Giới ngân hàng xôn xao về một quy định mới sắp có hiệu lực có thể sẽ khiến ngân hàng vào khó khăn hơn trong việc đòi nợ. Ngàn tỷ tiền nợ đang kẹt trong các khối tài sản đảm bảo sẽ khó được xử lý, kéo theo tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng.

Quy định được nhắc đến Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015 mới (sẽ có hiệu lực từ 1/1/2017). Theo đó, trong trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm (TSBĐ) thì bên nhận bảo đảm chỉ có quyền khởi kiện tại tòa án.

Nợ ngàn tỷ vẫn… yên tâm

Thoáng nghe, đây là điều bình thường, bởi tất nhiên là không xử lý được thì phải đưa ra tòa. Nhưng với nhiều ngân hàng thì, hiệu lực của Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015 đồng nghĩa với việc Nghị định 163 về giao dịch bảo đảm của Chính phủ ban hành trước đó sẽ không còn hiệu lực. Như vậy, các tổ chức tín dụng chỉ được phép thu giữ tài sản bảo đảm với các giao dịch thực hiện trước thời điểm này, và không còn phép được thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo với giao dịch mới phát sinh nữa.

“Chúng tôi bối rối vô cùng. Từ đầu 2017 tới đây, chúng tôi chưa biết làm thế nào. Công cụ mạnh nhất để giúp xử lý nợ xấu không còn nữa thì tình hình sẽ ra sao”, ông Thiệu Ánh Dương, Tổng giám đốc Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của NHTM Techcombank chia sẻ.

{keywords}

Đa số đại diện các NH cho rằng, Nghị định 163 đã hỗ trợ khá tốt cho hoạt động xử lý nợ của các tổ chức tín dụng. Các NHTM đã tự xử lý được tới 55% số nợ xấu được xử lý trong thời gian qua. Tuy nhiên, nợ xấu còn rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong những năm qua, hệ thống NH triển khai đồng bộ các giải pháp để xử lý nợ xấu để khai thông mạch máu cho nền kinh tế. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc.

Thực tế, một phần lớn nợ xấu (khoảng 45%) được bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) và chuyển sang các công ty xử lý nợ xấu của NH, và phần lớn vẫn nằm đó chưa được giải quyết.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% năm 2015 đã hoàn thành nhưng phần lớn mới là chuyển dịch nợ xấu. Nút thắt vẫn nằm ở việc xử lý TSBĐ.

Trong 3 năm qua, thống kê cho thấy, VAMC đã mua được hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu nhưng chưa phải bỏ ra một đồng vốn. VAMC mua nợ xấu theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do công ty phát hành. Dù bán nợ xấu không thu được tiền mặt và ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm trong 5 năm cho khoản nợ bán đi. Từ 2013 đến cuối 2015, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được gần 23 ngàn tỷ đồng từ bán nợ, bán tài sản đảm bảo, trong đó bán nợ đạt gần 3 ngàn tỷ đồng. Nếu so với con số nợ xấu đã mua thì số tiền thu hồi được rất thấp, chưa tới 10%.

Xử lý nợ xấu vẫn được xem như là một hình thức “nhốt lại” và “xích lại” và nếu “thả” ra thì sẽ rất nguy hiểm, mà như lời ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam là có thể “cắn chết thẳng cẳng”.

Chủ nợ lo, “con nợ” mừng thầm?

Theo đại tá Nguyễn Trọng Long, Phó cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an, tỷ lệ nợ xấu khổng lồ 8,7% NHNN công bố 2013 là một vấn đề nổi cộm. Cho tới nay, nợ xấu phần lớn vẫn ở VAMC.

Theo đại tá Long, nợ xấu ngân hàng xếp nhóm 4 đã là quá hạn dài hạn, nhưng ngân hàng đòi không được, khách hàng không hợp tác, tắt máy, thách đố, dọa có bác nọ kia, trong khi vẫn nhà lầu xe hơi, dong chơi dài dài. Chủ nợ bỏ DN này, lập DN khác, thậm chí vẫn có doanh thu bình thường. Và nếu tập hợp lại nhóm nợ xấu loại này có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

{keywords}

Với quy định mới, trong thời gian tới, việc đòi nợ sẽ phải thực hiện ở tòa. Và theo các chuyên gia, đây là một việc làm vô cùng khó khăn và phức tạp kéo dài. Theo ông Phạm Huy Thắng, Phó TGĐ Vietcombank, trung bình xử lý một bản án có liên quan tới BĐS mất 3 năm, có những vụ kéo dài tới 5 năm, chưa kể thời gian thu nợ. Việc xác định nợ cũng rất khó khăn do giá khởi điểm thường được định giá rất cao so với thị trường.

Cũng theo ông Thắng, theo quy định mỗi lần giảm giá 2-3%, có trường hợp giảm 30 lần trong vòng 5 năm mới bán được tài sản, làm ảnh hưởng tới lợi ích của người thi hành án. Đó là chưa kể tới việc TSBĐ thường không thống nhất và rõ ràng, có nhiều trường hợp không giống như mô tả, như diện tích đất lớn hơn, nhỏ hơn so với trên giấy tờ… Việc kê biên tài sản của bên thứ 3 còn khó hơn nhiều.

Theo đại tá Nguyễn Trọng Long, đây là vấn đề đặc biệt và phải có giải pháp đặc biệt để xử lý vấn đề này, có thể cần một luật riêng hoặc nghị định riêng để xử lý nợ xấu.

TS Võ Trí Thành cho rằng, trước một hiện tượng kỳ dị đặc biệt, thì phải dùng biện pháp kỳ dị đặc biệt, còn nếu chỉ dùng các biện pháp thông thường thì “không ăn được”. Điều đầu tiên là phải quyết liệt, không quyết liệt thì không giải quyết được vấn đề.

“Trước đó, tổ tư vấn cũng đã đề nghị một bộ luật riêng. Đây là việc đại sự, gần như mức sống còn của phát triển kinh tế”, ông Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, cần nhìn lợi ích tổng thể, không chỉ xét lợi ích các bên. Cần tính toán tổng thể và có định lượng về chi phí cơ hội, chi phí gián tiếp ảnh hưởng tới nền kinh tế, ảnh hưởng tới tài khóa, ảnh hưởng tới lãi suất của vấn đề nợ xấu. Xem chi phí NHNN phải bơm tiền, bơm tín phiếu… rồi cả độ kém hấp dẫn của nền kinh tế do nợ xấu. Và vấn đề đầu tiên là Quốc hội phải quyết liệt. Làm được có thể mất năm 2 năm, để có luật quyền xử lý TSBĐ… quy trình và hiệu lực thực thi.

M. Hà