Nhiều DNNN mất phương hướng
Tiến hành xây dựng và lấy ý kiến về Đề án quản trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn đánh giá: Thể chế quản trị DNNN, đặc biệt là việc triển khai trên thực tế còn có khoảng cách so với thông lệ quốc tế, dẫn tới DNNN chưa hoàn thành mục tiêu “đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp”.
Tại từng DNNN, mục tiêu của chủ sở hữu nhà nước chưa thực sự rõ ràng, nhiều trường hợp chưa nhất quán với mục tiêu đầu tư vốn nhà nước đã được pháp luật quy định. Bằng chứng là vốn sở hữu nhà nước vẫn tiếp tục hiện hữu tại các doanh nghiệp không thuộc ngành, lĩnh vực đầu tư vốn nhà nước theo quy định của Luật số 69 (Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp).
Dự án đạm Hà Bắc vẫn ngập trong thua lỗ. |
Nhiều doanh nghiệp nhà nước không có mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, ảnh hưởng không tốt đến thực hành quản trị DNNN theo thông lệ chung.
“Việc duy trì quá nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là rào cản để chủ sở hữu nhà nước áp dụng các thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.
Các mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước hiện đại yêu cầu các quốc gia hạn chế việc tạo ra khung khổ pháp lý riêng biệt cho doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích đẩy mạnh quá trình “công ty hóa” DNNN.
Ở Việt Nam, quá trình công ty hóa DNNN đã được hoàn thành từ năm 2010 khi toàn bộ doanh nghiệp nhà nước chuyển thành công ty cổ phần, công ty TNHH. Tuy vậy, bộ phận quan trọng nhất là các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vẫn có khung khổ quản trị riêng theo quy định của Luật số 69 và văn bản hướng dẫn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Việc hình thành một hệ thống khung khổ pháp lý riêng biệt như vậy không phải là điều kiện tốt để chủ sở hữu có thể áp dụng các chuẩn mực tốt về cách thức và công cụ thực hiện vai trò chủ sở hữu trong quán trị doanh nghiệp như cổ đông của mô hình công ty cổ phần đa sở hữu. Trên thực tế, những vướng mắc, bất cập trong quản trị DNNN chủ yếu diễn ra đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Khó đào thải DNNN thua lỗ, yếu kém
Pháp luật về giải thể và phá sản của Việt Nam tương đối đầy đủ, được áp dụng chung, không phân biệt DNNN hay doanh nghiệp tư nhân. Ngay từ năm 1995, Luật doanh nghiệp nhà nước đã khẳng định DNNN phải bị giải thể, phá sản theo pháp luật về giải thể, phá sản.
Các dự án yếu kém ngành Công Thương chưa dự án nào giải thể, phá sản. |
Mặc dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Số lượng DNNN bị phá sản trên thực tế rất thấp, không tương xứng với số lượng doanh nghiệp nhà nước trong tình trạng phải bị phá sản theo quy định.
Vì nhiều lý do kinh tế, xã hội, chủ sở hữu nhà nước, chủ nợ và các chủ thể có quyền yêu cầu đệ đơn phá sản DNNN không muốn áp dụng biện pháp phá sản DNNN. Biện pháp xử lý thông thường vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi bằng các công cụ hoãn, giãn nợ thuế, nợ tín dụng. Việc xử lý 12 dự án yếu kém ngành Công Thương là ví dụ.
Một bất cập khác, đó là cơ quan đại diện chủ sở hữu có quyền can thiệp mạnh vào hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi dự án thua lỗ, thất thoát lại khó quy trách nhiệm cho đại diện chủ sở hữu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ sở hữu nhà nước còn quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản trị kinh doanh, nhất là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Chẳng hạn, đối với DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ, hệ thống pháp luật quy định doanh nghiệp phải trình cơ quan đại diện chủ sở hữu và các cơ quan liên quan xem xét, quyết định những vấn đề thuộc lĩnh vực quản trị doanh nghiệp như quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty,...
Với cơ chế hiện hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khó xác định được trách nhiệm giải trình của cơ quan đại diện chủ sở hữu trước Quốc hội và Chính phủ trong quản lý vốn nhà nước theo yêu cầu của thông lệ quản trị DNNN. Đơn cử như đối với các vụ việc thua lỗ, thất thoát tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp diễn ra trong thời gian qua.
Cần truy trách nhiệm đại diện chủ sở hữu, lãnh đạo doanh nghiệp |
Một trong nhiều giải pháp khắc phục tình trạng trên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế để DNNN thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng. Trong đó, gia tăng trách nhiệm phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động kinh doanh, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu nhà nước phải đạt mức cao hơn mức bình quân của toàn bộ khu vực doanh nghiệp thuộc ngành kinh doanh chính; Cho phép doanh nghiệp tự chủ trong cơ cấu lại vốn và tài sản trong khuôn khổ mục tiêu và các chỉ tiêu đã định. “Đại diện chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp phải trực tiếp chịu trách nhiệm giải trình đối với kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, không bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, không thanh toán được nợ đến hạn thì đại diện chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp phải bị thay thế và xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật về những sai phạm (nếu có)”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất. |
Lương Bằng
Ứng ra 97 triệu USD trả nợ 'thay' cho dự án đắp chiếu
Dự án nhà máy giấy Phương Nam là một trong 12 dự án yếu kém, đắp chiếu ngành Công Thương. Đến nay, quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng ra 97 triệu USD trả nợ thay cho dự án.