- Nghệ sĩ, nhà giáo Thái Thị Liên là một nhân vật lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Năm 2018, bà tròn 100 tuổi. Cuối năm 2017, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cùng gia đình đã tổ chức chương trình hoà nhạc đặc biệt “Trăm mùa thu vàng” để tôn vinh bà. Cũng dịp này, nhiều thế hệ học trò đã chia sẻ những kỷ niệm mà người nghệ sĩ, nhà giáo kính yêu từng dạy dỗ mình.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội mừng thọ nhà giáo, nghệ sĩ Thái Thị Liên tại chương trình hoà nhạc tối 23/11. Ảnh: Từ Ngọc Lang

“Sao lại ngồi vào mặt người ta?” (Nghệ sĩ Trần Tuyết Minh)

Thời ở 32 Nguyễn Thái Học, khi Trường Âm nhạc Việt Nam mới thành lập, đàn còn ít, ghế đàn thì không nâng cao hay hạ thấp được, tôi lại thấp bé nên phải lấy sách kê cao lên để ngồi. Vừa ngồi vào ghế thì bà quát tôi đứng dậy và nghiêm mặt nói: “Tại sao lại ngồi vào mặt người ta”. Tôi cãi lại bà: “Đâu có ạ!”. Bà chỉ tay vào quyển sách tôi vừa ngồi lên. Hoá ra, đó là cuốn sách Sonate Beethoven và thấy ông Beethoven đang nhìn tôi. Từ đó, tôi không bao giờ dám ngồi lên sách, thật bất lịch sự. Còn giờ giấc thì khỏi phải nói lý do, đã đi học thì phải đúng giờ, có mặt phải trình diện ngay.

Vào những giờ lên lớp bà dạy, tôi rất lo, phải cố tập cho thuộc bài bởi bà rất nghiêm. Cũng vì sợ bà quở trách mà tôi chăm chỉ hẳn lên. Tôi là một học trò nhanh nhẹn, chóng thuộc bài nhưng cũng đại khái, không kỹ lưỡng, hay bỏ qua chi tiết. Có lần bà nhắc rồi bực mình lấy bút chì khoanh vào sách đến thủng cả giấy để tôi nhớ không được cẩu thả. Thật tiếc, cuốn sách đã bi cháy trong vụ hoả hoạn.

Năm 1987, nhà tôi không may bị cháy do sự bất cẩn của hàng xóm. Sau khi biết tin dữ, bà đã gửi tiền về cho tôi. Cầm tiền bà cho tôi chỉ khóc, bởi lúc đó bà đang ở Liên Xô cùng con trai Đặng Thái Sơn. Bà động viên tôi sống tốt để vượt qua những khó khăn mình gặp phải và nhắc nhở tôi đừng quên tập đàn.

Bài học Bagatelle (Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc)

Tôi có một kỷ niệm thú vị về chữ Bagatelle khi đang học trung cấp piano.

Thời những năm 1970 ở Hà Nội có tổ phục vụ ở các phố, họ bán nước sôi 5 xu một phích 2,5 lít và nấu cơm thuê, ai thuê tổ phục vụ nấu cơm thì cho sẵn gạo vào nồi cơm của mình, đến giờ ăn cơm thì đến trả tiền và bưng nồi cơm chính về.

Hồi đó tôi lên trả bài bác Thái Thị Liên ở 28 phố Kỳ Đồng (nay là phố Tống Duy Tân). Trước khi trả bài, bác có nhờ tôi đi mua giúp bác một phích nước sôi. Tôi còn nhớ tổ phục vụ gần nhà bác ở bên kia phố Điện Biên Phủ bây giờ, sát đường tàu hoả. Đi mua nước sôi về, tôi bắt đầu trả bài.

Hôm đó, bác dạy tôi một bài Bagatelle (có lẽ của Beethoven) và bác giải thích cho tôi như sau: Ví dụ bác nhờ cháu đi mua nước sôi, khi cháu mua về, bác cảm ơn thì cháu trả lời: Bagatelle (nghĩa là gần như: chuyện nhỏ, không có gì...).

Thật là giản dị, gần gũi và dễ hiểu đối với một cậu học sinh như tôi.

{keywords}
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM mừng thọ nhà giáo Thái Thị Liên tối 23/11/2017. Ảnh: Từ Ngọc Lang

“Piano và đồng hồ là quý giá nhất” (Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân)

Giờ học đàn với bác bao giờ cũng bắt đầu bằng bài chạy gam. Bác yêu cầu ngồi thẳng lưng, thả lỏng cánh tay, giơ cao hay tay lên và thả xuống trúng phím đàn – đó là non-legato. Rồi đến staccato là mổ ngón tay trên phím đàn sao cho nhanh, gọn và thật nẩy. Rồi mới tới légato và chạy gam: xuôi chiều, ngược chiều, quãng ba, quãng sáu... cứ thế từ gam, rồi đến hợp âm, rải và sau mới tới bài tập Etude, tiểu phẩm, phức điệu...

Nhà tôi và nhà bác ở cách không xa nhau. Bố tôi (nhạc sĩ Đỗ Nhuận) chơi thân với bác trai (nhà thơ Đặng Đình Hưng). Hai ông đều là cán bộ chính trị trong quân đội. Từ đầu phố Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, qua Đình Ngang sang Tống Duy Tân khi đó còn có chợ Kỳ Đồng họp cả ngày đông vui tấp nập như một chợ quê, chỉ độ chừng 500m.

Gia đình bác ở trên gác ba ngôi nhà Pháp cổ, phải đi qua chiếc cầu thang gỗ hẹp và tối mới lên được căn phòng nhỏ của bác, vừa là nơi ở, nơi lên lớp, dạy học.

Có những lần tôi đi học muộn, đứng chờ trước cửa, nghe có tiếng đàn vọng ra là tim tôi đập thình thình, tôi sợ bác mắng. Bác ra mở cửa, nhìn thấy tôi bé nhỏ đứng đợi, bác nghiêm giọng hỏi: “Tại sao cháu đi học muộn? Trễ 5 phút rồi đó!”. Và bác nói tiếp: “Trên đời này, bác quý nhất là 2 thứ: Đó là cây đàn piano và chiếc đồng hồ”. Chiếc đồng hồ - sau này lớn lên tôi mới hiểu hết ý nghĩa của nó, đó chính là thời gian.

“Biết nghe là điều quan trọng nhất” (Nghệ sĩ Nguyễn Thị Lan)

Từ bé đến giờ tôi thấy má (nhiều học trò gọi nghệ sĩ Thái Thị Liên là má- PV) rất hiền, luôn vui vẻ. Đôi lúc má cũng giận khi gặp chuyện bất bình. Tôi trộm nghĩ má cũng nhiều chuyện buồn, nhưng má không muốn ai buồn vì má cả.

Tôi học đàn piano với má gần như mười năm, có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Với cô học trò “quậy” như tôi, má cũng khổ.

Má nghiêm lắm, lại bắt được “vía” của tôi. Có lẽ cũng vì thế mà tôi ngoan hơn đó. Nhớ một lần trả bài, quên cả má ngồi cạnh, tôi say sưa chơi bản Etude Burgmuller mà tôi rất thích. Bất ngờ, má đập vào tay làm tôi giật mình suýt ngã. Má còn quát lên với vẻ giận lắm: “Pedal để thế bẩn quá, không nghe à, trời ơi là trời!”.

Đúng rồi, má luôn nhắc phải tập nghe. Thì ra, khi say sưa, tôi quên cả pedal, để lung tung chẳng kiểm soát được...Sau lần trả bài nhớ đời ấy, tôi mới biết nghe là điều quan trọng nhất đối với người chơi đàn.

{keywords}
Các thế hệ học trò trường nhạc mừng thọ nghệ sĩ, nhà giáo Thái Thị Liên. Ảnh: Từ Ngọc Lang

Người mẹ huyền thoại (Nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Châu)

Người mẹ - người thầy đầu tiên của Đặng Thái Sơn (nghệ sĩ châu Á đầu tiên đoạt giải Nhất Concours Chopin) – là một trong những pianist đầu tiên của Việt Nam, một trong bảy nhạc sĩ sáng lập Trường Âm nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và cũng là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1967).

Bà chào đời vào một ngày thu tháng 8/1918 trong một gia đình trí thức danh giá. Cha là Thái Văn Lân, một trong những kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp tại Pháp. Chị gái là Thái Thị Lang, nhà soạn nhạc nữ đầu tiên của Việt Nam, nghệ sĩ piano VN đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Paris và từng lưu diễn khắp Âu – Á – Mỹ. Anh trai là luật sư Thái Văn Lung hy sinh năm 1946 và tên ông được đặt cho một con đường giữa trung tâm TP.HCM.

Bảy anh chị em trong nhà đều biết đàn trước khi biết chữ. Với bà, kể từ những nốt nhạc đầu tiên học với các “xơ” năm 4 tuổi, cây đàn piano đã trở thành tình yêu và lẽ sống suốt cuộc đời đầy sóng gió.

Chọn con đường biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp, người phụ nữ trẻ đã rời Sài Gòn sang Pháp du học (1946). Paris là kinh đô ánh sáng, thành phố tình yêu, nơi nghệ sĩ dương cầm tương lai gặp nhà hoạt động cách mạng Trần Ngọc Danh (em ruột ông Trần Phú) lúc đó là Trưởng phái đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Bà đã kết hôn, rồi theo chồng công du sang Tiệp Khắc (1949) và hoàn thành chương trình đại học piano tại Nhạc viện Praha.

Bà về nước khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt (1951). Bay từ Praha sang Bắc Kinh, bà địu con gái Thu Hà chưa đầy 2 tuổi cuốc bộ xuyên rừng hơn trăm cây số tới chiến khu Việt Bắc đoàn tụ với chồng. Nuôi con nhỏ và chăm sóc chồng ốm nặng, đôi tay nghệ sĩ chẳng quản việc gì: từ nội trợ đến làm vườn, chăn nuôi gà, lợn và cả dê để có sữa cho người bệnh...Ông ra đi khi con trai chưa kịp chào đời. Bà một mình sinh con, một mình nuôi hai con nhỏ và âm thầm nuôi cả một tình yêu lớn cho âm nhạc....

Rồi bà cũng có cơ hội hoạt động âm nhạc khi tham gia Đoàn Ca múa nha dân TƯ. Lãnh đạo đoàn khi đó là thi sĩ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, người sau này đã cùng bà nên nghĩa vợ chồng và sinh ra Đặng Thái Sơn.

Với bà, tài sản duy nhất, niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời chính là các con. Ngoài Đặng Thái Sơn còn có một “cựu học trò” nữa là NGND, GS Trần Thu Hà –nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc và KTS Trần Thanh Bình, tác giả thiết kế toàn bộ cơ ngơi mới của Học viện.

Hạ Anh (giới thiệu từ “Ký ức về người thầy”)

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn gây bất ngờ trong đêm nhạc vinh danh mẹ

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn gây bất ngờ trong đêm nhạc vinh danh mẹ

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã có quyết định bất ngờ vào phút cuối trong đêm hoà nhạc vinh danh nghệ sĩ, nhà giáo Thái Thị Liên, cũng là người mẹ của ông.