Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20 liên quan đến quy định nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng. Theo đó, Bộ này đồng ý bãi bỏ Thông tư 20, nhưng lại “đá bóng” sang Bộ Giao thông vận tải để ban hành một loại giấy phép khác.

Bỏ giấy phép này, “đẻ” giấy phép khác

Nói về hoàn cảnh ra đời của Thông tư 20, Bộ Công Thương cho rằng nó được ban hành không nhằm "hạn chế nhập khẩu" hoặc "kiềm chế nhập siêu". Mục đích của thông tư này là "bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ".

Trước các ý kiến liệt kê Thông tư 20 là điều kiện kinh doanh trái luật, cần phải được bãi bỏ, Bộ Công Thương cho rằng đó không phải là điều kiện kinh doanh mà đơn thuần là một thủ tục hành chính, được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để bảo đảm một mục tiêu quản lý.

Vì thế, Thông tư 20 “không phải tự động bãi bỏ theo quy định của Luật Đầu tư 2014”, Bộ Công Thương khẳng định.

{keywords} 

Bộ Công Thương cũng cho rằng, Thông tư 20 không vi phạm quy định nào của Luật Cạnh tranh.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là Bộ này lại đề nghị Thủ tướng cho phép bãi bỏ thông tư này. Bộ Công Thương lý giải: Thông tư 20 tuy không trái luật, lại có mục tiêu chính đáng, nhưng chưa phải là giải pháp toàn diện nhất và tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông.

Với lý do hoa quả nhập khẩu cũng cần có điều kiện nữa là ô tô, cơ quan này cho rằng: Để thực sự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông, các quy định như của Thông tư 20 cần được áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia lưu thông, bất kể là xe chở người hay chở hàng, bất kể nơi sản xuất.

"Đá bóng" sang Bộ GTVT, Bộ Công Thương cho rằng: Cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành các quy định như vậy là Bộ GTVT, không phải Bộ Công Thương; và quy định đó phải là quy định trong nước, áp dụng chung cho cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, không nên chỉ quy định tại cửa khẩu.

“Theo đó, tất cả các loại phương tiện, nếu không được nhà sản xuất hoặc người được nhà sản xuất ủy quyền đứng ra chịu trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng đều không được phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam”, Bộ Công Thương trình bày.

Bộ Công Thương đề nghị giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20.

Với các phân tích trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.

Chính vì thế, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng “bãi bỏ Thông tư 20 khi các quy định do Bộ GTVT ban hành chính thức có hiệu lực”.

Vẫn dành ưu tiên cho các "ông lớn"

Tự nhận là một “nạn nhân” của Thông tư 20 và đấu tranh quyết liệt bỏ thông tư này, ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Hà, không khỏi băn khoăn khi Bộ Công Thương muốn Bộ GTVTi ra một văn bản khác trước khi bỏ Thông tư 20.

{keywords} 

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Đình Quyết nhận định: Xe ô tô thuộc nhóm 2, là loại sản phẩm phải quản lý chất lượng và an toàn. Do vậy, yêu cầu Bộ GTVT ra một văn bản tương đương Thông tư 20 là hoàn toàn không cần thiết.

Mặt khác, theo ông Quyết, nếu đưa ra quy định các trạm bảo hành, bảo dưỡng phải được “nhà sản xuất chính hãng hoặc người được nhà sản xuất chính hãng xác nhận” thì chẳng khác gì việc tiếp tục trao quyền lực cho các “ông lớn” ô tô.

Điều này không phù hợp vì nếu quy định như vậy sẽ tạo ra độc quyền trong kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng xe ô tô và trở thành một loại điều kiện kinh doanh của nhập khẩu ô tô.

“Các yêu cầu của Bộ Công Thương trong văn bản này đã xâm hại lợi ích của người sử dụng xe ô tô tại Việt Nam”, ông Quyết nhấn mạnh.

Trên thực tế, không chờ đến khi Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng về bãi bỏ Thông tư 20, hiện Bộ GTVT đã soạn Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.

Trong phần hồ sơ đăng ký kiểm tra xe, có quy định xe cơ giới nhập khẩu phải nộp Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp, hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng. Đây là quy định mới so với trước.

Theo các doanh nghiệp, quy định này một lần nữa lại làm khó xe nhập không chính hãng.

Ông Nguyễn Tuấn, Công ty TNHH Thiên Phúc An, nói: “Trước đây khi nhập khẩu xe nguyên chiếc về cửa khẩu, chúng tôi chỉ cần làm bản kê khai theo mẫu của cơ quan Đăng kiểm và cung cấp bản sao thông số kỹ thuật của xe là đủ. Nay phải nộp thêm Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất, hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, chắc chắn sẽ thêm khó khăn cho nhập khẩu xe”.

Theo các doanh nghiệp, để có được những giấy tờ này, với nhập xe không chính hãng khó bằng "leo lên giời". Giấy này chỉ những nhà phân phối chính thức, hoặc công ty con của nhà sản xuất tại Việt Nam, mới có được. Các doanh nghiệp nhỏ thường mua xe từ các đại lý thứ cấp, hoặc nước thứ 3 thì “còn lâu mới kiếm ra”.

Nhiều DN cho rằng, việc yêu cầu các đại lý thứ cấp lo những giấy tờ này cho doanh nghiệp Việt Nam là không thể, chính vì vậy sẽ không thể làm thủ tục nhập khẩu xe vào Việt Nam.

Lương Bằng