- Chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam đã lấy lại được mốc 600 điểm. Hành trình chinh phục 600 điểm kéo dài gần một thập kỷ qua nhưng dường như đây vẫn là một công việc khó khăn.


Thập kỷ vật vã

Ngày 5/5/2016, thêm một lần nữa, VN-Index vượt qua mốc 600 điểm. Hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG và cổ phiếu ngành thép HSG, HPG, VIS, TLH tăng giá mạnh cùng với sự vững vàng của một số cổ phiếu lớn như VNM, VIC… đã giúp VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 600 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,44 điểm (+0,41%) lên 601,51 điểm.

Tuy nhiên, giao dịch có phần kém sôi động. Thanh khoản trong buổi sáng giảm gần 10% so với phiên liền trước, đạt chưa tới 1,4 ngàn tỷ đồng. Tính chung cả phiên, giá trị giao dịch đạt chưa tới 2,6 ngàn tỷ đồng.

{keywords}
TTCK tăng khá mạnh về quy mô nhưng chất lượng vẫn còn là vấn đề.

Như vậy, sau gần 6 tháng, chỉ số của TTCK tập trung Việt Nam lại đã vượt qua ngưỡng điểm mang tính chất tâm lý này. Trong năm 2014 và 2015, VN-Index đã nhiều lần thử ngưỡng 600 điểm nhưng chỉ giữ được trong một thời gian ngắn. Phần lớn thời gian, VN-Index nằm dưới ngưỡng này.

Đây là một kết quả không mấy sáng sủa bởi trước đó, từ giữa năm 2001, VN-Index đã đạt 571 điểm. Tới đầu 2005, VN-Index đã dễ dàng vượt 600 điểm và trong những ngày đầu tiên năm 2007 đạt gần 1000 điểm, trước khi ghi nhận đỉnh cao 1.170,7 điểm vào ngày 13/3/2007.

So với thời điểm cách đây hơn 9 năm, hiện VN-Index mới chỉ đạt 600 điểm, tức chỉ bằng khoảng 50% kỷ lục trên.

Sau 9 năm, TTCK đã có rất nhiều thay đổi. Hàng loạt cổ phiếu mới lên sàn, nhiều cổ phiếu bị loại ra khỏi sàn do DN kinh doanh yếu kém, do cổ đông tự nguyện, do làm ăn không minh bạch… Từ chỗ chỉ có ít mã trên sàn, giờ đây 2 sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đã có gần 700 mã, chưa kể tới hàng trăm mã đăng ký giao dịch trên UPCOM.

Tới cuối 2015, tổng vốn hóa TTCK đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng (gần 60 tỷ USD), tương đương 34% GDP.

Chứng khoán Việt Nam liên tục được đánh giá là hấp dẫn hơn các nước Đông Nam Á. Cơ hội cải thiện vị thế của TTCK là khá lớn khi mà quy mô vốn hóa mới chỉ bằng 15-30% so với các nước như Thái Lan, Malaysia, Phillippines… Chỉ số giá/thu nhập cổ phiếu (P/E) bình quân của chứng khoán Việt Nam thấp chỉ bằng 50-70% so với khu vực.

Có khá nhiều điểm tích cực. Mặc dù vậy, chỉ số đại diện cho chứng khoán Việt Nam vẫn trồi sụt và không thể bứt phá như kỳ vọng trong nhiều năm qua.

Đích nào cho VN-Index?

TTCK thời điểm hiện nay khác rất nhiều so với 9 năm trước. Ngoài sự khác biệt về quy mô, về phương thức giao dịch, mặt bằng giá cổ phiếu là một điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất.

{keywords}
Đã qua rồi thời kỳ nhà nhà chơi chứng khoán.

Nếu như trước đây, việc tìm kiếm một cổ phiếu có giá trên trăm ngàn rất dễ, tìm đâu cũng thấy, thì giờ đây đó đều là hàng hiếm. Tính tới 5/5/2016, TTCK chỉ có khoảng trên chục cổ phiếu có giá “10 chấm”, đứng đầu là CTD (170 ngàn/cp), VCF (169 ngàn/cp), WCS (156 ngàn đồng), BMP (144 ngàn), VNM (141 ngàn), MAS (139 ngàn), SKG (124 ngàn), TRA (115), NCT (114 ngàn)...

Tuy nhiên, đây đều là những cổ phiếu tốt, có thu nhập trên cổ phiếu (EPS) thuộc tốp cao nhất trên thị trường. CTD là một ví dụ. Cổ phiếu này có EPS lên tới gần 19 ngàn đồng/cp. Với mức giá hiện tại, CTD có chỉ số giá/thu nhập (P/E) ở mức 9 lần, khá hấp dẫn.

Vinamilk (VNM), SKG, BPM, VCF, TRA… đều là những cổ phiếu có EPS rất cao, P/E ở mức 10-20 lần. Đây là mức tương đối hấp dẫn so với khu vực nhưng cũng không quá hời.

Trước đó, 9 năm trước đây, TTCK có tới 25% số lượng các mã chứng khoán có giá trên 100 ngàn đồng. Nhiều cổ phiếu có giá cao ngất ngưỡng như BMC (847 ngàn đồng/cp), SJS (728 ngàn), FPT (625 ngàn), DHG (553 ngàn đồng)…

Khi đó, 20 DN lớn nhất trên TTCK (chiếm 99% vốn hóa) có P/E ở mức hơn 70 lần - một hệ số quá cao so với hầu hết các chuẩn mực thị trường khác và chưa từng xảy ra trong lịch sử của các TTCK châu Á trước đây.

Tại thời điểm đỉnh cao 2007, TTCK không có cổ phiếu nào có thị giá dưới 10 ngàn đồng. Còn ở thời điểm hiện tại, cả trăm mã có thị giá dưới mệnh giá. Nhiều mã khá nổi trên thị trường có giá dưới 10 ngàn đồng như: HAG (7.400 đồng/cp), HNG (7.700), AGR (2.800), ANV (7.000), FLC (6.700), HAP (5.400), KSS (1.200)…

Trên thực tế, nhiều cổ phiếu giảm giá nhiều so với trước đây một phần do DN chia cổ tức, chia cổ phiếu thưởng khiến giá điều chỉnh kỹ thuật. Mặc dù vậy, phần lớn đều có giá đã điều chỉnh vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh cao 2007.

Nhiều đánh giá cho rằng chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhưng trong nhiều năm qua, VN-Index chưa thực sự vượt qua nổi ngưỡng 600 điểm. Nhiều chuyên gia cho rằng, dù được đánh giá hấp dẫn hơn một số TTCK trong khu vực, nhưng VN-Index khó lòng lấy lại được đỉnh cũ.

Với đợt tăng điểm lần này (đầu tháng 5/2016), nhiều CTCK gần đây vẫn khá thận trọng trong các dự báo của mình. VCBS cho rằng, TTCK tiếp tục xu hướng tích cực. Artex cho rằng, tin tức vĩ mô tiếp tục ủng hộ xu thế tăng điểm. Còn PSI cho rằng, thị trường đang tích lũy và dòng tiền đang tập trung vào cổ phiếu thép và ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, các CTCK đều thận trọng và cho rằng thị trường cần thêm thời gian thử thách để có thể vững vàng ở mức kháng cự 600 điểm.

M.Hà