Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, Đề án “Thí điểm chương trình đào tạo song bằng THCS Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE tại một số trường THCS tại Hà Nội” đã được Sở hướng dẫn các phòng GD-ĐT và các nhà trường triển khai thực hiện theo đúng các nội dung.

{keywords}
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội lý giải việc dừng tuyển sinh lớp 6 chương trình song bằng. Ảnh: Thanh Hùng

Theo Đề án được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2830 ngày 8/6/2018 thì Đề án này được thí điểm trong 6 năm.

Năm học 2018-2019: tuyển sinh mới lớp 6;

Năm học 2019-2020: tuyển sinh mới lớp 6 và dạy tiếp học sinh được lên lớp 7;

Năm học 2020-2021: tuyển sinh mới lớp 6 và dạy tiếp học sinh được lên lớp 7,8;

Năm học 2021-2022: dạy tiếp học sinh được lên lớp 7,8,9; không tuyển mới học sinh lớp 6.

Năm học 2022-2023: dạy tiếp học sinh được lên lớp 8,9;

Năm học 2023-2024: dạy tiếp học sinh được lên lớp 9 và đánh giá toán bộ Đề án.

Do đó, Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo các trường không tuyển mới lớp 6 chương trình đào tạo song bằng IGCSE tại các trường THCS tham gia Đề án từ năm học 2021-2022.

{keywords}
Các học sinh trong một buổi dự thi vào hệ song bằng. Ảnh tư liệu: Thanh Hùng

Theo lộ trình của Đề án, đến năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các sở, ngành tiến hành đánh giá toàn bộ Đề án. Trên cơ sở đánh giá kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; bài học kinh nghiệm,... Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu với TP Hà Nội, Bộ GD-ĐT về kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Phóng viên đặt câu hỏi đại diện Sở GD-ĐT nói rằng thời gian lộ trình của Đề án đã được nêu rõ trong văn bản phê duyệt, vậy tại sao trong hướng dẫn tuyển sinh lớp 6 năm học 2021-2022, Sở vẫn đưa thông tin tiếp tục.

“Theo kế hoạch tuyển sinh chung, đúng là ban đầu, có nêu ý đó. Nhưng dù đưa nội dung đó vào nhưng trong quá trình tuyển sinh, chúng tôi vẫn phải xin ý kiến của lãnh đạo TP Hà Nội. Sau khi xin ý kiến của lãnh đạo TP Hà Nội, chúng tôi buộc quyết định dừng tuyển sinh”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cho hay, thực tế các nội dung này các trường đều biết và nắm rõ. “Có thể do việc thông tin, tuyên truyền chưa rõ nên các phụ huynh chưa hiểu rõ”, ông Tiến nói.

“Chúng tôi cũng rất tiếc vì chi tiết của Đề án không được thông tin rộng rãi đến các phụ huynh. Chính vì thế một số phụ huynh vẫn tưởng rằng việc tuyển sinh vẫn sẽ được triển khai liên tiếp và không nắm được đến năm học này là dừng triển khai”.

Về việc điều tra của cơ quan công an, ông Tiến cho hay đây là công tác nghiệp vụ của phía công an.

“Bản thân chúng tôi cũng không nắm được tinh thần của việc điều tra này. Những nội dung đó liên quan đến các vấn để được coi là bảo mật quốc gia. Tôi cũng xin nhắc lại việc dừng tuyển sinh không phải vì việc có sự điều tra mà theo lộ trình vốn đã được quy định trong Đề án”, ông Tiến nói.

Ông Lê Hồng Chung, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nói rõ hơn về việc C03 Bộ Công an khi đến làm việc với Sở GD-ĐT Hà Nội và các trường: “Theo đề nghị của cơ quan công an, chúng tôi cung cấp thông tin cho họ chứ không phải phối hợp để điều tra. Do đó, các cơ quan báo chí nếu cần thêm thông tin có thể liên hệ tới cơ quan công an để có thể thông tin cần tìm hiểu”.

Về phía giáo viên giảng dạy chương trình đào tạo song bằng này, về hướng giải quyết, ông Tiến cho hay như các chương trình dạng ký kết hợp đồng khác, khi kết thúc Đề án thì các giáo viên sẽ tìm các công việc khác.

Ông Tiến cũng cho hay, các học sinh từng theo học hệ này vẫn có thể học theo chương trình bình thường của Bộ GD-ĐT, hoặc theo học các chương trình hệ Cambridge ở các trường quốc tế, tư thục; trường chất lượng cao. Do đó ông Tiến cho rằng, cơ hội của các học sinh là rất rộng.

Thanh Hùng

Lo 'vỡ trận' nếu Hà Nội dừng tuyển song bằng lớp 6

Lo 'vỡ trận' nếu Hà Nội dừng tuyển song bằng lớp 6

2 năm đồng hành cùng con ôn luyện vào hệ song bằng của Trường THCS Cầu Giấy, chị Điệp nói “không kịp trở tay” trước thông tin Hà Nội sẽ dừng tuyển sinh đào tạo hệ song bằng lớp 6 vào năm học tới.