Sự kiện mất nguồn phóng xạ gần như rộ lên đồng thời ở Mỹ và ở nước ta. Nhưng ở bên kia Thái Bình Dương đã tìm ra nguồn, còn ở bên này nguồn vẫn chưa biết nằm ở đâu. Dù sao cũng được thêm một bài học quý.

Sự trùng lặp tình cờ

Ở nước Mỹ, vào tháng 3 vừa qua một máy đo có chứa nguồn phóng xạ vừa bị đánh cắp từ một địa điểm xây dựng ở Tây Bắc Pulaski thuộc Arkansas. Thời điểm mất nguồn và thời điểm Sở Y tế Arkansas nhận được báo cáo sự việc này rất có thể trong cùng một ngày 30/3/2015, nếu có chênh lệch thì có thể tính bằng giờ hoặc cùng lắm cũng chỉ một vài ngày.

{keywords}
Máy đo chứa chất phóng xạ bị đánh cắp và tìm thấy tại địa điểm xây dựng ở Tây Bắc Pulaski thuộc Arkansas, Mỹ. Ảnh: Arkansas.com

Và thật tình cờ, ở bên này đại dương, tại Việt Nam, cũng vào tháng 3 này nhiều người bỗng xôn xao về sự biến mất một thiết bị chứa nguồn phóng xạ tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mất nguồn vào ngày tháng nào chưa rõ, có thể tháng 11 năm 2014 và cũng không loại trừ xảy ra trước đó nữa, tận tháng 9/2014. Chỉ biết, cũng vào tháng 3, cụ thể vào ngày 25/03/2015 Ban Tổng giám đốc Nhà máy thép Pomina 3 – chi nhánh POM mới biết nguồn phát xạ bị mất cắp trong kho lưu giữ và mãi đến ngày 1/4/2015 mới báo lên Sở Khoa học & Công nghệ và Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Sự khác biệt đáng kể

Ngoài sự trùng lặp kể trên, đáng chú ý là sự khác biệt sau đây giữa hai sự kiện mất nguồn phóng xạ. Ở bên kia Thái Bình Dương, khoảng cách thời gian mất nguồn và nhận được báo cáo cũng chỉ trong một vài ngày thậm chí có thể trong vài giờ. Còn ở ta, khoảng cách thời gian này có thể lên đến 3-4 tháng hay nhiều hơn nữa.

Và sự khác nhau đáng kể hơn cả là ở nước Mỹ máy đo có chứa chất phóng xạ bị mất ngày 30/3/2015 tại Tây Bắc Pulaski thuộc Arkansas đã được tìm thấy sau hơn một tuần, vào ngày 8/4/2015 ở một địa điểm cũng thuộc Pulaski. Và không có dấu hiệu nào chứng tỏ nguồn phóng xạ đã gây ra tác động sức khỏe cho bất cứ ai trong suốt quá trình thiết bị này bị mất cắp. Còn chiếc máy đo được tìm thấy không bị hư hỏng, và đã được đưa tới một địa điểm để cất giữ.

Còn ở nước ta, thời điểm mất nguồn có thể là vào tháng 11 năm 2014 và cũng có thể trước đó nữa, vào tháng 9/2014. Như vậy, sau khi mất nguồn gần nửa năm hay có thể đến 8 tháng, nhiều cuộc tìm kiếm đã diễn ra ở vùng Bà Rịa – Vũng Tàu, vẫn chưa tìm thấy ở đâu cả.

Rõ ràng đây là sự khác biệt đáng kể giữa hai trường hợp mất nguồn phóng xạ. Mặc dù mức độ nguy hiểm giữa hai nguồn phóng xạ bị mất không khác nhau bao nhiêu.

Cấp độ nguy hiểm gần nhau

{keywords}
Nguồn phóng xạ Co-60 bị mất ở Nhà máy thép Pomina 3. Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu

Sự khác biệt về sự bảo quản và tìm kiếm nguồn phóng xạ bị mất ở hai nơi quả là đáng kể. Điều nay không thể biện minh bằng mức độ nguy hiểm khác nhau giữa hai nguồn phóng xạ bị mất. Vì thực sự số liệu khoa học (trong bản Phụ lục 1 kèm theo dưới đây) chứng tỏ: các nguồn phóng xạ trong máy đo bị mất ở Arkansas (Mỹ) và trong thiết bị ở Bà Rịa - Vũng Tàu (Việt Nam) tác hại đến con người gần như nhau nếu không nói nguồn phóng xạ của Arkansas có phần ít gây tác hại với người tiếp xúc hơn.

Chính Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), dựa vào các kết quả xác định ảnh hưởng đến sức khỏe con người do bức xạ phát ra từ các nguồn phóng xạ khác nhau có tính toán đến hàng loạt yếu tố như năng lượng, cường độ bức xạ, thời gian chiếu, sự che chắn v.v....đã đưa ra bảng phân loại nguồn phóng xạ với 5 mức khác nhau theo thứ tự mức độ nguy hại giảm dần từ loại 1 (cao nhất) đến loại V (thấp nhất).

Bảng phân loại phóng xạ có thể xây dựng theo hình thức sử dụng nguồn phóng xạ (tiêu chuẩn a), hoặc theo mức độ nguy hại phổ biến xảy ra với nguồn phóng xạ như nguy hại do tiếp xúc gần các nguồn phóng xạ (tiêu chuẩn b) và nguy hại khi vật liệu làm nguồn phóng xạ này bị phát tán vào môi trường do cháy hoặc nổ (tiêu chuẩn c). Trong trường hợp cụ thể đang xem xét, thích hợp nhất là sử dụng tiêu chuẩn b.

Đối với sự đánh giá theo tiêu chí “Các nguy hại khi tiếp xúc gần các nguồn phóng xạ”, các nguồn phóng xạ được phân loại như sau:

- Nguồn loại I: Nguồn loại này cực kỳ nguy hiểm cho con người. Nếu không được quản lý an toàn và bảo vệ an ninh, nguồn loại này sẽ gây tổn thương lâu dài cho con người cầm nó hay tiếp xúc với nó trong vài phút. Nguồn phóng xạ loại này có thể gây chết người nếu tiếp xúc trong khoảng vài phút đến một giờ.

- Nguồn loại II: Nguồn loại này rất nguy hiểm cho con người. Nguồn loại này nếu không được quản lý an toàn và bảo vệ an ninh sẽ gây tổn thương lâu dài cho con người cầm nó hay tiếp xúc với nó trong thời gian ngắn từ vài phút đến vài giờ. Nguồn phóng xạ loại này có thể gây chết người nếu tiếp xúc trong khoảng vài giờ đến vài ngày.

- Nguồn loại III: Nguồn loại này cũng nguy hiểm cho con người. Nguồn loại này nếu không được quản lý an toàn và bảo vệ an ninh sẽ gây tổn thương lâu dài cho con người cầm nó hay tiếp xúc với nó trong thời gian nhiều giờ. Nguồn phóng xạ loại này có thể gây chết người, tuy nhiên với xác suất rất thấp, nếu tiếp xúc trong khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần.

- Nguồn loại IV: Nguồn phóng lại loại này có xác suất thấp gây nguy hiểm cho con người. Xác suất thấp là nguồn phóng xạ loại này có thể gây tổn thương lâu dài cho con người. Tuy nhiên, nguồn phóng xạ loại này nếu không được quản lý an toàn và bảo vệ an ninh thì cũng có thể, mặc dù xác suất thấp, gây tổn thương tạm thời cho con người cầm nó hay tiếp xúc với nó trong thời gian nhiều giờ hay ở gần nó trong nhiều tuần.

- Nguồn loại V: Phần lớn là không nguy hiểm cho con người. Không người nào có thể bị tổn thương bởi nguồn phóng xạ loại này.

Theo tiêu chí phân loại nguồn phóng xạ trên đây và dựa vào các đặc trưng phóng xạ của 2 nguồn của Arkansas (Am-214 và Cs-137) và của Bà Rịa-Vũng Tàu (Co-60), có thể xếp các nguồn phóng xạ này cùng vào loại V. Tuy nhiên, cả 2 nguồn cũng đều đang sử dụng trong thiết bị công nghiệp với hoạt độ nhỏ nên có thể xếp cao hơn, vào loại IV theo lý do mà cơ quan quản lý cao nhất trong nước về an toàn bức xạ và hạt nhân là: “nguồn phóng xạ loại này nếu không được quản lý an toàn và bảo vệ an ninh thì cũng có thể, mặc dù xác suất thấp, gây tổn thương tạm thời cho con người cầm nó hay tiếp xúc với nó trong thời gian nhiều giờ hay ở gần nó trong nhiều tuần”.

Vài lời kết

Thiết bị trong dây chuyền sản xuất ở nhà máy thép ở Bà Rịa-Vũng Tàu và chiếc máy đo tại địa điểm xây dựng ở Arkansas đều dùng các nguồn phóng xạ tương đương nhau về mức độ an toàn đối với người sử dụng. Hoạt độ phóng xạ nói chung gần như cùng bậc, chỉ về mặt tác động đến người xung quanh thì nguồn gamma từ Co-60 ở Bà Rịa-Vũng Tàu mạnh hơn nguồn Cs-137 ở Arkansas.

Việc cả hai thiết bị có sử dụng nguồn phóng xạ ở Việt Nam và Mỹ được xếp vào loại IV là hợp lý. Nhưng điều đáng quan tâm là vấn đề quản lý những thiết bị này ở hai bên sử dụng. Ở bên kia, khi bị mất là cấp quản lý được báo cáo ngay và nắm chắc sự kiện, còn ở bên này các động tác đó còn chậm và sơ lược hơn. Và điều quan trọng nữa là ở bên kia sau 8 ngày chất phóng xạ mất đã tìm lại được, còn ở bên này có lẽ trên dưới nửa năm rồi vẫn chưa thấy tung tích ở đâu.

Nguồn phóng xạ bị mất chưa quá lớn, tiền bạc mất đi chưa quá nhiều, nhưng bài học kinh nghiệm rút ra của các ngành và các cấp hữu quan hẳn phải là bài học lớn. Nhìn người mà ngẫm đến ta!

Phụ lục 1: Vài đặc trưng của các nguồn phóng xạ vừa mất ở VN và USA

a/ Thiết bị chứa nguồn phóng xạ mất ở Bà Rịa-Vũng Tàu (VN). Thiết bị này chỉ chứa chất phóng xạ Co-60.

- Hoạt độ chất phóng xạ duy nhất Co-60 tính đến khi mất khoảng 2,5mCi (mili Curie).

- Sơ đồ phân rã của Co-60 như sau:

{keywords}

Đáng quan tâm ở đây là chu kỳ bán rã của Co-60 bằng 5,272 năm và hai loại tia phóng xạ gamma phát ra cường độ gần như nhau và năng lượng mỗi tia gamma khác nhau không đáng kể; 1,1732 MeV và 1,3325 MeV.

b/ Máy đo bị mất ở Arkansas (Mỹ). Máy này chứa hai chất phóng xạ:

- Một là Am-241 với hàm lượng 40mCi, phân rã rất yếu (tương ứng với chu kỳ bán rã rất dài, những 432,2 năm) bằng cách phát ra các hạt anpha chạy được quãng đường rất ngắn kể cả trong không khí và các bức xạ gamma cũng rất mềm (động năng mỗi bức xạ gamma chỉ khoảng vài chục keV) nên khả năng đâm xuyên thấp. Nói cách khác, tác hại chiếu xạ lên người khi ở gần một lượng nhỏ Am-241 có thể bỏ qua.

- Đáng chú ý hơn chỉ là chất phóng xạ Cs-137 với sơ dồ phân rã sau:

{keywords}

- Hoạt độ phóng xạ Cs137 trong chiếc máy đo khoảng 8mCi. Với Cs-137 cần lưu ý đến bức xạ gamma, nhưng gamma phát ra ở đây có độ đâm xuyên thấp (năng lượng mỗi bức xạ gamma của Cs-137 là 0,6617 MeV, chỉ bằng ½ năng lượng bức xạ của Co-60).

Minh Trần