Quản Grab, Uber theo đề xuất mới

Mới đây, ngày 11/4, Bộ GTVT sau khi họp với các doanh nghiệp, hiệp hội kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã tiếp tục đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Theo đó, Bộ GTVT tiếp tục giữ nguyên định nghĩa về xe taxi và xe hợp đồng như bản dự thảo hôm 3/4. Xe taxi là ô tô dưới 9 chỗ, có đồng hồ tính tiền hoặc kết nối hành khách qua phần mềm, còn xe hợp đồng không theo tuyến cố định là sử dụng ô tô thực hiện hợp đồng vận chuyển với hành khách bằng văn bản giấy hoặc hợp đồng điện tử qua phần mềm. 

{keywords}
Bộ GTVT quản Grab, Uber theo đề xuất mới

Với định nghĩa này, theo các chuyên gia, vấn đề xếp loại hình vận tải sử dụng công nghệ như Uber, Grab… sẽ là taxi hay xe hợp đồng vẫn bị lẫn lộn, không rõ ràng.

Về điều kiện kinh doanh taxi, bản dự thảo mới đã có một số đề xuất chi tiết hơn, nhưng về cơ bản vẫn xem loại hình kinh doanh như Uber, Grab... là xe hợp đồng điện tử.

Cụ thể, xe taxi phải có phù hiệu “XE TAXI” dán trên kính xe và phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu của hộp đèn là 12 cm x 30 cm. Trong đó, với xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền, phải có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền trả cho hành khách…

Với taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (phần mềm tính tiền), trên xe phải có thiết bị kết nối với hành khách, tiền cước tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số. Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và đã thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định…

Về xe hợp đồng, dù đã định nghĩa toàn bộ xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải hành khách là xe taxi, nhưng vẫn có loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ.

Theo đó, dự thảo quy định: Trường hợp xe ô tô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ “XE HỢP ĐỒNG” gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 cm x 30 cm; phần mềm cũng phải cung cấp các thông tin như áp dụng với xe taxi điện tử (như quy định trên).

Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện chuyển đi phải gửi thông tin tới Sở GTVT nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (Email).

Với quy định trên, loại hình kinh doanh vận tải điện tử như Uber, Grab, Emddi, Bee, Vato… có thể lựa chọn mình là taxi điện tử hoặc xe hợp đồng điện tử, nhưng về quy định áp dụng là gần như nhau. Đặc biệt, xe taxi điện tử phải có mào “TAXI”, còn xe hợp đồng điện tử phải có mào “XE HỢP ĐỒNG”.

Grab, Uber là kinh doanh vận tải có tổ chức?

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV; Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân phân tích: Việc Grab, Uber định giá cước, thu phí % không những gián tiếp tham gia dịch vụ vận tải hành khách, mà có thể nói là đầu mối tổ chức kinh doanh vận tải , không phải kinh doanh công nghệ. 

{keywords}
PGS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV; Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân

PGS.TS Hoàng Văn Cường dẫn ví dụ: “Nếu một nhà hàng mua phần mềm quản lý phục vụ bán hàng, trả cố định theo tháng, không phụ thuộc vào doanh thu hàng tháng của cửa hàng; đơn vị bán phần mềm quản lý đó cũng không can thiệp vào quá trình kinh doanh của cửa hàng đó, thì đơn vị bán phần mềm quản lý kia mới gọi là đơn vị kinh doanh phần mềm, công nghệ.

Ở đây, Grab, Uber cung cấp dịch vụ công nghệ gọi/đặt xe cho khách; đưa ra mức cước cho một chặng hành trình cụ thể, sau đó thu % tổng cước chuyến đó của người tài xế. Như thế có nghĩa là, phần mềm này là một khâu đoạn của quy trình kinh doanh dịch vụ vận tải chở khách chứ không thuần túy chỉ là phần mềm đặt/gọi xe dịch vụ.

Ngoài ra, Grab, Uber còn chủ động đưa ra phương thức tính giá theo các khung giờ khác nhau: giờ cao điểm một giá, giờ bình thường một giá… Tiền cước khách hàng trả cho tài xế ngay lập tức được trích % và đổ vào tài khoản của Uber, Grab. Người chủ xe không có quyền tính cước cho khách, mà chỉ đơn thuần thực hiện theo mệnh lệnh, mức giá mà Uber – Grab đã báo giá.

Như thế, họ là đơn vị tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải chứ không thuần túy là kinh doanh công nghệ như họ vẫn nói” – ông Cường lập luận.

Không phủ nhận tính ưu việt của loại hình mới như người sử dụng có thêm nhiều lựa chọn theo nhu cầu, chất lượng, thái độ phục vụ… của Uber, Grab nhiều khác biệt so với taxi truyền thống, Phó Hiệu trưởng ĐH KTQD nêu quan điểm, cần có cơ chế quản lý cụ thể về mặt nhà nước đối với loại hình dịch vụ mới này.

“Cuộc cách mạng 4.0 đang bùng nổ, công tác quản lý nhà nước cũng cần thay đổi phương thức. Thay vì giám sát bằng người, sẽ giám sát, theo dõi bằng camera hành trình, hộp đen lắp trong xe. Xe nào vi phạm tuyến đường cấm/giờ cấm đường sẽ phạt tự động. Chính vì thế, cần phải bàn về vấn đề taxi truyền thống có mào nên mặc định nhận biết, phân biệt được bằng mắt thường. Còn Uber, Grab không gắn mào, như xe bình thường nên họ không bị cấm đường/cấm giờ ở nhiều vị trí… Xét khía cạnh này, thì đúng là taxi truyền thống thêm thiệt thòi.

Về góc độ quản lý nhà nước, việc áp thuế đối với Uber, Grab trên tư cách là đơn vị tổ chức/tham gia kinh doanh vận tải hành khác, PGS.TS Hoàng Đức Cường thẳng thắn: Uber/Grab lưu giữ thông tin các cuốc chạy khách ở phần mềm từ tổng đài. Cơ quan thuế có quyền truy cập để đối chứng, thống kê, kiểm chứng từ đó có mức thu thuế cụ thể. Nắm được đầu mối cung cấp/tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải để đánh thuế chứ không đi quản lý đối tượng sử dụng phần mềm đã trả phí (tài xế chạy xe).

“Đây là hình thức quản lý và thanh toán điện tử, phù hợp với thời kỳ công nghệ số hiện nay. Nên nhìn vào bản chất họ là đầu mối tổ chức kinh doanh chở khách, từ khâu khớp nối khách và lái xe; đưa ra mức giá, tính cước để khách chi trả. Người tài xế chạy Grab – Uber chỉ là người đi làm thuê, được hưởng lợi nhuận từ việc họ góp “cổ phần” bằng tài sản là phương tiện; thời gian, công sức, chi phí xăng xe bến bãi… từ đó hình thành tỷ lệ ăn chia”.

PGS.TS Hoàng Văn Cường nhận định, cần coi Grab, Uber là loại hình kinh doanh vận tải hành khách có tổ chức chứ không phải là kinh doanh công nghệ.

Vì sao 4.000 xe Grab hoạt động nhưng Đà Nẵng không thu được một xu tiền thuế?

Vì sao 4.000 xe Grab hoạt động nhưng Đà Nẵng không thu được một xu tiền thuế?

Tại Đà Nẵng có hơn 4.000 ô tô của Grab hoạt động dịch vụ vận tải hành khách nhưng công ty chủ quản không đóng một đồng thuế nào cho thành phố.

Thái Bình