Bộ Tài chính đã hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trong đó, dự thảo đã đưa vào một số điểm mới so với quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP.

Nếu như tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP chỉ quy định vận động đóng góp tự nguyện đối với thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, thì với dự thảo mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đã bổ sung thêm quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do dịch bệnh, phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19 thời gian qua.

{keywords}
Việc kêu gọi từ thiện phải công khai, minh bạch thu chi. Ảnh minh họa

Dự thảo cũng sửa đổi quy định theo hướng cho phép kéo dài thời gian tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện phù hợp với yêu cầu thực tế khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Sửa đổi, bổ sung quy định nội dung chi hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan và đáp ứng yêu cầu khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Đáng lưu ý, dự thảo còn đưa vào quy định về công khai (nội dung, hình thức, thời gian... ) kết quả vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để đảm bảo minh bạch.

Bên cạnh đó, cá nhân khi vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tiếp nhận.

Đồng thời, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với UBND, nơi tài trợ để đảm bảo phân phối kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng, minh bạch và thực hiện công khai kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trên các phương tiện truyền thông.

Trong khi Nghị định số 64/2008/NĐ-CP chỉ cho phép các cơ quan thông tin đại chúng được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trợ giúp người mắc bệnh hiểm nghèo, thì dự thảo lần này đã bổ sung thêm quy định cho phép các cơ sở y tế, quỹ từ thiện, cá nhân được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Hà Duy

Số 1 đất Việt, âm thầm chuyển hơn 2.300 tỷ làm từ thiện

Số 1 đất Việt, âm thầm chuyển hơn 2.300 tỷ làm từ thiện

Không đứng ngoài cuộc khi dịch bệnh xảy ra, các doanh nhân Việt đã thể hiện bản lĩnh của mình, đóng góp tiền tỷ cho các hoạt động xã hội và vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế.