5 "giáo viên của Năm", đại diện cho 4 bang của nước Mỹ là Montana, Indiana, Nebraska, Colorado và 1 đại diện của hệ thống các trường quân sự, đã dành 3 tuần ở Phần Lan – nơi mà họ đã tới thăm ĐH Helsinki và Cơ quan Giáo dục quốc gia nước này.


Họ cũng tham gia một vài cuộc hội thảo và thảo luận về sự phát triển của hệ thống giáo dục Phần Lan.

Hệ thống giáo dục Phần Lan từ lâu đã được ca ngợi là hình mẫu cho một nền giáo dục thành công, được xếp hạng cao nhất trong các đánh giá quốc tế (đã giảm trong vài năm gần đây).

Vậy nên, các nhà giáo dục Mỹ muốn học tập “cách giảng dạy giống như Phần Lan” – một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới và cũng là nơi nổi tiếng với việc cứ mỗi 45 phút học bài thì học sinh lại có 15 phút vui chơi.

Dưới đây là những chia sẻ của 2 giáo viên: Nelson tới từ bang Indiana và Amber Vlasnik tới từ Nebraska về những gì mà họ thu nhận được từ chuyến đi này.

Bí mật cốt yếu: Trao quyền cho giáo viên

Cả Nelson và Vlasnik đều cho rằng các trường học Phần Lan có nhiều điều tương đồng với các trường học Mỹ. Tuy nhiên, một khác biệt lớn là giáo viên được coi trọng hơn.

Việc đào tạo giáo viên của Phần Lan rất nghiêm ngặt và chọn lọc. Chỉ có khoảng 10% sinh viên đăng ký được chọn học ngành sư phạm. Chính vì thế, giáo viên sẽ không bị đánh giá qua điểm số của những học sinh mà họ dạy.

Quan điểm của Phần Lan là: “Bạn đã là chuyên gia trong lĩnh vực đó, nên chúng tôi không cần phải kiểm tra học sinh của bạn để đánh giá bạn đã làm được ở mức độ nào”. “Những điều đó không có ở giáo dục Mỹ. Việc đánh giá khiến các giáo viên mất đi sự tự tin” – Nelson nói.

Một điểm then chốt khác là, các giáo viên ở Phần Lan có quyền tự quyết định mình sẽ dạy gì và dạy như thế nào cho học sinh của họ.

Trong khi giáo viên Mỹ ngần ngại thì họ chỉ cần nói: ‘ồ, cái này có vẻ tốt, hãy để tôi thử xem’. Đó là một trong những điều lớn nhất tôi thu nhận được. Chẳng có bí quyết giáo dục nào hết. Cũng chẳng có công thức bí mật nào về việc họ đang làm đúng, còn chúng ta đang làm sai. Họ chỉ cố gắng thử những thứ mới mẻ và sáng tạo, trao quyền cho giáo viên nhiều hơn” – Vlasnik đúc kết.

Các nhà lãnh đạo giáo dục Phần Lan tin rằng “giáo viên biết cách giảng dạy nào là tốt, chúng ta chỉ cần để họ làm mà thôi”.

Văn hóa lấy học sinh làm trung tâm

Học sinh Phần Lan thích tới trường để học tập – Nelson khẳng định. Vì thế, các giáo viên Phần Lan không mường tượng được khi giáo viên Mỹ hỏi họ về cách xử lý kỷ luật với học sinh.

“Có vẻ như việc kỳ vọng học sinh học tập tốt ở trường đã trở thành văn hóa” – Nelson nói. “Có 2 điều mà tôi luôn thấy người Phần Lan cho rằng đó là trách nhiệm của một công dân. Một là chăm sóc cơ thể bạn, hai là chăm sóc việc học tập của bạn. Giáo dục là một hoạt động suốt đời, và nó không chỉ diễn ra trong trường học, và nó cũng không kết thúc khi bạn rời khỏi trường”.

Tất nhiên, Phần Lan không có câu trả lời cho tất cả mọi người: Vẫn có hơn ¼ học sinh Phần Lan nói rằng họ không cảm thấy hạnh phúc khi tới trường và họ cảm thấy họ không thuộc về nơi đó.

Nelson cho rằng, ở Phần Lan, cách sống – trong đó có cả cách nhìn nhận của học sinh về trường học – là thoải mái hơn và ít cạnh tranh hơn ở Mỹ. “Mục tiêu bao quát của hệ thống giáo dục Phần Lan là truyền cảm hứng cho học sinh và giúp họ sống một cuộc sống hạnh phúc, trọn vẹn”.

Chương trình tập trung vào kỹ năng

Năm ngoái, Phần Lan đã giới thiệu một chương trình phổ thông mới trên quy mô toàn quốc. Nó được xây dựng chủ yếu bởi chính các giáo viên và cựu giáo viên – Petteri Elo, một giáo viên kiêm cố vấn giáo dục ở Phần Lan, cho hay.

Ngoài phương pháp học tập dựa trên hiện tượng – nghĩa là học sinh được yêu cầu thiết kế và thực hiện một dự án liên ngành trong mỗi năm học, thì chương trình học này còn tập trung vào các kỹ năng.

Một giáo viên truyền thống thường chỉ nghĩ đến nội dung, nội dung và nội dung” – Elo nói. “Nhưng ở Phần Lan, chúng tôi được yêu cầu phải nghĩ về kỹ năng, kỹ năng và kỹ năng”.

Có 7 kỹ năng mà chương trình giáo dục của chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng, trong đó có năng lực về văn hóa, kỹ năng sử dụng đa ngôn ngữ, kinh doanh, “tư duy và học tập để học hỏi”. Thay vì đòi hỏi truyền đạt những nội dung nhất định thì các giáo viên được yêu cầu lồng ghép những kỹ năng này vào bài giảng của họ. Nó không phải là “nội dung và kỹ năng, mà là nội dung có kỹ năng” – Elo nói.

Yêu cầu này cũng đòi hỏi giáo viên phải thay đổi tư duy. Nelson cho biết cô đã có ấn tượng rằng việc này sẽ khiến một số giáo viên Phần Lan phải đau đầu.

Có những chương trình tập huấn cho giáo viên được Chính phủ tài trợ. Tuy nhiên, về cơ bản giáo viên được quyền thực hiện chương trình trong lớp học của mình khi họ thấy phù hợp. “Chúng tôi là những chuyên gia có thể tự tìm ra cách để thực hiện” – Elo chia sẻ.

Tuy nhiên, Elo cũng cho rằng, được trao quyền có thể là con dao hai lưỡi. Giáo viên Phần Lan không có ai kiểm tra việc thực hành bài giảng của họ. Một mặt, điều đó vô cùng quyền lực, nhưng Elo cho rằng nó có thể gây ra vấn đề nếu như một giáo viên không lấy chương trình làm trọng tâm. Khi Elo tới Mỹ học tập theo học bổng Fulbright, anh đã bị cuốn hút bởi việc giáo viên Mỹ tập trung vào việc hoàn thành chương trình như được thiết kế.

“Nếu như chúng tôi có thể tập trung vào việc giảng dạy thật hiệu quả theo khung chương trình đưa ra thì với một chương trình xuất sắc như thế này, việc giảng dạy và học tập sẽ thật tuyệt vời” – anh nói.

Bài học cho những lớp học Mỹ

Vlasnik và Nelson đều cho biết, họ rời Phần Lan với những ý tưởng thiết thực mang trở lại lớp học của mình.

Nelson cảm thấy cô được truyền cảm hứng bởi sự tập trung vào tính bền vững trong chương trình của Phần Lan.

“Có sự tồn tại đồng thời giữa con người, môi trường và thiên nhiên” – cô nói. “Dường như con người ở đó để chăm sóc cho cơ thể họ, chăm sóc cho việc học tập của họ và tham gia vào việc xây dựng một tương lai bền vững… Đó là những gì họ đã trao truyền cho học sinh của mình ngay từ đầu”.

Nelson – một giáo viên tiếng Anh và nghệ thuật ngôn ngữ - cho biết cô sẽ kết hợp quan niệm đó với việc học tập toàn cầu vào lớp học của mình một cách có chủ ý hơn.

Vlasnik – người sẽ trở thành một người điều hướng giảng dạy trong năm nay – cho biết, cô sẽ kết hợp một số triết lý Phần Lan vào thực hành của mình – chủ yếu là sử dụng nghiên cứu khi thiết kế bài giảng. Các nhà giáo dục Phần Lan sẽ đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, ban đầu thực hiện nó ở quy mô nhỏ, sau đó mở rộng dần ra.

Những giáo viên này cho rằng, họ rời Phần Lan với suy nghĩ: có nhiều sự tương đồng hơn là sự khác biệt giữa hai hệ thống giáo dục. Nhưng hệ thống giáo dục của Phần Lan cho thấy niềm tin mà họ đặt vào giáo viên lớn đến mức nào.

  • Nguyễn Thảo (Theo Edweek)