Đã tới đích

Tới thời điểm này, một số trường ĐH của Việt Nam đã lọt tốp 1.000 những bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Quốc gia Hà Nội đã có tên trong tốp 1.000 theo bảng xếp hạng của Times Higher Education (THE).

{keywords}
Dù đạt thứ hạng nhưng chỉ số các trường đại học Việt nam vẫn thấp

 

Trường ĐH Tôn Đức Thắng được xếp 901- 1.000 bảng xếp hạng Shanghai Ranking do Trường ĐH Giao thông Thượng Hải - Trung Quốc thực hiện.

ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM đã hai lần lọt tốp 1.000, bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS). 

Như vậy, so với mục tiêu có 4 cơ sở giáo dục đại học lọt vào top 1.000 thế giới theo Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025, nay đích đã đến sớm 6 năm.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận chứng tỏ các trường ĐH Việt Nam đã thực sự quan tâm tới thực hiện đề án. "Bản chất của sự quan tâm là nâng cao chất lượng, khi được sự công nhận của thế giới thì khẳng định chất lượng của chính mình"- ông Chính nói.

Còn ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng, Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng, đây là nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ giảng viên, cán bộ quản lý của các trường đại học, cùng sự mạnh dạn đổi mới trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường.

Tuy nhiên, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng sớm đạt được mục tiêu là tốt nhưng so với dân số Việt Nam hiện nay thì sự hiện diện số trường này vẫn còn khiêm tốn.

"Nếu tính theo dân số 100 triệu/7 tỷ của thế giới lẽ ra phải 14 trường vào tốp. Từ nay tới năm 2025 cần phấn đấu thêm 10 trường nữa. Còn những trường sau khi đã lọt tốp 1.000 rồi thì phấn đấu vào tốp 800 thậm chí tiến sâu vào 500" - ông Tùng cho hay.

Bí quyết 

Ngay sau khi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lọt tốp 1.000 của THE, ông Hoàng Minh Sơn, hiệu trưởng trường này, nhìn nhận hầu hết các bảng xếp hạng đều coi trọng các chỉ số đánh giá thành tích nghiên cứu mà ít đánh giá sát thực chất lượng đào tạo và tác động xã hội.

"Trong bảng xếp hạng của THE thì các chỉ số năng suất, uy tín và ảnh hưởng nghiên cứu đã chiếm tới 60%, ngay cả tiêu chí chất lượng giảng dạy cũng lại căn cứ vào quy mô đào tạo tiến sĩ (8,25%) và ý kiến bình chọn của các học giả có thành tích cao về nghiên cứu (15%) tức một phần nào đó cũng gián tiếp phản ánh năng lực nghiên cứu. Nếu tính thêm cả chỉ số về chuyển giao tri thức và hợp tác công bố quốc tế nữa thì có thể nói các tiêu chí liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới nghiên cứu đã chiếm trọng số tới hơn 90%" - ông Sơn nói. 

Còn ông Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM bày tỏ: tùy từng bảng xếp hạng mà có những "chiến lược" riêng để lọt tốp.

{keywords}
Trường ĐH Tôn Đức Thắng lọt tốp 1.000 bảng xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải

 

Theo ông Quân, chỉ số thu hút doanh nghiệp của ĐH Quốc gia TP.HCM cao nhất là do chiến lược về khoa học công nghệ là nghiên cứu đỉnh cao - gắn kết cộng đồng.

"Chúng tôi "đi bằng 2 chân" gắn kết cộng đồng và ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn phục vụ phát triển. Nên mới có việc ĐH Quốc gia TP.HCM ký hợp tác với các địa phương như TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Tây Ninh hoặc với các doanh nghiệp lớn. Nguồn thu chuyển giao khoa học công nghệ phần lớn đến từ những hợp tác này" - ông Quân tiết lộ.

Côn ông Lê Văn Út, Trưởng phòng quản lý phát triển khoa học công nghệ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng: "Vì xếp hạng là phải theo các tiêu chí quốc tế nên đại học phải quốc tế hóa. Bí quyết của trường là quốc tế hóa trong đào tạo, đội ngũ giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học..."

Sau đích, vui một phần nhưng vẫn phải lo

Ông Hoàng Ngọc Vinh nêu vấn đề: "Câu hỏi đặt ra là làm gì để động viên huy động nguồn lực nội tại và nguồn lực bên ngoài tiếp tục cải thiện thứ hạng hoàn toàn thách thức?

Trả lời luôn cho câu hỏi của mình, ông Vinh cho rằng, đó là tăng cường hợp tác với các trường ĐH nổi tiếng nước ngoài cùng các chuyên gia quốc tế giỏi, tham gia các dự án R&D là cách tiếp cận sớm đưa tầm GDĐH Việt Nam lên tầm cao mới.

Theo ông Vinh, sau khi đạt được thứ hạng thì việc chăm lo phát triển nhà trường gắn rất chặt trong chiến lược phát triển và quản lý nguồn nhân lực của nhà trường.

"Tuy nhiên cần nhìn nhận ít trường ĐH của Việt Nam hiện nay để ý đến, đặc biệt Phòng tổ chức của nhiều trường thiếu kỹ năng phát triển và quản lý nguồn nhân lực mà hay xử lý sự vụ nhân sự, hành chính".

Còn ông Lê Văn Út, Trường ĐH Tôn Đức Thắng lại cho rằng, vấn đề quan trọng trước mắt là phải được trụ và tăng hạng trong những năm sau.

Lấy tiêu chí đánh giá xếp hạng của THE- theo ông Út -các đại học Việt Nam cần duy trì đẳng cấp về giảng dạy, nghiên cứu, quốc tế hóa và chuyển giao. 

"Đối với 30% giảng dạy, thì có 15% tỷ trọng từ khảo sát chuyên gia nên cần phải có mạng lưới chuyên gia có uy tín dành sự ủng hộ cao đối với đại học, phải duy trì được tỷ lệ vừa phải giữa giảng viên-sinh viên, giữa đào tạo bậc đại học-sau đại học, cũng như thu nhập từ các hoạt động đào tạo.

Tỷ trọng nghiên cứu chiếm 30% với 18% là khảo sát chuyên gia giống như đối với khảo sát giảng dạy, còn là phải tiếp tục duy trì/nâng số lượng công trình Scopus (chiếm 6%) và thu nhập từ nghiên cứu (chiếm 6%).

Một tiêu chí mang tính chiến lược và khá quyết định là 30% đẳng cấp nghiên cứu khoa học thông qua trích dẫn Scopus- đây thường là điểm không mạnh của các đại học Việt Nam.

Ngoài ra, quốc tế hóa chiếm 7,5% với số lượng sinh viên, giảng viên quốc tế, cũng như các chương trình hợp tác quốc tế mà các đại học cần quan tâm.

Cuối cùng, tỷ trọng chuyển giao tri thức chỉ chiếm 2,5% cũng không đáng kể"- ông Út phân tích.

Còn ông Nguyễn Quốc Chính, nhìn nhận dù lọt tốp 1.000 các bảng xếp hạng thế giới có uy tín nhưng đây chỉ là sự khởi đầu.

"Chỉ nên vui một phần vì nếu đối sánh với các trường trong khu vực và quốc tế, các chỉ số trường của chúng ta đã lọt tốp vẫn còn thấp".

Ông Chính cũng cho rằng cần phải tập trung cả trong nhà trường, xã hội và nhà nước để có chỉ số nâng cao.

"Lọt tốp 1.000 là sự nỗ lực của các trường đại học Việt Nam, nhưng nếu nhìn sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore thì ĐH Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm" - ông Quân cho hay.

Ông Quân, đề xuất 3 giải pháp để ĐH Việt Nam lọt vào top 100 các trường đại học châu Á hoặc top 500 các trường đại học hàng đầu thế giới trong vòng 10 năm tới.

Thứ nhất, nhà nước có chiến lược ưu tiên đầu tư cho một số trường đại học đã lọt bảng xếp hạng thông qua các chính sách đặt hàng đào tạo và nghiên cứu. Cụ thể như chính sách đặt hàng để đào tạo các ngành khoa học cơ bản, công nghệ mũi nhọn cho các trường đại học để xây dựng lực lượng các nhà khoa học trẻ, thực hiện các nghiên cứu đột phá.

Thứ hai, cam kết về tự chủ cho các trường đại học trong đó quan trọng nhất là tự chủ học thuật, tự chủ tổ chức và tự chủ về tài chính.

Thứ ba, các trường đại học tái cấu trúc để tăng hiệu quả quản trị, có chính sách thu hút, tuyển dụng các giảng viên giỏi, nhất là các giảng viên nước ngoài; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để tăng số lượng và chất lượng nghiên cứu...

"Với qui mô dân số, truyền thống hiếu học, tố chất chăm chỉ chúng ta hoàn toàn có thể có một số trường đại học trong nhóm 100 trường đại học hàng đầu châu Á trong thời gian sắp tới"- ông Quân khẳng định.

Lê Huyền

2 đại học Việt Nam lọt tốp 1.000 bảng xếp hạng uy tín thế giới

2 đại học Việt Nam lọt tốp 1.000 bảng xếp hạng uy tín thế giới

ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có tên trong bảng xếp hạng tốp 1.000 đại học thế giới, theo bảng xếp hạng uy tín THE.