa đưa ra để tham khảo ý kiến công luận.

Yếu tố chất lượng phải đặt lên hàng đầu

Ông đánh giá như thế nào về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD-ĐT ban hành?

Chương trình có nhiều điểm mới như về phẩm chất là yêu đất nước so với trước đây là lòng nhân ái. Có điểm chưa rõ ràng như phẩm chất chăm học, chăm làm - đây là hai khái niệm có ý nghĩa về mặt thời gian, không có ý nghĩa tích cực về công việc. Nếu chăm học nhưng kết quả không tốt, chăm làm nhưng không hiệu quả thì sao? Vì vậy phải diễn đạt để người học hiểu là phải học tốt, làm việc tốt thay vì “chăm”.

{keywords}
Ông Nguyễn Kim Hồng

Ở phần năng lực cốt lõi có nhiều điểm trình bày rõ hơn so với trước đây như giao tiếp hợp tác, giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo. 

Về năng lực chuyên biệt là công nghệ thông tin phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0…

Nhưng có một điều, tôi cho rằng, nếu đội ngũ biên soạn chương trình có sự tham gia của giáo viên phổ thông thì sẽ tốt hơn.

Về việc lấy ý kiến, cần thiết nhất hiện tại là ý kiến của những người trong cuộc, đó là giáo viên đã sẵn sàng cho đổi mới chưa? Ý kiến của học sinh, những người trực tiếp thực hiện chương trình này như thế nào? Chương trình như vậy nặng hay nhẹ? Chương trình này có thử nghiệm trước khi áp dụng rộng rãi không?Tất cả cần sự chung tay đóng góp của mọi người.

Có nhiều ý kiến cho rằng các môn ở tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể khá nặng so với lứa tuổi. Ý kiến của ông thế nào?

- Tôi lại thấy không vấn đề gì. Chương trình tiểu học hiện tại và chương trình tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể không khác nhau nhiều. Điều tôi quan tâm là việc học hai buổi được triển khai như thế nào trong điều kiện cơ sở vật chất hiện nay. 

"Ngoài Pisa - đánh giá học sinh tiểu học - đang được công khai, thì cả hệ thống giáo dục từ mầm non tới đại học cũng cần được đánh giá công khai. Điều này sẽ giúp chúng ta sửa chữa thiếu sót, đánh giá chương trình có phù hợp trong tương lai không".

Như chúng ta thấy, trong chương trình giáo dục tổng thể vừa công bố, trung bình học sinh tiểu học học 31 tiết/ tuần, có nghĩa chương trình này hướng tới việc học hai buổi/ ngày. Tôi được biết hiện nay tổng số học sinh học hai buổi/ ngày của cả nước mới được khoảng 50%, vậy 50% còn lại có đáp ứng được việc học hai buổi trong những năm tới không? Nhà nước có sẵn sàng bỏ chi phí đầu tư cơ sở vật chất và sẵn sàng cho chương trình này chưa? Nếu không giải quyết được vấn đề này, chương trình sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông, năm 2018 đã là thời điểm thích hợp để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chưa?

- Với tư cách một người làm giáo dục, tôi cho rằng yếu tố chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Nếu chưa chuẩn bị kịp các điều kiện để triển khai chương trình mới thì theo tôi có thể xin lùi thời gian thực hiện.

Một triệu giáo viên chưa hề nghĩ đến 

Là người đứng đầu một trong hai trường đại học sư phạm lớn nhất cả nước, ông đánh giá như thế nào về đội ngũ giáo viên hiện nay khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể?

- Hiện tại, chúng ta có gần một triệu giáo viên từ mầm non đến THPT đã được đào tạo, nhưng họ chưa được biết nhiều đến chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Để một triệu giáo viên này thích ứng với chương trình mới, khâu bồi dưỡng, đào tạo lại rất quan trọng. Các trường sư phạm chúng tôi họp và đề xuất phải làm sớm, thậm chí cùng lúc với xây dựng chương trình giáo dục tổng thể, chương trình môn học.

{keywords}

Hiện nay việc xây dựng chương trình đào tạo giáo viên theo hướng tiếp cận năng lực đã được triển khai ở các Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. 

Chúng tôi cũng đề cập tới việc các trường sư phạm có thể tham khảo chương trình đào tạo của nhau. Tôi nghĩ, tại thời điểm này, chương trình đào tạo sư phạm trong các trường bắt buộc phải thống nhất vì chúng ta đang thực hiện một chương trình tổng thể thống nhất.  

Về vấn đề bồi dưỡng giáo viên, rõ ràng chúng ta không thể bồi dưỡng ngay lập tức một triệu người mà phải chia 12, thậm chí 14 cấp học. Như vậy, ít nhất mỗi cấp học cũng có tới vài trăm nghìn người. Với số lượng này, nếu không nghĩ tới cách đào tạo bằng công nghệ thì “vướng” ngay.

Cụ thể ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thì sao, thưa ông?

- Về mặt chương trình, chúng tôi đang đào tạo tới khoá thứ hai. Như vậy tới năm 2019 trường chúng tôi và một số trường khác (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sớm hơn 1 năm) sẽ có “mẻ” sinh viên đầu tiên ra trường theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới. Các khoá khác đang đào tạo, chúng tôi sẽ có đánh giá cụ thể về chất lượng đầu ra.

Như vậy nếu chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thực hiện năm 2018, thì việc đào tạo giáo viên vẫn đi sau một năm?

- Về cơ bản, đào tạo giáo viên không chỉ nhắm tới chương trình mới mà là những năng lực cần thiết để dạy học. Nếu chúng tôi đào tạo chỉ nhằm vào việc thay đổi chương trình thì “chết” ngay. Như tôi đã nói, chương trình giáo dục tiểu học trong giáo dục phổ thông tổng thể vừa ban hành không khác nhiều với chương trình hiện nay, vấn đề là phương pháp tổ chức dạy học, học hai buổi như thế nào.

Vì vậy, tôi vẫn muốn có đủ thời gian để chuẩn bị kỹ trước khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông này.

Về mặt xã hội, thú thật chúng tôi rất khó kêu gọi sinh viên giỏi vào sư phạm dù theo thống kê tạm thời của Bộ GD-ĐT trường tôi đang đứng thứ 22 về nguyện vọng đăng ký tuyển sinh năm nay. Nhưng tôi vẫn mong muốn, sinh viên không chỉ giỏi mà phải thực sự yêu nghề hãy vào sư phạm. Dạy học là nghề rất đặc biệt, không thể “vứt” ai vào đó cũng được mà đòi hỏi tính yêu nghề hơn bất kỳ một nghề nào. 

{keywords}

Chương trình giáo dục phổ thông mới có một số môn học mới như Giáo dục kinh tế pháp luật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Thế giới công nghệ… Đây là những môn học chưa được đào tạo giáo viên, vậy theo ông sẽ phải làm thế nào?

- Đúng là ngành đào tạo cụ thể thì chúng tôi chưa có, nhưng tôi có thể lấy ví dụ thế này: Nội dung môn Thế giới cộng nghệ là sự phối hợp của Tìm hiểu tin học và Tìm hiểu công nghệ, cùng với việc tổ chức dạy học trong trường phổ thông. Như vậy nội dung cơ bản của Thế giới công nghệ là môn học mới, nhưng Tìm hiểu tin học không phải là môn học mới. Vì vậy, để chuẩn bị giáo viên cho môn học này có thể chuyển đổi giáo viên tốt nghiệp tin học sang dạy Thế giới công nghệ. 

Tương tự, hoạt động trải nghiệm sáng tạo hiện được dạy khá nhiều trong chương trình tâm lý, nhưng để giáo viên dạy trải nghiệm sáng tạo cũng phải đào tạo khác đi nên phải tập huấn lại giáo viên phổ thông.

Về mặt nguyên tắc, các trường sư phạm chúng tôi có thể chuyển đổi giáo viên Tin học dạy được Thế giới công nghệ. Tất nhiên phải có quá trình thực tập, thiết kế môn học phù hợp. 

Môn Giáo dục kinh tế pháp luật là một môn học mới. Nhưng tôi nghĩ vấn đề là tổ chức lớp học như thế nào? Trong trường hợp trường đó không có giáo viên thì có cho học ở trường khác không?... Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT đã có phương án về việc này.

Và theo tôi, có những môn học bắt buộc có thể phải dạy sớm hơn chứ không chỉ đưa vào ở cấp ba.

Ông mong muốn gì ở đội ngũ giáo viên hiện nay?

- Tôi mong giáo viên phải vào cuộc. Đừng ai đứng ngoài. Đừng ai nghĩ đây là việc của ai. Phải vào ngay bằng việc có ý kiến đầy trách nhiệm với dự thảo chương trình mà chính các giáo viên sẽ phải gánh vác nó. Việc thành bại của chương trình này không chỉ của ngành giáo dục mà là cả đất nước, vì vậy hãy thật thẳng thắn và trách nhiệm đóng góp ý kiến của mình.

Câu chuyện điều chuyển giáo viên trung học xuống dạy mầm non vừa qua là minh chứng cho việc thừa giáo viên hiện nay. Theo ông, nên giải quyết số giáo viên dôi dư này như thế nào khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới?

- Theo số liệu Bộ GD-ĐT công bố, 70.000 người tốt nghiệp sư phạm không có việc làm là những người trong độ tuổi 22 đến 55 với nữ và 60 tuổi với nam. Điều đó không có nghĩa người thất nghiệp mới tốt nghiệp gần đây mà đã tốt nghiệp trước đó. Như vậy, số liệu này chỉ mang tính chất chung, không thể hiện được việc thất nghiệp của sinh viên sư phạm hiện tại.

Trước năm 1975, chúng ta thực hiện phân công công tác sư phạm, vì vậy biết rất rõ việc thừa, thiếu giáo viên như thế nào. Có chăng, để đảm bảo minh bạch việc sử dụng, sư phạm nên thực hiện phân công như trước đây. 

Mặt khác, năm nay Bộ GD-ĐT cũng thực hiện chủ trương giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm xuống 20%, đây là một con số tương đối lớn.

Tôi cho rằng việc điều chuyển để giải quyết giáo viên dôi dư cần phải cân nhắc kỹ. Giáo viên tiểu học xuống dạy mầm non có thể sự khác biệt không nhiều, nhưng giáo viên THCS, THPT xuống dạy mầm non là rất khác. Vì vậy cần tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định, không thể cứ thừa là chuyển xuống.  

Xin cảm ơn ông!

Lê Huyền (Thực hiện)