Ông chủ Mường Thanh bị đề nghị truy tố về tội lừa dối khách hàng

Ông Lê Thanh Thản, chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, còn được gọi với tên "đại gia điếu cày", sinh năm 1950, ngụ phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội vừa bị đề nghị truy tố về tội lừa dối khách hàng do có sai phạm xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

Ông Thản bị đề nghị truy tố về tội lừa dối khách hàng theo khoản 2, điều 198, BLHS năm 2015. Ngoài ông Thản, cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố 6 cán bộ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì có liên quan đến sai phạm của đại gia Lê Thanh Thản.

Theo khoản 2, điều 198 mà ông Thản bị đề nghị truy tố, bị can có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm nếu: Phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

{keywords}
Ông Lê Thanh Thản.

Dự án khiến đại gia Thản "ngã ngựa" vì lừa dối khách hàng

Vụ án lừa dối khách hàng liên quan đến ông Thản diễn ra từ tháng 7/2019, thuộc dự án CT6 Kiến Hưng, quận Hà Đông do Công ty cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes là chủ đầu tư. Ông Lê Thanh Thản là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes.

Theo quy hoạch thiết kế được duyệt, dự án có hai tòa chung cư gồm CT6A và CT6B, với tổng số căn hộ được duyệt là 936 căn hộ chung cư cao tầng và 34 nhà thấp tầng, biệt thự liền kề.

Tuy nhiên, qua rà soát, kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư đã xây thêm tòa CT6C, nâng tổng số căn chung cư không phép là 654 và 4 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng. Điều đáng nói là, tất cả số chung cư không phép đều đã được bán cho khách hàng và đưa vào sử dụng. Và những khách hàng mua nhà này dù đã chuyển về ở vài năm nhưng không được cấp sổ đỏ.

{keywords}
Tòa CT6C tại dự án CT6 Kiến Hưng, quận Hà Đông.

Tháng 5/7/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội lừa dối khách hàng, quyết định khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lê Thanh Thản. Mặc dù ông Thản bị khởi tố nhưng được tại ngoại.

Ngày 9/7 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc và địa điểm của bị can Lê Thanh Thản tại các địa chỉ: Lô 45-BT2 bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, (Hoàng Mai, Hà Nội); Ban quản lý dự án Thanh Hà, phường Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội); Ban quản lý khu đô thị Xa La, phường Phúc La (Hà Đông, Hà Nội). Sau quá trình khám xét, cơ quan điều tra đã thu giữ một số tài liệu liên quan.

Đại gia điếu cày là ai? Tài sản "khủng" cỡ nào?

Trong giới bất động sản, cái tên Lê Thanh Thản không hề xa lạ gì. Bởi lẽ, vị đại gia này được biết đến với nhiều biệt danh như: "Đại gia điếu cày", ông trùm nhà giá rẻ...

Ông Thản xuất thân Nghệ An, khởi nghiệp từ tỉnh miền núi Lai Châu, lập nghiệp bằng nghề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền núi (công ty tư nhân đầu tiên thành lập năm 1987), sau đó vươn sang Lào.

Ông Thản đã gặt hái được nhiều thành công khi đánh trúng vào phân khúc nhà thương mại trung bình – giá rẻ và nhu cầu thực cao, kết hợp với hệ thống khách sạn Mường Thanh được mệnh danh là chuỗi khách sạn lớn nhất Đông Nam Á.

Các dự án mà ông Thản đang nắm giữ có thể tập trung vào 3 mảng chính là khách sạn, chung cư và khu vui chơi giải trí.

Về mảng khách sạn, năm 1993, ông xây khách sạn Mường Thanh đầu tiên ở Điện Biên, sau đó xây tại Linh Đàm, Hà Nội. Đến nay, chuỗi khách sạn này đã có 60 đơn vị thành viên, phủ sóng khắp các địa phương tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á, chia làm 4 phân khúc gồm Mường Thanh Luxury, Mường Thanh Grand, Mường Thanh Holiday và Mường Thanh.

Ngoài ra, tại Công ty du lịch dầu khí Phương Đông (PDC), ông Thản và thành viên liên quan nắm giữ tổng cộng hơn 7 triệu cổ phiếu PDC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 46,71% tổng số cổ phần của công ty.

{keywords}
 

Về mảng nhà chung cư giá rẻ của Mường Thanh không thể không nhắc đến các dự án như HH Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ, Thanh Hà Cienco 5, chung cư Đại Thanh, chung cư Xa La... Doanh nghiệp này liên tục mở bán các dự án với già từ 10 - 15 triệu đồng/m2. Song trên thực tế, để mua một căn hộ, khách hàng thường phải chịu thêm giá chênh từ 2 đến 5 triệu đồng mỗi m2, tùy từng căn.

Các dịch vụ giáo dục, sức khỏe và vui chơi giải trí của Mường Thanh phải kể đến các thương hiệu như thương hiệu như Mường Thanh Safari Diễn Lâm (Vườn thú lớn nhất miền Bắc), VRC (Trung tâm giải trí đa chức năng), Fitness Plus (Trung tâm Finess & Yoga 5 sao), DreamKid (Khu vui chơi học tập dành cho trẻ em), Hoa Ban Gift Shop (Chuỗi cửa hàng Lưu niệm cao cấp)...

Công viên nước lớn nhất Hà Nội của Mường Thanh mang tên Công viên nước Thanh Hà được Công ty CP phát triển địa ốc Cienco5 xây dựng trên lô đất A2.2 CCĐT01 thuộc khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội được kỳ vọng sẽ là một trong những điểm vui chơi hàng đầu Hà Nội. 

{keywords}
Công viên nước Thanh Hà trước khi bị phá dỡ.
{keywords}
 
{keywords}
Công viên nước Thanh Hà sau khi bị phá dỡ.

Tuy nhiên, ngay khi mở cửa, tại công viên này đã xảy ra vụ chết đuối của bé trai đến vui chơi, cho thấy những dấu hiệu mất an toàn.

Và dù đã được đi vào hoạt động 6 tháng nhưng đến tháng 12/2019, UBND quận Hà Đông đã ban hành quyết định 5079 cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với Công ty CP phát triển địa ốc Cienco5 (công ty con do Tập đoàn Mường Thanh sở hữu hơn 95% cổ phần), chủ đầu tư công viên nước Thanh Hà, vì xây dựng công trình không phép.

Lực lượng liên ngành quận Hà Đông, Hà Nội gồm công an, tư pháp, quản lý đô thị, và đội quản lý trật tự xây dựng đang tiến hành cưỡng chế, phá dỡ công viên nước Thanh Hà. Hiện tại, khu công viên nước lớn nhất Hà Nội này chỉ là bãi đất ngổn ngang, hoang tàn sau khi bị phá dỡ.

Theo thông tin trên tờ TheLeader, hầu hết các khách sạn Mường Thanh thuộc quyền sở hữu của 2 công ty lớn của ông Thản là CTCP Tập đoàn Mường Thanh và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng tư nhân số 1 Tỉnh Điện Biên (Xây dựng số 1). Tuy nhiên do nhiều khách sạn mới đưa vào vận hành, khai thác trong vài năm trở lại đây nên kết quả kinh doanh không mấy tích cực với những khoản thua lỗ cả trăm tỷ đồng, theo các số liệu tài chính đến năm 2016.

Với CTCP Tập đoàn Mường Thanh, đây là đơn vị quản lý các chuỗi khách sạn Mường Thanh mới và cao cấp như Mường Thanh Grand Nha Trang, Mường Thanh Hà Nội Centre, Mường Thanh Quy Nhơn, Mường Thanh Quảng Bình,…

Năm 2016 doanh thu của Công ty này đạt 315 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Doanh thu đến từ việc Mường Thanh liên tục đưa thêm các khách sạn mới đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, do tỷ suất lợi nhuận thấp và chi phí vận hành cao, Công ty đã báo lỗ 93 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với khoản lỗ 65 tỷ đồng trong năm 2015.

(Theo Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)