Thông tin này hiện đang thu hút đông đảo sự chú ý của công chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành cũng như người tiêu dùng trong nước.
Chính sách này dự kiến áp dụng từ ngày 15/11 đến hết ngày 15/5/2022. Trường hợp Chính phủ ký ban hành nghị định sau 15/11, Bộ sẽ trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến hết tháng 5/2022.
Nghĩa là, trường hợp được thông qua, chính sách cũng chỉ áp dụng trong khoảng thời gian 6 tháng. Dù vậy, nhìn từ quá khứ, ai cũng đều thấy được những tác động tích cực mà việc giảm lệ phí sẽ mang lại, cho cả 3 bên: doanh nghiệp, người tiêu dùng lẫn Nhà nước.
Trong dự thảo, Bộ Tài chính cũng nêu rõ, mục đích của nghị định sắp ban hành là kích thích tiêu dùng trong nước; tiếp tục hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước, thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19; góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển công nghiệp ô tô trong từng thời kỳ, kích thích thị trường ô tô phát triển.
Còn nhớ năm 2020, nhờ chính sách tương tự (giảm 50% lệ phí trước bạ) được áp dụng vào tháng 6, số lượng xe đăng ký lần đầu giai đoạn nửa cuối năm đã lên tới 209.584 xe, bình quân 34.930 xe/tháng, tăng hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.
Thực tế đó cho thấy, nhu cầu mua xe của người dân là rất lớn và luôn hiện hữu. Tuy nhiên, không phải cá nhân, hộ gia đình nào cũng đủ nguồn tài chính dư dả để mua một chiếc xe để "che mưa, che nắng".
Với thu nhập bình quân hàng năm của người Việt là 3.000 USD/năm, vẫn ở mức trung bình thấp so với thế giới, thế nhưng, giá xe ở Việt Nam lại tương đối "đắt đỏ". Giá xe ở ta "gánh" nhiều loại thuế, phí, tính sơ sơ cũng đến… 8 loại, chưa nói là tỉ lệ không hề nhẹ.
Cho nên, khi giảm 50% lệ phí trước bạ, nhiều người có thể sẽ thu hẹp được khoảng cách với ước mơ sở hữu một chiếc xe. Họ sẽ tiết kiệm được từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng khi mua xe mới lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Lấy ví dụ ở phân khúc MPV cỡ nhỏ, một mẫu xe có giá niêm yết 630 triệu đồng, nếu mua tại Hà Nội người dùng sẽ phải trả số tiền phí trước bạ chưa giảm là 75,6 triệu đồng. Nếu được giảm 50% phí trước bạ, người mua chỉ phải trả 37,8 triệu đồng. Giá trị xe càng cao đồng nghĩa với việc lệ phí trước bạ giảm càng lớn.
Trong khi đó, ngân sách cũng không lo thiệt. Thực tế đã cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước từ thuế tiêu thụ đặc biệt, GTGT, lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nửa cuối năm 2020 đã tăng thêm khoảng 14.110 tỷ đồng tương đương tăng 1,76 lần so với 6 tháng đầu năm 2020, đạt 32.481 tỷ đồng.
Bản thân các doanh nghiệp và nhà phân phối cũng kỳ vọng thị trường khởi sắc sẽ cứu vớt doanh số sau khoảng thời gian dài nhiều cửa hàng, showroom ô tô phải đóng cửa vì dịch bệnh.
Trước đó, doanh số tháng 8 của thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã ghi nhận mức giảm kỷ lục trong 6 năm qua và tháng 9/2021 ghi nhận mức giảm 3,5 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Tóm lại, đây là một chính sách lợi đơn, lợi kép với ngành ô tô, không lý gì lại không thực hiện. Có điều, phân vân lớn nhất chính là vấn nạn tắc đường, quá tải giao thông đô thị khi lượng phương tiện cá nhân gia tăng.
Đó là bài toán dài hơi và đòi hỏi cái nhìn chiến lược trong quy hoạch đô thị. Không thể vì lỗi quy hoạch mà ngăn cản mong muốn chính đáng sở hữu ô tô của người dân. Đây càng phải là thời điểm để các cơ quan chức năng nâng cao tính hữu dụng của giao thông công cộng, cho phép người dân được lựa chọn phương tiện đi lại phù hợp với khả năng và hoàn cảnh.
Dẫu sao thì vẫn thật tốt nếu có thể lựa chọn xe buýt, tàu điện… Nhưng chắc chắn không phải là sự ép buộc. Biết đâu, nếu những "siêu dự án" làm tốt (tàu Cát Linh - Hà Đông đã bắt đầu lăn bánh), người ta lại chẳng thiết mua ô tô nữa thì sao? Biết đâu, biết đâu đấy!
(Theo Dân Trí)
'Ma trận' thuế, phí để ô tô lăn bánh tại Việt Nam
Để một chiếc ô tô có thể lăn bánh trên đường phố Việt Nam, người mua sẽ phải gánh nhiều loại thuế và phí khác nhau, phần nào gây khó khăn về tài chính khi "tậu" ô tô mới.