Vẫn còn nhiều trạm BOT kiểu như Cai Lậy - Tiền Giang. Không tháo “ngòi nổ” này, câu chuyện tiền lẻ - xả trạm chẳng có hồi kết bởi vì 1 con đường nhưng người dân phải đóng 2 loại phí.

Trước ngày BOT Cai Lậy Tiền Giang tái khởi động thu phí, lãnh đạo một công ty đầu tư BOT chia sẻ thẳng thắn: BOT đúng là còn bộc lộ những điều chưa đúng, nhưng “đạp đổ” toàn bộ BOT là bất cập cho nhu cầu đầu tư phát triển. Chúng tôi làm việc với các công ty Nhật, họ nói giàu như Nhật, ngân sách chỉ đáp ứng một phần, còn hạ tầng lớn như sân bay, cao tốc, tàu điện ngầm... đều phải xã hội hóa.

BOT là cần thiết nhưng cũng chính vị lãnh đạo DN này thừa nhận: “BOT Việt Nam đang biến thiên mất rồi”. “BOT ở Việt Nam không giống ai”, nảy sinh “tiêu cực”, “xin - cho”.

{keywords}

Cái sự 'không giống ai' như lời vị doanh nhân kia thực chất là sự biến dạng của một hình thức huy động vốn đầu tư phổ biến toàn thế giới và cần thiết cho phát triển Việt Nam.

Mới đây, báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra những mặt ưu - nhược của BOT.

Báo cáo dài 35 trang này đã điểm mặt tình trạng trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án, bổ sung một số hạng mục nằm ngoài phạm vi dự án; hay cho phép nhà đầu tư thu phí cả tuyến đường ngoài BOT chạy song song với tuyến đường được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT để bảo đảm phương án tài chính của dự án.

Báo cáo cũng nhấn mạnh: Các địa phương trong quá trình góp ý về vị trí trạm thu phí chưa tham vấn, lấy ý kiến người dân gần trạm, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đối tượng thường xuyên sử dụng đường... khiến cho người dân bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua. Sau khi người dân bức xúc, khiếu kiện mới giải quyết bằng cách miễn, giảm phí (giá) sử dụng dịch vụ .

Đó chính là thực tế mà BOT Cai Lậy và nhiều tuyến BOT khác đang gặp phải. Kiểm toán Nhà nước lâu nay cũng đã chỉ ra điều bất hợp lý này. Và mới qua vài cuộc kiểm toán mà có nhiều trạm thu phí phải điều chỉnh phí, có trạm dỡ bỏ, hàng ngàn tỷ đồng bị loại bỏ khỏi chi phí đầu tư.

Thực tế diễn ra tại BOT Cai Lậy thời gian qua cho thấy, bức xúc của người dân nóng bỏng hơn nhiều những gì trong báo cáo của các cơ quan chức năng. Nhưng nhìn kỹ các cuộc “khủng hoảng” BOT gần đây thì thấy người dân chỉ phản đối các trạm BOT đặt nhầm chỗ móc túi dân chứ không phải phản đối BOT. Nhiều trạm BOT đường cao tốc vẫn được tài xế chấp nhận sự tồn tại khi rút ngắn thời gian di chuyển đáng kể cho họ.

Chủ trương huy động vốn tư nhân đầu tư hạ tầng là đúng đắn. Nhưng cách làm không phù hợp đã khiến một chủ trương tốt đẹp làm mọc lên những cái “cái gai” trong mắt người dân. Không dẹp bỏ tình trạng làm 1 đường, thu phí 2 đường như BOT Cai Lậy, thì không thể tháo được “ngòi nổ” BOT.

Trách nhiệm trực tiếp ở đây chính là ở Bộ Giao thông Vận tải - đơn vị đứng ra ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT. Không được sự gật đầu của Bộ GTVT, các trạm BOT kiểu như Cai Lậy không thể tồn tại.

Nếu nhìn về quá khứ 5 năm về trước, sẽ thấy rằng hệ quả của BOT ngày hôm nay cũng đã nhen nhóm từ Bộ Giao thông Vận tải với những phát ngôn “tiền hậu bất nhất”. Khi ấy, Bộ Giao thông Vận tải đã hứa rằng để tránh việc phí chồng phí, nhà nước sẽ bỏ thu phí một số trạm thu phí do Nhà nước đầu tư.

Thế nhưng, thực tế diễn ra gần như không đúng như vậy. Bỏ được 1 trạm thì lại mọc ra bao nhiêu trạm khác. Bằng cách cho tư nhân cải tạo đường cũ rồi thu phí như tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, mở các đường tránh thành phố rồi thu phí cả 2 đường cũ - mới như Cai Lậy - Tiền Giang… người dân lâm cảnh “ra đường gặp trạm BOT”. Và như thế mới có nghịch lý như Cai Lậy và nhiều nơi khác: Người dân đã đóng phí đường bộ để được đi đường quốc lộ nhưng vướng cái trạm BOT sai vị trí nên lại phải đóng thêm phí lần thứ 2. Vừa đóng phí bảo trì đường bộ, vừa không thể “thoát” được các trạm thu phí BOT mọc lên nhan nhản, bức xúc chồng lên bức xúc.

Hệ quả như đã thấy! Các cuộc phản đối trạm thu phí BOT cứ nổ ra triền miên, cuộc sau nóng hơn cuộc trước, mức độ phức tạp cũng lâu hơn.

Cho nên thay vì trách người dân phản ứng tiêu cực, ngành Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan cũng cần nhìn lại chính mình để có chính sách hướng về dân. Họ là những người làm ra chính sách, hơn ai hết họ hiểu một chính sách có lợi cho dân không bao giờ bị dân phản ứng và ngược lại.

Đó là chưa kể sắp tới đây, Nhà nước cũng cần kêu gọi đầu tư tư nhân làm hạ tầng với số vốn lên đến hàng trăm nghìn tỷ. Không giải quyết được tình trạng BOT Cai Lậy, thì số phận các dự án mới sẽ ra sao?.

Lương Bằng