Bán hết rời bỏ thị trường
Theo thông tin trên Reuters, Edgar Bonte, CEO của Auchan Retail, cho biết tập đoàn đã quyết định bán 18 siêu thị tại Việt Nam. Các cửa hàng này cho doanh thu 45 triệu euro (50,4 triệu đô la). Auchan Retail đang xem xét đánh giá các khoản lỗ tại Ý và Việt Nam, hai thị trường tập đoàn gặp nhiều khó khăn.
Auchan Retail Vietnam là một trong những nhà bán lẻ đến từ Pháp, thuộc Tập đoàn Auchan Retail - một trong 5 nhà bán lẻ thực phẩm có quy mô lớn nhất thế giới, hiện có mặt tại 17 quốc gia, với doanh thu năm 2017 là 52 tỷ euro và 370.000 nhân viên trên toàn thế giới.
Tập đoàn bán lẻ Auchan được đánh giá và xếp hạng thứ 11 về nhà phân phối thực phẩm toàn cầu (theo Deloitte) và nhà sử dụng lao động có trách nhiệm đứng thứ 35 trên thế giới (theo tạp chí Fortune).
Auchan chính thức có mặt tại Việt Nam lần đầu tiên năm 2015. Tập đoàn này từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Auchan có cửa hàng tại 3 thành phố lớn của Việt Nam: TP.HCM, Hà Nội và Tây Ninh với hơn 1.000 nhân viên, hoạt động dưới các mô hình khác nhau: đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện ích và thương mại điện tử.
Mặc dù được đánh giá tiềm năng, song thị trường bán lẻ Việt Nam không hề dễ dàng với các nhà đầu tư ngoại. Sau gần 20 năm hoạt động, năm 2016 đánh dấu bước ngoặt quan trọng với Big C Việt Nam khi chuỗi siêu thị này đổi chủ.
Trong nỗ lực tái cấu trúc hoạt động, tập đoàn Casino Group của Pháp (chủ sở hữu thương hiệu Big C) tuyên bố đạt thỏa thuận bán Big C Việt Nam cho Central Group của Thái Lan với giá trị 1,1 tỷ USD. Trong khi đó, chuỗi Big C Thái Lan cũng được Casino Group bán cho TCC Group với mức giá 3,5 tỷ USD.
Tập đoàn METRO cũng đã hoàn tất mọi thủ tục để chuyển giao METRO Cash & Cary Việt Nam cho TCC (Thái Lan). TCC sẽ mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn METRO tại Việt Nam, bao gồm tất cả 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu Euro.
METRO Cash & Carry Việt Nam đi vào hoạt động trong lĩnh vực bán buôn từ năm 2002 và hiện có 19 trung tâm trên khắp Việt Nam với hơn 3.300 nhân viên.
Đại gia teo tóp
Không chỉ kinh doanh thua lỗ, bán lại hệ thống mà các cuộc kết duyên của các đối tác ngoại với các doanh nghiệp trong nước cũng không mấy suôn sẻ.
Tập đoàn Nhật Bản Aeon và CTCP Nhất Nam (đơn vị chủ quản) đã hoàn tất đàm phán nhượng lại chuỗi siêu thị Fivimart cho một doanh nghiệp trong nước. Đại gia bán lẻ Nhật Bản Aeon "kết duyên" cùng CTCP Nhất Nam từ năm 2015 khi mua lại 30% cổ phần. Thời điểm mới bắt tay hợp tác năm 2015, Fivimart có 10 siêu thị, nay là 23 siêu thị.
Đầu năm 2015, tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản tuyên bố mua lại 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart, 2 chuỗi bán lẻ siêu thị lớn, một ở phía Bắc và một ở phía Nam của Việt Nam.
Mặc dù vậy, 2 năm sau ngày hợp tác, kết quả Fivimart và Citimart thu được là những khoản lỗ lũy kế tăng đột biến. Đến cuối năm 2017, tổng số lỗ lũy kế của Fivimart lên tới gần 200 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 823 tỷ đồng, tương đương giá trị tổng tài sản công ty.
Một đại gia khác là Parkson cũng khá chật vật tại thị trường Việt Nam. Là một trong những TTTM quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, những năm gần đây, Parkson gặp một số khó khăn trong cạnh tranh, phải đóng cửa một số TTTM hoạt động không hiệu quả ở TP.HCM, Hà Nội.
Liên tục thua lỗ và đóng cửa các trung tâm mua sắm, Parkson đang quản lý 5 TTTM trên cả nước, trong đó 3 trung tâm tại TP.HCM, 1 tại Đà Nẵng và 1 tại Hải Phòng.
Gần đây nhất là thương vụ đình đám, Công ty cổ phần Cửa hiệu và Sức sống - chủ sở hữu chuỗi cửa hàng này - đề nghị được nhượng lại 100% cổ phần với giá 1 USD. Như vậy, khi nhận chuyển nhượng, VinCommerce còn nhận về tài sản và các nghĩa vụ hiện có, bao gồm cả nghĩa vụ nợ (nếu có) của Công ty Cửa hiệu và Sức sống.
Theo báo cáo tài chính năm 2016 của Shop&Go, hai năm 2015 và 2016 hệ thống cửa hàng này báo lỗ lần lượt 17,8 và 38,6 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 là gần 205 tỷ đồng.
Có thể nói, thị trường bán lẻ trong nước luôn cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi các ông lớn có nguồn vốn khổng lồ để có thể tồn tại. Mặc dù vậy, tương lai vẫn đang khá rộng mở với thị trường dự báo 2020 sẽ là 179 tỷ USD.
Dân số trên 93 triệu dân, 60% độ tuổi dưới 35, sức tiêu dùng lớn, thu nhập được cải thiện... dư địa cho thị trường bán lẻ Việt được các chuyên gia đánh giá còn rất lớn.
Nam Hải