Cả Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội và Trường ĐH Tôn Đức Thắng đều phản ứng trước thông tin Bộ GD-ĐT thông báo về việc 2 trường này “không hợp tác để thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng”.

Liên quan tới sự việc này, VietNamNet có cuộc trao đổi với TS Lê Mỹ Phong, phụ trách Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT:

- Phóng viên: Xin ông cho biết, kế hoạch thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH 2017 của Bộ GD-ĐT được ban hành dựa trên cơ sở nào? 

- TS Lê Mỹ Phong: Quy chế Tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017 ban hành 25/1/2017 đã quy định rõ: “Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia; chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án; đồng thời, gửi về Bộ GDĐT để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra…

Bộ GDĐT tổ chức thẩm định độc lập việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường. Nếu phát hiện trường hợp kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế thì Bộ GDĐT sẽ quyết định dừng tuyển sinh đối với ngành/nhóm ngành liên quan, đồng thời trường và cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý…”.

{keywords}
TS Lê Mỹ Phong, Phụ trách Phòng KĐCLGD, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT.

Trên cơ sở đó, ngày 27/3/2017, Bộ GDĐT đã ban hành Kế hoạch số 203/KH-BGDĐT về triển khai công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng (ĐBCL) giáo dục đại học năm 2017. Theo đó, để bảo đảm tính độc lập, khách quan, Bộ GD-ĐT giao cho 4 Trung tâm KĐCLGD huy động đội ngũ chuyên gia trong cả nước tiến hành thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL cho tất cả các trường ĐH; chỉ có 24 trường ĐH đã được công nhận đạt tiêu chuẩn KĐCL trường ĐH trước ngày 15/4/2017 được miễn thẩm định trong đợt này.

Để có được thông tin chính xác, công khai cho xã hội, việc thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL là một hoạt động chuyên môn cần thiết, là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện theo quy định của pháp luật, hoàn toàn không vi phạm quyền tự chủ của các trường. Hơn nữa, hoạt động này còn giúp cho các trường thực hiện tốt trách nhiệm giải trình trước xã hội về các điều kiện ĐBCL cơ bản của mình sau khi đã được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Việc thẩm định và xác nhận đã được tiến hành ra sao thưa ông?

- Đây là năm đầu tiên công tác này được thực hiện trên quy mô cả nước, việc thẩm định mới chỉ tập trung vào các điều kiện ĐBCL cơ bản của các trường ĐH, bao gồm: giảng viên cơ hữu; quy mô đào tạo; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu (diện tích đất, diện tích sàn xây dựng, các phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng thực tập, nhà tập đa năng, phòng học, thư viện, trung tâm học liệu). Đây cũng chính là những thông tin cơ bản mà nhà trường đã đưa vào đề án tuyển sinh trước mùa tuyển sinh để công khai trên mạng.

Công tác này đã được các Trung tâm KĐCLGD và các trường ĐH triển khai theo kế hoạch.

Quy trình thẩm định và xác nhận được thực hiện gọn gàng, không mất nhiều thời gian. Sau khi nghiên cứu trước hồ sơ, tổ thẩm định của Trung tâm KĐCLGD đến trường làm việc với lãnh đạo nhà trường và một số phòng/ban chức năng của trường trong 1 ngày để thống nhất các nội dung cần xác nhận dựa trên những minh chứng thực tế do nhà trường cung cấp.

Kết quả đến 30/6/2017 có 208 trường đại học đã được thẩm định, có biên bản thống nhất được ký xác nhận giữa nhà trường ĐH với Trung tâm KĐCLGD gửi về Bộ GDĐT, chỉ có 2 trường ĐH không hợp tác với các Trung tâm KĐCLGD để thực hiện việc này là Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Kế hoạch thẩm định này có phải là hoạt động kiểm định chất lượng đối với trường các trường ĐH không, thưa ông?

- Công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL không đồng nhất với hoạt động KĐCLGD.

KĐCLGD là một giải pháp quan trọng để bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, đây là xu hướng tích cực được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng. Đối với Việt Nam, KĐCLGD là bắt buộc.

Những năm gần đây, Bộ GDĐT chủ trương đẩy mạnh KĐCLGD đại học theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế, khuyến khích các cơ sở giáo dục, các chương trình đào tạo kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế có uy tín.

Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục gồm có 4 bước: tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định kết quả đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Muốn được đánh giá ngoài, nhà trường phải làm tốt báo cáo tự đánh giá và gửi cho Trung tâm KĐCLGD thẩm định về hình thức và nội dung. Có khá nhiều trường ĐH hoàn thành tự đánh giá nhưng chưa đạt yêu cầu nên các Trung tâm KĐCLGD sau khi thẩm định đã không chấp nhận ký hợp đồng đánh giá ngoài.

Còn việc thẩm định, xác nhận các điều kiện ĐBCL đối với các đại học, học viện, trường đại học (gọi chung là các trường ĐH) chỉ nhằm “chụp ảnh”, phản ánh một cách khách quan, trung thực các điều kiện ĐBCL cơ bản hiện có của trường ĐH.

Cũng cần nhấn mạnh rằng công tác thẩm định, xác nhận các điều kiện ĐBCL của trường ĐH cũng là thể hiện trách nhiệm công khai của nhà trường theo quy định. Việc công khai các điều kiện ĐBCL để phản ánh trung thực, khách quan các điều kiện ĐBCL hiện có của trường. Việc này không có nghĩa là tất cả các trường đã được thẩm định, xác nhận đều đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường ĐH.

"Hai trường đã có sự nhầm lẫn"

Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ và ĐH Tôn Đức Thắng đều phản ánh, trường đã có kế hoạch kiểm định riêng nên không thực hiện kiểm định với các trung tâm KĐCLGD theo chỉ định của Bộ, và đây cũng là quyền của các trường đã được quy định trong Luật Giáo dục Đại học. Ông lý giải thế nào về phản hồi này?

- Theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, các trường ĐH được lựa chọn tổ chức KĐCLGD trong số các tổ chức KĐCLGD được Bộ GDĐT công nhận để KĐCL.

Tuy nhiên, nhà trường đã nhầm lẫn khi cho rằng hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL thực hiện theo Kế hoạch số 203 cũng là KĐCLGD.

Cần thấy rõ hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL không phải là kiểm định. Việc Bộ GDĐT giao cho các Trung tâm KĐCLGD huy động các chuyên gia thực hiện là để tăng thêm tính độc lập, khách quan của công tác này.

{keywords}
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, trường đang có kế hoạch kiểm định riêng nên từ chối kiểm định theo chỉ định của trường

Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phân biệt được hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL với hoạt động KĐCLGD. Các ý kiến trao đổi, phản hồi của 2 trường chỉ đề cập đến việc nhà trường đã và đang làm một số khâu đầu tiên của công tác KĐCLGD, mà không hợp tác với Trung tâm KĐCLGD thực hiện việc thẩm định theo Kế hoạch số 203/KH-BGDĐT của Bộ GDĐT đã ban hành như tất cả các trường ĐH khác.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng phản ánh, Thanh tra Bộ GD-ĐT và Trung tâm KĐCLGD vào trường làm việc về cùng một vấn đề, nghĩa là trong 1-2 tuần, phải kiểm tra nhà trường 2 lần. Liệu việc này có gây ra sự chồng chéo trong công tác quản lý Nhà nước hay không, thưa ông?

- Hoạt động thanh tra có mục tiêu và đối tượng riêng, được thực hiện theo quy trình riêng, còn thành phần tổ thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL là những chuyên gia do Trung tâm KĐCLGD lựa chọn, phần lớn đến từ các trường ĐH khác đến để “chụp ảnh” lại các điều kiện ĐBCL cơ bản của trường để hai bên cùng xác nhận, sau đó, kết quả này sẽ cho công khai cho xã hội biết và giám sát.

Bộ GDĐT nhận được phản ảnh của các Trung tâm KĐCLGD về việc có trường viện lý do đang tiến hành kiểm định và đã được thanh tra, kiểm tra để không hợp tác thực hiện công tác thẩm định và xác nhận, kèm theo lý giải của các trường.

Bộ GDĐT cũng đã có Công văn số 2728/BGDĐT-QLCL ngày 27/6 gửi các trường về việc này, yêu cầu các trường hợp tác với các Trung tâm KĐCL để thực hiện công tác thẩm định, xác nhận điều kiện ĐBCL theo kế hoạch chung đã ban hành. Tuy nhiên, cả 2 trường này đã không hợp tác thực hiện.

Lê Văn (thực hiện)

Kiểm định chất lượng giáo dục: Gian nan bước khởi đầu

Kiểm định chất lượng giáo dục: Gian nan bước khởi đầu

Việt Nam bắt đầu triển khai KĐCL năm 2005, dù chậm hơn một chút nhưng không phải là quá trễ. Tuy nhiên, 12 năm mới hoàn thành vòng đầu thì đã tụt hậu.

Kiểm định chất lượng giáo dục: Nhìn từ góc độ kỹ thuật

Kiểm định chất lượng giáo dục: Nhìn từ góc độ kỹ thuật

Phân tích hệ thống kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục đại học Việt Nam từ góc độ tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định cũng như quy trình và cách thức triển khai, có thể thấy rõ sự lúng túng và thiếu ổn định của hệ thống này.

Kiểm định chất lượng giáo dục: Quốc gia hay quốc tế, trường hay chương trình?

Kiểm định chất lượng giáo dục: Quốc gia hay quốc tế, trường hay chương trình?

Các trường nên chủ động tham gia KĐCL quốc tế theo hướng nào cho hiệu quả?