Trong văn bản trả lời, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã dẫn lại các nghị quyết, quyết định phê duyệt đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Tại đây đã nêu rõ, “SGK là tài liệu triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh, định hướng phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục.
Việc biên soạn SGK của các tổ chức, cá nhân thực hiện công bằng, minh bạch theo quy định của pháp luật. Vì vậy SGK do các NXB đề nghị thẩm định lần này phải được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành”.
Trung tâm Công nghệ giáo dục gửi kiến nghị tới Bộ trưởng GD-ĐT vì sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại ngay từ vòng 1 bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK
Cũng trong văn bản trả lời gửi PGS. Nguyễn Kế Hào, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong lần thẩm định này, có 5 bộ SGK của 9 môn học được các nhà NXB có chức năng xuất bản SGK đề nghị Bộ GD-ĐT thẩm định, trong đó các bản mẫu SGK môn tiếng Việt lớp 1, toán lớp 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên là một trong các bộ sách được NXB Giáo dục đề nghị thẩm định.
Qua thẩm định vòng 1, có một số bản mẫu sách được xếp loại “đạt nhưng cần sửa chữa” và có một số bản mẫu được xếp loại “không đạt”.
Đến nay hầu hết các tác giả có bản mẫu sách gửi thẩm định đều đã tiếp thu, sửa chữa, biên soạn lại theo ý kiến đánh giá của Hội đồng để tiếp tục đề nghị thẩm định lại theo quy định.
"Riêng các bản mẫu Tiếng Việt 1 và Toán 1 của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên, GS. Hồ Ngọc Đại và cộng sự được Bộ GD-ĐT mời đến nghe thông báo kết quả, đối thoại với hội đồng thẩm định. GS Hồ Ngọc Đại và cộng sự đã nghe kết luận của các hội đồng và không có ý kiến gì thêm".
Cũng theo Thứ trưởng Độ, Thông tư 33 quy định đối với các bản mẫu SGK được đánh giá không đạt, nếu tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tiếp tục biên soạn SGK thì bản mẫu SGK phải được xây dựng lại để thẩm định như lần đầu.
Vì vậy, tập thể tác giả bản mẫu sách Tiếng Việt 1, Toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện các bản mẫu SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới và đề nghị thẩm định lại.
"Phải xem sách là một thành tựu"
Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho hay ông chưa đồng tình với phản hồi từ phía Bộ GD-ĐT.
“Những ý kiến đó chỉ như nhắc lại Nghị quyết, Thông tư chứ chưa đi sâu đả động giải đáp 4 vấn đề mà tôi nêu lên trong văn bản kiến nghị xem xét lại.
Tôi sẽ tiếp tục nêu ý kiến của mình tới chính phủ chứ không dừng lại.
Phản hồi có phần vô cảm. “Phần phản hồi chưa hề nhắc đến thực tiễn triển khai của bộ sách Công nghệ giáo dục”, ông Hào nói.
Theo ông Hào, không chỉ riêng ông mà nhiều cán bộ tập thể của Trung tâm Công nghệ giáo dục thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thấy không thỏa mãn với trả lời này từ Bộ GD-ĐT. Bởi, trải qua nhiều lần cải cách, phải xem bộ sách là thành tựu giáo dục, chứ không phải còn chỉ riêng của GS Hồ Ngọc Đại.
GS Nguyễn Kế Hào: "Chúng tôi buồn lắm, bởi đây là tâm huyết của các thế hệ trung tâm công nghệ và các giáo viên, địa phương,..." |
Sáng nay các cán bộ, tập thể trung tâm công nghệ giáo dục cũng tổ chức cuộc họp về ý kiến phản hồi này. "Chúng tôi buồn lắm, bởi đây là tâm huyết của các thế hệ trung tâm công nghệ và các giáo viên, địa phương,..."
“Nếu theo quan điểm của Hội đồng thẩm định thì nói nhiều bộ sách nhưng thực chất cũng chỉ là một. Trong khi để sửa một bộ sách cũng không hề đơn giản mà đòi hỏi cần nhiều thời gian”
GS. Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng,
việc sách tiếng Việt lớp 1 CNGD dạy sâu về ngữ âm học có thể không thích hợp đối với học sinh người Kinh, lại có thể phát huy tác dụng đối với học sinh dân tộc thiểu số. Cũng như vậy, việc dạy các em đọc-viết thông qua các khối hình tròn, méo (vốn là phương pháp các nhà sư phạm Xô-viết dùng để dạy trẻ em chậm phát triển tư duy, ngôn ngữ), có thể không cần thiết khi dạy học sinh có tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, phát triển tâm thần kinh bình thường, lại hữu dụng khi dạy đọc - viết tiếng Việt cho đối tượng là học sinh dân tộc thiểu số. Bởi vì, xét về phương diện tâm lí sư phạm, có thể xem trẻ em dân tộc thiểu số cũng gặp khó khăn như trẻ chậm phát triển các kĩ năng nghe - nhận (hiểu) - nói (đọc) - viết tiếng Việt.
Trước đó, trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của tập thể cán bộ Trung tâm Công nghệ giáo dục cho hay, Bộ GD-ĐT đã tổ chức thẩm định sách giáo khoa mới phục vụ cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó có sách tiếng Việt 1 và toán 1 của Trung tâm Công nghệ giáo dục, do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên. Tuy nhiên, bộ sách đã bị đánh giá “không đạt” ngay từ vòng đầu, theo biên bản của Hội đồng thẩm định.
Kết quả thẩm định này làm cho cán bộ của trung tâm cùng nhiều giáo viên và phụ huynh ở 48 tỉnh thành thắc mắc, bức xúc, thậm chí hoang mang.
Qua đó, tập thể cán bộ này xin được bày tỏ sự bức xúc cũng như tâm huyết với sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà và mong Thủ tướng “quan tâm vì sự nghiệp chung”.
“Ý kiến của Hội đồng thẩm định chỉ là những đánh giá trên lý thuyết, theo các tiêu chí cứng nhắc, trong khi bộ sách Công nghệ giáo dục đã được thẩm định nhiều lần và được kiểm chứng trong thực tiễn, được cuộc sống đón nhận”, đơn kiến nghị nêu.
Tương tự, trong bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Trung tâm Công nghệ giáo dục cũng bày tỏ những ý kiến không đồng tình với đánh giá của hội đồng thẩm định với các lý do cụ thể.
Thúy Nga - Thanh Hùng
Băn khoăn về hội đồng thẩm định sách Công nghệ giáo dục
- Một số ý kiến cho rằng việc thẩm định sách giáo khoa cần đảm bảo hội đồng được lựa chọn phải thực sự chuyên nghiệp và công tâm.