Bộ Tài chính cho rằng không nên xuất khẩu cát nhiễm mặn vì mặt hàng này không chỉ là khoáng sản mà còn là nền móng hình thành lên lãnh thổ quốc gia.

Góp ý với đề xuất xuất khẩu cát nhiễm mặn thu hồi từ các dự án nạo vét khơi thông luồng, Bộ Tài chính cho rằng nên cân nhắc.

Ảnh minh họa

Theo quy định của Bộ Xây dựng, cát nhiễm mặn thuộc danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng không được phép xuất khẩu (trừ các dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép, địa phương không có nhu cầu sử dụng).

Theo Bộ Tài chính, mặt hàng này không chỉ là khoáng sản hay là vật liệu để sử dụng trong xây dựng và san lấp mặt bằng của các công trình xây dựng mà còn là nền móng hình thành lên lãnh thổ quốc gia, không phải là nguồn tài nguôn vô hạn. Trong khi đó, trong nước cũng có nhu cầu về sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu để san lấp, bồi đắp.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần ưu tiên nhu cầu sử dụng trong nước trong bối cảnh các nước trong khu vực thu mua cát để bồi đắp, mở rộng lãnh thổ thì nước ta lại xuất khẩu mặt hàng này với giá trị thấp.

“Trường hợp nhu cầu trong nước tại thời điểm này chưa sử dụng thì nên tính đến phương án dự trữ làm nguồn sử dụng lâu dài, tránh việc phải nhập khẩu trong tương lai như hiện trạng của một số mặt hàng khoáng sản hiện nay”, Bộ Tài chính lưu ý.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành liên quan đánh giá tác động môi trường của hoạt động khai thác nạo vét cát nhiễm mặn khơi thông luồng tại một số cảng biển thời gian vừa qua. Trong đó phải đánh giá được mức độ, khả năng gây biến đổi môi trường sinh thái khu vực khai thác cát, khả năng xảy ra sạt lở, sụt lún bờ, nền đất tại các khu vực lân cận nơi nạo vét, khai thác cát để có phương án đảm bảo an toàn, môi trường và dân sinh phù hợp.

L.Bằng