Đo nhiệt độ, sát khuẩn trước cống trường sáng 4/5. Ảnh: Thanh Hùng |
Kỷ niệm đặc biệt trong nghề giáo
Đi dạy từ năm 1994, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay đây là lần đầu trong nghề chị được đón học trò đến trường vào tháng 5- khoảng thời gian mà ở các năm học trước cô trò sắp sửa chia tay.
Háo hức có, nhưng cô Nhiếp cho hay tâm trạng chủ yếu vẫn là hồi hộp, pha chút lo lắng bởi tâm lý vẫn phải phòng chống dịch.
Học sinh của trường vốn có ý thức học tập cao, nên điều cô mong mỏi nhất là các học trò cũng có được ý thức chống dịch như thế. “Bởi các con gặp nhau sau bao ngày không đến trường sẽ rất vui nên có thể quên cảnh giác phòng dịch mà tụ tập, ôm lấy nhau”.
Học sinh quận Hà Đông (Hà Nội) chào cờ trong lớp học. Ảnh: Thanh Hùng |
Cô Nhiếp tâm sự: “Thương nhất học trò lớp 12. Mọi năm, giờ này chúng tôi đã phổ biến xong cho các con về quy chế thi và xét tuyển ĐH, kỹ năng làm bài và tâm lý làm bài. Năm nay thì chưa có gì”.
Tuy nhiên, cô Nhiếp cho hay, tập thể giáo viên nhà trường sẽ cùng nhau cố gắng, động viên, tạo động lực để các học sinh hoàn thành tốt năm học này, đặc biệt các học sinh lớp 12 vẫn có được kiến thức và tâm thế tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.
Cô Trần Bích Hợp, Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa cho hay đây là lần đầu tiên sau 20 năm đứng trên bục giảng được đón học trò vào những ngày đầu tháng 5.
Học sinh Đà Nẵng trở lại trường vào sáng 4/5. Ảnh: Hồ Giáp |
Nỗi nhớ trò, nhớ trường, nhớ đồng nghiệp và niềm vui khó có thể miêu tả bằng lời sau gần 100 ngày chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch Covid-19.
"Tháng 5, mùa của hoa phượng nở, mùa của giây phút bịn rịn chia tay học trò ra trường. Nhưng năm nay, ngày mai lại là ngày hội ngộ, ngày thầy trò chúng tôi được đến trường sau 3 tháng xa nhau".
Ngày hạnh phúc trở lại với mỗi người giáo viên
Tối 3/5, thay vì ngồi bên máy tính chuẩn bị bài giảng trực tuyến, cô Nguyễn Hồng Yến, giáo viên Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp quay trở lại việc soạn sửa giáo án quen thuộc trước đây. Xong việc, cô kiểm tra đi kiểm tra lại máy đo nhiệt độ, khẩu trang, nước rửa tay khô, nước sát khuẩn... Tất cả đều đã sẵn sàng để ngày mai lên lớp đón học trò.
“Mình cứ kiểm đi kiểm lại xem còn quên thứ gì không, bởi nghĩ nếu quên thì các học trò của mình ngày mai sẽ không được đón trở lại được chu đáo nhất”, cô Yến nói.
Dọn dẹp trong ngày nghỉ lễ để đón học sinh trở lại trường. |
Sau ba tháng “nghỉ xuân” chống dịch, cô Yến cho hay cảm giác quay trở lại trường rất vui, nhưng không giống ngày tựu trường.
“Thay cho cảm giác xốn xang là tâm lí âu lo nhưng trên hết vẫn phải mạnh mẽ để cô và trò bắt tay vào cuộc sống “bình thường mới”.
Trong đầu cô Yến lúc này, vẩn vơ những suy nghĩ thú vị và háo hức với chính bản thân mình: “Gặp học sinh, mình sẽ bắt đầu giờ sinh hoạt lớp bằng nội dung gì nhỉ?”. Chị dự tính sẽ thảo luận với với các con thế nào là cuộc sống “bình thường mới” ở trường học thời Covid-19,...
Chị hiểu, trở lại trường học những ngày này, người giáo viên phải có thêm tâm thế mới, không chỉ dừng lại ở kiến thức trong bài học như trước đây mà còn phải thêm kỹ năng, kiến thức mới bồi đắp cho học trò.
“Đây cũng là lúc dạy các con về giá trị sống, giá trị của sức khỏe, giá trị của sự tự học. Những bài học sống động bởi những thay đổi của cuộc sống hàng ngày. Giúp các con biết trân quý cả sự khó khăn, sự bất thường vì đó suy cùng cũng là giá trị của cuộc sống. Cuối cùng thì cuộc sống vẫn diễn ra, trường học vẫn luôn mở cửa để đón các em trở lại”.
Các cô giáo Trường Phổ thông liên cấp song ngữ Wellspring (Hà Nội) chuẩn bị đón học trò. Ảnh: Thu Thuỷ |
Chị muốn các học trò của mình biết rằng, ngay cả trong đại dịch Covid-19 thì nhà trường vẫn luôn dành cho các em sự ưu tiên trước nhất. Các học sinh đã được nhà trường lo cho từ chỗ ăn, chỗ ngủ, cách thức học hành để đảm bảo an toàn nhất cho các con.
“Giữa bộn bề công việc phải lo lắng cho ngày học đầu tiên sau 3 tháng không đến trường. Cuối cùng thì mình vẫn thấy mình là người hạnh phúc. Và người thầy chỉ thực sự hạnh phúc khi được làm nghề và gặp gỡ học trò trong niềm mong cháy bỏng những ngày qua. Ngày mai là một ngày đặc biệt, một ngày bình thường trở lại, ngày hạnh phúc trở lại với mỗi chúng tôi”, chị Yến nói.
Cô giáo Ngọc Phương, giáo viên khối THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam chia sẻ: “Mình và các học trò đều rất vui mừng và háo hức được trở lại trường học sau 3 tháng. Tuy vậy, cô trò cũng có tinh thần thận trọng. Ngày mai chắc chắn gặp nhau các con sẽ rất vui, nhưng giáo viên sẽ nhắc nhở các con tuân thủ quy định giãn cách và đeo khẩu trang, sát khuẩn trong thời gian học để đảm bảo an toàn”.
Chuẩn bị sẵn tâm thế để vừa dạy học vừa hướng dẫn và giám sát các con thực hiện quy định, ngày mai chị sẽ dành thời gian chào đón các học sinh và cho những dặn dò.
Thầy cô Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) tới trường dọn dẹp chuẩn bị đón học sinh. |
Cô Trần Thị Tuyến, giáo viên Trường THPT Chu Văn An chia sẻ: “Năm nay thật đặc biệt, đặc biệt với nghề giáo nói chung, và với giáo viên ở mái trường Chu Văn An nói riêng. Bởi lẽ nhà giáo chúng tôi cùng học trò đã bõ lỡ một mùa xuân ở trường vì dịch bệnh Covid -19. Học trò lớp 10 chưa được tận hưởng mùa xuân đầu tiên ở trường, chưa được thưởng thức mùi thơm của hoa bưởi đầu hồi, chưa được dạo trong tiết trời sương mù huyền ảo. Còn khối 12 thì nhiều nỗi niềm lắm.
Cô giáo Trường THPT Việt Đức nhắc nhở học sinh những điều cần lưu ý để đảm bảo an toàn. Ảnh: Thuý Nga |
Theo chị Tuyến, có lẽ trong tất cả nhà giáo khi đón học sinh trở lại trường trong dịp này hẳn là những lo âu thấp thỏm cho sự an toàn của học trò sau một thời gian chống dịch. Tuy nhiên, hoàn cảnh đó càng khiến thầy trò thêm gắn bó và trân trọng nhau hơn. “Chúng tôi nghĩ đến hiện tại và tương lai nhiều hơn vì đó mới là cuộc sống và quan trọng là tự nhủ dù hoàn cảnh nào cũng phải tự tin vững bước. Vì với nghề giáo, niềm tin và hạnh phúc của mình sẽ lan toả tâm lý tích cực đến học trò và ngôi trường mình đang gắn bó”, chị Tuyến nói.
Thanh Hùng
Hàng chục triệu học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ dài kỷ lục
Lần đầu tiên thầy cô đón học sinh đến trường vào tháng 5; mọi năm thời điểm này là tâm trạng chia xa, còn giờ đây lại là đón chờ.