Bôi kem chống nắng ban đêm sau một ngày ở ngoài trời nắng có thể giúp làm giảm nguy cơ phát triển ung thư da, theo một nghiên cứu mới.


{keywords}

Ánh sáng cực tím từ Mặt trời được cho là gây tổn hại tới ADN của chúng ta thông qua việc thúc đẩy sự hình thành một cấu trúc hình vòng bên trong ADN, có tên gọi là chất nhị trùng cyclobutane. Chất này ngăn cản việc đọc đúng mã di truyền và dẫn đến các lỗi trong hoạt động chức năng của các tế bào, khiến chúng phát triển thành ung thư.

Các nhà nghiên cứu phát hiện, phần lớn các tổn hại do ánh sáng cực tím gây ra do một ngày ngoài nắng, xảy ra vài giờ sau khi mặt trời lặn. Cụ thể là, năng lượng do các tế bào da có tên gọi melanocyte hấp thu từ mặt trời được chuyển tới ADN vào ban đêm, khiến nó bị phá hủy.

Giáo sư Douglas Brash, chuyên gia da liễu thuộc Đại học Yale (Mỹ), giải thích, các tế bào melantocyte sản sinh ra chất sắc tố melanin giúp bảo vệ da khỏi ánh sáng cực tím. Những người tóc vàng hoặc đỏ với làn da trắng có xu hướng ít melanin hơn trong da của họ, nên dễ bị ung thư da do cháy nắng hơn.

Tuy nhiên, ông Brash và các cộng sự khám phá ra rằng, chính melanin cũng chịu trách nhiệm gây ra các tổn hại vào ban đêm.

Trong các thí nghiệm sử dụng melanocyte của cả người và chuột, nhó của ông Brash nhận thấy, bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời khiến các enzym trong tế bào tạo ra 2 chất hóa học phản ứng với nhau. Quá trình này sẽ tạo ra năng lượng kích thích các electron trong melanin. Điều này đồng nghĩa với việc melanin hấp thu một phần năng lượng từ ánh sáng mặt trời hiệu quả.

Dẫu vậy, trong bóng tối, melanin chuyển số năng lượng này tới ADN, gây ra tổn hại tương tự như có thể xảy ra dưới trời nắng ban ngày. Ở các melanocyte không có melanin, tổn hại đối với ADN chỉ xuất hiện trong lúc tiếp xúc với mặt trời và không xảy ra sau đó.

Do đó, các nhà khoa học tin rằng, một dạng kem chống nắng bôi vào buổi tối có chứa vitamin E có thể giúp ngăn cản sự luân chuyển năng lượng gây hại.

Tuấn Anh (theo Daily Mail)