Hơn 130 giáo viên cấp 2 ở huyện Diễn Châu, Nghệ An vừa bị điều chuyển xuống dạy tiểu học trong năm học 2018-2019. 

131 giáo viên dạy hai môn Văn, Toán bậc THCS ở huyện Diễn Châu, Nghệ An vừa bị điều chuyển xuống dạy tiểu học trong huyện này từ năm học 2018-2019. Việc bị điều chuyển đầu năm học mới khiến một số giáo viên bức xúc. Có giáo viên cho rằng, họ cảm thấy tự ti khi đang dạy cấp 2 bị điều chuyển xuống dạy tiểu học.

Trao đổi với VietNamNet, ông Mai Ngọc Long, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Diễn Châu cho biết, hiện nay toàn huyện thừa 213 giáo viên THCS, trong khi đó thiếu 123 giáo viên tiểu học. Vì vậy, sau khi xin ý kiến của Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ, Ban Thường vụ huyện ủy, UBND huyện Diễn Châu đã ban hành kế hoạch điều chuyển một số giáo viên dôi dư ở bậc THCS xuống bậc tiểu học.
 
Về tiêu chí giáo viên bị điều chuyển, ông Long cho hay theo kế hoạch của UBND huyện Diễn Châu không xác định đối tượng bị điều chuyển mà chỉ xác định đối tượng không điều chuyển.
 
Cụ thể, những đối tượng giáo viên không bị điều chuyển gồm phụ nữ đang mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, giáo viên có chồng hoặc vợ công tác trong lực lượng vũ trang hay đang công tác ở hải đảo; những người đang mang bệnh hiểm nghèo nằm trong danh mục 42 loại bệnh do Bộ Y tế quy định; Giáo viên nam có tuổi đời từ 55 tuổi trở lên; Giáo viên nữ có tuổi đời từ 50 tuổi trở lên; Những giáo viên xếp loại trong 3 năm gần đây, đối với GV Văn có 2 năm xuất sắc, 1 loại khá tốt còn GV Toán 1 năm xuất sắc, 2 năm xếp loại khác tốt…
 
“Trừ những đối tượng thuộc diện trên, tất cả giáo viên còn lại đều có thể bị điều chuyển. Trước khi điều chuyển, chúng tôi làm công tác tuyên truyền, các trường lập danh sách xác định đối tượng bị điều chuyển. Không hề có chuyện giáo viên sinh con thứ 3 hay bị kỷ luật mới bị điều chuyển - ông Long khẳng định.
 
Theo ông Long, trong số 131 giáo viên bị điều chuyển đợt này, hầu hết giáo viên là đồng ý chuyển xuống dạy tiểu học. Đối với những giáo viên không đồng ý, huyện đang làm công tác tư tưởng để thuyết phục họ.
 
Về công tác chuyên môn, ông Long cho hay, Phòng GD-ĐT đã phối hợp với Trường ĐH Vinh tổ chức khóa học bồi dưỡng cho những giáo viên THCS sau khi xuống tiểu học giảng dạy. Theo đó, giáo viên môn Ngữ văn sẽ dạy Tiếng Việt và các môn khoa học xã hội. Giáo viên  môn Toán sẽ dạy Toán và các môn khoa học tự nhiên... Ngoài ra các trường tiểu học tiếp đón giáo viên họ sẽ bồi dưỡng tại trường như tổ chức các chuyên đề, dạy mẫu, dạy thử nghiệm và liên kết các nhóm chuyên môn bồi dưỡng để giáo viên dạy tốt”-
 
“Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải làm vậy”

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An nhìn nhận, việc điều chuyển giáo viên từ THCS xuống tiểu học trước năm học mới là vấn đề bất đắc dĩ nhưng không còn cách nào khác.
 
“Số giáo viên cấp hai của chúng tôi bị dôi dư nên chúng tôi bắt buộc phải chuyển họ xuống dạy cấp 1 vì số giáo viên cấp 1 chưa có”- ông Chu Văn Long, Trưởng phòng tổ chức Sở GD-ĐT Nghệ An nói.
 
Theo ông Long, hiện tại Nghệ An đang thừa khoảng 1.000 giáo viên cấp hai, trong khi thiếu giáo viên tiểu học và mầm non. Vì vậy, Sở quyết định điều chuyển các giáo viên đang bị dôi dư này xuống cấp học tạo điều kiện cho giáo viên. Trước khi chuyển, các địa phương đã tổ chức lớp đào tạo và bổi dưỡng những giáo viên này đạt chuẩn dạy tiểu học mới chuyển xuống để công tác.
 
“Ở các địa phương khác, nếu thừa giáo viên sẽ bị nghỉ việc theo luật, còn ở Nghệ An giáo viên thừa vẫn bố trí cho họ có việc làm. Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải điều chuyển xuống như vậy, nhưng nếu như trong vài năm nữa giáo viên cấp 2 thiếu thì chúng tôi sẽ chuyển họ lên cấp 2 chứ không phải bắt họ dạy cấp 1 mãi ”- ông Long giãi bày.
 
Ông Long mong giáo viên hãy thấu hiểu để tập trung dạy tốt. “Làm giáo viên ai cũng thích dạy cấp 2 hơn cấp 1 nhưng bây giờ thừa thì phải chấp nhận. Đây là vấn đề bất đắc dĩ nhưng đã có sự chuẩn bị. Tất cả giáo viên bị luân chuyển đều được bồi dưỡng nghiệp vụ đầy đủ. Dù xuống dạy tiểu học nhưng lương và các chế độ của giáo viên vẫn không đổi”- ông Long khẳng định.
 
Về tiêu chí nào để chọn giáo viên bị điều chuyển, ông Long cho hay, tất cả đều có căn cứ để điều chuyển xuống.Những giáo viên bị điều chuyển đều được đào tạo có trình độ, có nghiệp vụ phù hợp.

 

Liên quan đến điều động, biệt phái luân chuyển công chức viên chức ngành giáo dục và đào tạo và cán bộ công chức, UBND tỉnh Nghệ An ban hành văn bản 102 yêu cầu giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, Chủ tịch các huyện, thị xã thực hiện phân bổ biên chế cho các trường mầm non, trường tiểu học, THCS, trường tiểu học và THCS trực thuộc UBND cấp huyện trên cơ sở số lượng, cơ cấu biên chế do UBND tỉnh giao.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, xây dưng đề án việc làm, đề án tinh giảm biên chế và đề án giải quyết giáo viên dôi dư của đơn vị trình đơn vị cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện bố trí sử dụng đúng công chức, viên chức quy định.

Các đơn vị chỉ tiến hành điều động, luân chuyển biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác các chức danh theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật. Không tiến hành điều động, luân chuyển cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo Hướng dẫn liên ngành số 59/HDLN - SNV -SGD&ĐT ngày 20/01/2009.

Trong trường hợp nếu luân chuyển chỉ tiến hành thuyên chuyển viên chức và công chức cấp xã theo nguyện vọng cá nhân hợp lý với yêu cầu của tổ chức hoặc khi cần thiết tăng cường chất lượng, cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức hay thực hiện đề án giải quyết giáo viên dôi dư của đơn vị.

Lê Huyền

Đề xuất bỏ biên chế vĩnh viễn đối với giáo viên

Đề xuất bỏ biên chế vĩnh viễn đối với giáo viên

Đó là đề xuất của ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie tại hội nghị Góp ý về Dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng nay 24/8.