Khi bà Gertrude Weaver, 116 tuổi qua đời vì bệnh viêm phổi hồi tuần trước ở bang Arkansas, Mỹ, bà mới giữ danh hiệu người sống thọ nhất thế giới được vẻn vẹn 5 ngày. Khi qua đời, bà Weaver vẫn còn trẻ hơn cụ bà người Pháp Jeanne Calment, 122 tuổi, người lìa bỏ trần thế năm 1979 và hiện vẫn nắm giữ kỷ lục sống thọ nhất trong lịch sử loài người.
Liệu các gen có phải là chìa khóa giúp những người như bà Weaver và bà Calment sống lâu hơn đa số chúng ta? Với các loại biệt dược mới và tiến bộ trong khoa học - công nghệ, liệu chúng ta có thể nới lỏng giới hạn tuổi thọ của con người tới 130, hay thậm chí 200 tuổi?
Những người theo thuyết vị lai như Aubrey DeGrey cho rằng, việc loại bỏ chỉ một vài căn bệnh và tìm ra các cách mới chống lại sự lão hóa có thể giúp mang tới những con người sống thọ tới 1.000 tuổi. Tiến sĩ DeGrey đã thành lập công ty nhằm phát triển các ý tưởng của mình về sự trẻ hóa và kéo dài tuổi thọ và doanh nghiệp này dường như đang ăn nên làm ra nhờ đó.
Joon Yun, một quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm California, đã đề xuất "Giải thưởng tuổi thọ Palo Alto" trị giá 1 triệu USD nhằm thúc đẩy nghiên cứu về việc kéo dài 50% tuổi thọ của chuột thí nghiệm. Cho tới hiện tại đã có 15 nhóm nghiên cứu đăng ký tham dự cuộc thi này.
Năm 2014, Google tuyên bố một chi nhánh của hãng, có tên gọi Calico sẽ nghiên cứu các cách can thiệp để làm chậm lại quá trình lão hóa và chống lại những căn bệnh liên quan đến lão hóa. Trong khi đó, Craig Ventner - một cựu chuyên gia nghiên cứu hệ gen người, đã thành lập một công ty mới có tên gọi Human Longevity Inc. để xem xét các cơ sở dữ liệu về những người "siêu thọ" như bà Weaver và cố gắng tìm ra mã gen giúp chúng ta sống lâu hơn.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khác quả quyết, dù tiêu tốn bao nhiêu tiền đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể giúp cơ thể con người vượt qua giới hạn của nó. Họ tin rằng, các thói quen và lối sống tốt có thể kéo dài cuộc sống, nhưng không thể thay đổi hoàn toàn tuổi thọ tự nhiên của chúng ta.
"Liệu chúng ta có nên thay đổi mục tiêu là đưa một vài người sống tới 130 tuổi hoặc đề ra một mục tiêu dễ đạt được hơn là giúp nhiều người hơn sống khỏe mạnh trong phần lớn cuộc đời của họ?", Thomas Perls, giáo sư chuyên ngành lão khoa đến từ Trường Thuốc thuộc Đại học Boston (Mỹ), nói.
Ông Perls hiện là chủ nhiệm một nghiên cứu về những người sống trên 100 tuổi ở Trung tâm y tế Boston. Ông và các cộng sự đang xem xét các gen của những người sống hơn 100 tuổi và cả những người "siêu thọ", sống hơn 110 tuổi. Ông tiết lộ đã phát hiện nhiều gen có thể nắm giữ chìa khóa chống lại các căn bệnh liên quan đến lão hóa, nhưng vấn đề chính vẫn chưa được giải quyết.
"Chúng ta phải hiểu rõ tại sao những người này (siêu thọ) lão hóa chậm hơn rất nhiều so với phần còn lại trong chúng ta", ông Perls nhấn mạnh.
Tuấn Anh (Theo Discovery)