Thiếu doanh nghiệp tầm cỡ

Theo các chuyên gia kinh tế, để tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ từ nay đến 2045, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của kinh tế tư nhân. Đưa khu vực kinh tế tư nhân, trở thành động lực chính cho sự phát triển.

Tuy nhiên, vào thời điểm các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lẽ ra cần phát triển vững mạnh để biến khát vọng của cả dân tộc thành hiện thực thì họ mãi “không chịu lớn”. Câu chuyện doanh nghiệp tư nhân Việt Nam “không chịu lớn” được biết đến từ năm 2009, qua các điều tra khảo sát của nhiều cơ quan chức năng. Hơn 10 năm trôi qua, tình trạng này vẫn không được cải thiện.

{keywords}
Doanh nghiệp tư nhân không chịu lớn.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 17.000 doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn và 21.000 DN quy mô vừa. Con số này quá khiêm tốn so với khoảng 750.000 doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế đất nước.

Đáng chú ý, mặc dù được xếp hạng là doanh nghiệp lớn nhưng quy mô trung bình của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn rất nhỏ bé so với các quốc gia trong khu vực. Các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam hiện chỉ có quy mô vốn hóa trung bình khoảng 200 triệu USD, trong khi mức trung bình của các doanh nghiệp tại Philippines là 1,2 tỷ USD, Singapore 1,07 tỷ USD, Thái Lan 835 triệu USD, Indonesia 809 triệu USD và Malaysia là 553 triệu USD.

Cùng với đó, nguồn nhân lực của doanh nghiệp tư nhân cũng rất yếu kém. Lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam, nhiều trường hợp chỉ tốt nghiệp trung học, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ hộ gia đình hoặc đi lên từ vị trí nhân viên trong các doanh nghiệp Nhà nước.

Theo một kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây, có tới 55,63% số chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% có trình độ học vấn sơ cấp và phổ thông các cấp. Vì vậy, việc nắm bắt cơ hội, những cải cách đều không cao và ít hướng tầm nhìn đúng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Còn với lực lượng lao động, có tới 75% chưa qua đào tạo về chuyên môn kỹ thuật.

Hơn nữa, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chủ yếu hoạt động ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng,... ít tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, nên những đóng góp vào nền kinh tế đất nước cũng hạn chế. 

Khảo sát của VCCI cũng nêu thực tế, hơn 50% doanh nghiệp tư nhân vay vốn ngân hàng chủ yếu để trang trải hoạt động, ít đầu tư cho đổi mới sáng tạo, thiết bị máy móc hay công nghệ. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 2%. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,2-0,3% tổng doanh thu.  

Nếu đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP năm 1995 chiếm 43%, thì các năm sau đó giảm dần, cho đến năm 2020 mới tăng về mức 43%. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp khoảng 10% GDP, còn lại là của các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ. Mục tiêu của đưa đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đạt 49% GDP năm 2020 đã không thành hiện thực.

Có thể nói sau, hơn 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các doanh nghiệp ngang tầm thế giới. Đây là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay. Năng lực hạn chế của các doanh nghiệp tư nhân sẽ ảnh hưởng tới khả năng cải thiện năng suất và gia tăng quy mô để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận xét.

Cải cách đột phá

VCCI đã chỉ ra hàng loạt rào cản sự phát triển, tăng trưởng của doanh nghiệp tư nhân, bao gồm gánh nặng quy định pháp luật, khả năng tiếp cận tài chính, đất đai, sự thiếu minh bạch và chi phí không chính thức. Việc cải tiến những yếu tố này đã tốt lên theo từng năm nhưng chưa thực sự góp phần tạo nên những doanh nghiệp mang tầm quốc tế.

{keywords}
Số ít doanh nghiệp tư nhân ghi dấu ấn tại các công trình xây dựng lớn của đất nước

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 thì thu nhập bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 20.000 USD/năm. Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay khoảng 3.000 USD/năm, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng GDP từ 7,5-8% mỗi năm, liên tiếp trong 25 năm tới. Mục tiêu này không thể thành hiện thực nếu thiếu đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân.

Ngày nay, ở các nước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân thường đóng góp trên 85% GDP, là nền tảng và là trụ cột đảm bảo cho nền kinh tế phát triển vững mạnh. Bất kì quốc gia giàu mạnh nào cũng đều có đội ngũ các doanh nhân, các doanh nghiệp hùng mạnh. Chính những tập đoàn, công ty tư nhân hàng đầu ở các nước công nghiệp phát triển, đóng vai trò đầu tàu đưa quốc gia trở thành những cường quốc kinh tế. Đó cũng là những thương hiệu mang lại niềm kiêu hãnh cho người dân của các quốc gia đó.

Việt Nam cũng phải phát triển được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp như vậy nếu muốn sánh vai với các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Thụy Điển,... vào năm 2045. Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là lời giải cho bài toán tăng trưởng mà còn đảm bảo sự tự chủ và tránh phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam.        

Những ưu đãi lớn dành cho FDI và cả doanh nghiệp Nhà nước hiện nay cần phải dành cho cả doanh nghiệp tư nhân. Đặt tất cả trong một “sân chơi” bình đẳng. Tiếp tục thúc đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thực thi chính sách minh bạch, hiệu quả; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực,... là những giải pháp vô cùng quan trọng để tạo ra một đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì mới có được “sự thần kỳ 2045”, các chuyên gia kinh tế nêu ý kiến.

Trần Thủy